Thứ bảy 14/12/2024 00:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đồng bằng sông Cửu Long: Làm thế nào các công trình đầu tư “hạn, mặn” có hiệu quả?

Bài 1: Thiên tai đe dọa “vựa lúa”

12:26 | 26/02/2024

(Xây dựng) – Hiện nay, thông tin sụt lún, sạt lở, xâm mặn là những từ quen thuộc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Một ngày bắt đầu là số vụ sụt lún, sạt lở thay đổi bằng con số mới. Trong khi đó hằng năm, ngân sách dành số tiền khá lớn đầu tư xây dựng các công trình “hạn, mặn” trước biến đổi khí hậu. Thực sự hiệu quả của các công trình trên như thế nào? Người dân vựa lúa lớn nhất cả nước sống ra sao trước cơn hạn hán “lịch sử”? Phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi lại thực tế ở khu vực vực này.

Bài 1: Thiên tai đe dọa “vựa lúa”
Hiện nay, nhiều con kênh ở Cà Mau khô cạn nước.

Công điện khẩn của Thủ tướng

Vào đầu mùa khô 2023-2024, dự báo các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt đột hạn hán khốc liệt kéo theo thực trạng xâm mặn, sụt lún, sạt lở… Từ ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức theo dõi, chủ động triển khai công tác ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng cao điểm mùa khô tới. Các Bộ: Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, ứng phó, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ. Đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế.

Theo Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mê Công, trong liên tiếp nhiều tuần qua, các đập thủy điện thượng nguồn liên tục duy trì lượng nước xả trên 1 tỷ m3 mỗi tuần để phục vụ cho hoạt động sản xuất điện. Tuy nhiên, những ngày gần đây, các đập thủy điện của Trung Quốc đã giảm thiểu các hoạt động xả nước trong mùa khô. Mực nước sông trên toàn lưu vực gần như ở mức bình thường vào thời điểm này trong năm. Còn tại hồ Tonle Sap (Biển Hồ ở Campuchia), mực nước thấp hơn bình thường khoảng 0,70m so với trung bình nhiều năm trước.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông báo, xâm nhập mặn tại khu vực tăng dần vào cuối tuần (khoảng ngày 24-25/2). Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 2/2023. Một số trạm ở Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang có độ mặn lớn hơn. Về chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này, phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 50-62km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 30-40km; sông Hàm Luông là 32-45km, sông Cổ Chiên là 30-40km; sông Hậu là 40-48km; sông Cái Lớn là 30-40km. Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2-3/2024 (từ 22-27/2, 7/3-12/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2024 (từ 7-12/3, 22-27/3, 7-12/4, 21-26/4). Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở vùng ở cấp 2.

Bài 1: Thiên tai đe dọa “vựa lúa”
Cánh đồng khô cạn, xâm mặn.

Diễn biến bất thường

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, theo các cơ quan chuyên môn, tình hình khí tượng - thủy văn mùa khô năm 2023 - 2024 được dự báo sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn khốc liệt do tác động của El Nino. Tại Bạc Liêu, mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm, đề phòng nguy cơ thiếu nước ngọt cho sản xuất và xâm nhập mặn sớm từ nửa cuối tháng 12/2023 và các tháng mùa khô năm 2023 - 2024. Vụ lúa trên đất tôm có khả năng gặp khó khăn do mưa kết thúc sớm và có khả năng không có mưa trái mùa trong tháng 1/2024. Sản xuất vụ lúa đông xuân và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung sẽ gặp khó khăn. Tình hình cung cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn cũng gặp khó khăn trong các tháng cao điểm của mùa khô (tháng 3, 4, 5/2024) do mực nước ngầm hạ thấp. Một số hộ dân vùng ven biển, vùng sâu, vùng xa chưa có tuyến ống cấp nước sạch sẽ gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn UBND các huyện trên địa bàn vùng ngọt hóa kiểm tra, rà soát tất cả các tuyến giao thông ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, sụt lún, để lắp đặt các biển cảnh báo. Nhanh chóng triển khai các biện pháp phù hợp (giảm tải, gia cố bờ sông, cấm phương tiện tải trọng lớn lưu thông...) để giảm tối đa thiệt hại. Mặt khác, huy động nhân lực trong khu vực cùng tham gia thực hiện phòng, chống thiệt hại do sụt lún, sạt lở đất; khắc phục những vị trí có nguy cơ đe dọa an toàn đến người và phương tiện trong quá trình lưu thông. Báo cáo của tỉnh Cà Mau, trong các tỉnh ven biển khu vực đồng bằng, Cà Mau được xem là điểm nóng khi có đến 187/254km bờ biển bị sạt lở, với nhiều mức độ khác nhau. Giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ ở Cà Mau với diện tích hơn 5.200ha.

Nhiều địa phương sẳn sàng chuẩn bị kịch bản đối phó với hạn, mặn mùa khô 2023-2024 nhưng không lường trước kết cục bất ngờ.

Đào Văn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load