Thứ sáu 19/04/2024 14:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bài 1: Những dự án nghìn tỷ “vượt thời gian”

05:33 | 19/05/2022

(Xây dựng) – Câu chuyện về những dự án nghìn tỷ chậm tiến độ, hoang hóa gây lãng phí lâu nay vẫn là vấn đề nóng trên các diễn đàn Quốc hội cũng như họp HĐND các cấp. Thế rồi, vấn đề cũng sớm “nguội đi”, những công trình trăm tỷ, nghìn tỷ theo đó cứ “vượt thời gian”, nằm hoang hóa suốt hàng thập kỷ.

bai 1 nhung du an nghin ty vuot thoi gian
Dự án Khách sạn sân golf quốc tế Hoàng Đồng (Lạng Sơn) hoang hóa suốt 17 năm.

Chậm cả thập kỷ

Trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp thì những dự án trăm tỷ, nghìn tỷ tại nhiều nơi trên địa bàn cả nước vẫn nằm “phơi nắng, phơi sương” gây lãng phí.

Tại Hà Nội, dù HĐND, UBND Thành phố đã ra “tối hậu thư” xử lý dứt điểm các dự án bỏ hoang, vi phạm Luật Đất đai nhưng kết quả thực hiện vẫn “chẳng đáng là bao” so với thực tế hiện hữu. Có thể kể đến như dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt ở quận Hoàng Mai bị hoang hóa gần 20 năm. Dự án được đầu tư xây dựng với quy mô 351.618m2, tổng mức đầu tư ban đầu là trên 1.700 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 4.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (nay là Tổng Công ty LICOGI - CTCP).

Dự án được phê duyệt từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống gây lãng phí. Theo Quyết định số 4506/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thịnh Liệt, tỷ lệ 1/500, mục tiêu theo đó nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; Nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Khu đô thị nhằm tạo lập không gian đô thị mới hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, môi trường và hạ tầng xã hội; khớp nối với các dự án đang triển khai trong khu vực và không gian kiến trúc cảnh quan để tạo lập sự hài hòa và đặc trưng về kiến trúc cho khu vực, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của khu vực, bổ sung quỹ nhà ở cho Thành phố…

Năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội đã có cuộc họp nhằm “mổ xẻ” nguyên nhân chậm tiến độ, sau đó tiếp tục giao và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Ngày 15/9/2017, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Vậy nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn cứ “án binh bất động”.

bai 1 nhung du an nghin ty vuot thoi gian
Các hạng mục bị hoang hóa.

Tiếp đến là siêu dự án Tòa nhà Trụ sở chính - Trung tâm thương mại tài chính Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank Tower) tọa lạc tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 10.267 tỷ đồng được khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn nằm hoang hóa trong sự xót xa của chính quyền và nhân dân địa phương. Theo tìm hiểu, dự án có tổng diện tích sử dụng lên tới 300.000m2 và được coi là siêu dự án gồm 2 tòa tháp, tháp thứ nhất cao 68 tầng, tháp thứ cao 48 tầng với mô phỏng là khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, căn hộ cao cấp cho thuê. Các tầng phía trên được bố trí chữ theo biểu trưng VietinBank.

Được biết, VietinBank đã thông qua phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới nhưng do nhiều nguyên nhân, việc chuyển nhượng hiện vẫn chưa thể thực hiện.

Tại Hải Phòng, sau hơn thập kỷ, dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông với tổng mức đầu tư vốn ngân sách lên tới trên 4.300 tỷ đồng cũng mang số phận tương tự. Theo tìm hiểu, dự án được phê duyệt từ năm 2007, bao gồm tuyến đường chính dài hơn 5,7km, có mặt cắt 100m, trong đó mặt đường rộng 28m, dải phân cách rộng 40m; nối đường liên phường tại quận Hải An với đường Đông Khê 2 thuộc quận Ngô Quyền.

Mặc dù được triển khai với số vốn “khủng” nhưng sau hơn một thập kỷ, dự án chưa “đi” được 1/3 khối lượng. Tuyến đường chính dài gần 3km đến nay mới thi công được khoảng 200m. Khu vực đã giải phóng mặt bằng và làm nền đường, giờ đây trở thành nơi tập lái xe và điểm tập kết rác thải.

Hà Nội có làm được không?

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có gần 400 dự án chậm tiến độ. Trong đó, 30 dự án được kiến nghị thu hồi; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng; 63 dự án chậm giải phóng mặt bằng, các dự án còn lại chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.

bai 1 nhung du an nghin ty vuot thoi gian
Dự án Tokyo Tower Hà Đông “đắp chiếu” nhiều năm nay.

Có thể nói, sau hàng loạt những vụ việc nóng về đất đai, Hà Nội đã có những giám sát và cách làm quyết liệt. Cụ thể, đầu năm 2022, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 805/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện Kết luận Thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố.

Đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của các sở, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Ngoài nhiệm vụ nêu trên, Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm căn cứ quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, nghĩa vụ tài chính... xây dựng nguyên tắc giải quyết đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố để báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố thống nhất về nguyên tắc tại kỳ họp tháng 3/2022…

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội tại Kỳ họp thứ tư (chuyên đề) của HĐND thành phố diễn ra trong đầu tháng 4, đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra đối với 404 dự án.

bai 1 nhung du an nghin ty vuot thoi gian
Nhiều hạng mục gỉ sét, xuống cấp.

Phía UBND Thành phố cho biết, sẽ kiên quyết thu hồi đối với nhà đầu tư không còn phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai dự án. Theo đó, báo cáo định kỳ với HĐND thành phố về kết quả, tiến độ thực hiện.

Thừa nhận những tồn tại phức tạp của các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn, nếu không sớm có biện pháp xử lý dứt điểm, các dự án này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô, tính minh bạch của môi trường đầu tư và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.

Chậm để “chờ” quy hoạch

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng về những nguyên nhân khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng vấn đề căn bản không chỉ Hà Nội mà cả nước gặp phải đó là vấn việc “chờ” quy hoạch.

“Hà Nội đang trong quá trình xây dựng quy hoạch mới, quy hoạch tích hợp 2021-2030 và hiện quy hoạch này đang có những điều chỉnh (theo Luật Quy hoạch 2017). Do vậy, các chủ đầu tư đang chờ xem quy hoạch này điều chỉnh như thế nào để họ có thể điều chỉnh nội dung dự án nhưng việc này lại chậm triển khai”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích.

bai 1 nhung du an nghin ty vuot thoi gian
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Thanh Thủy (Phú Thọ) hoang hóa, dính nhiều sai phạm nhưng không bị xử lý.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, Quy hoạch tỉnh, thành phố hiện nay chậm là do Nhà nước chậm triển khai quy hoạch quốc gia, cụ thể, hiện nay chưa có quy hoạch sử dụng đất quốc gia (đang chuẩn bị phê duyệt).

“Vướng là do quy hoạch. Có 38 quy hoạch ngành nhưng hiện mới có hơn 14 quy hoạch nên các chủ đầu tư rất sợ quy hoạch ngành sẽ tác động đến các dự án của họ. Các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành hiện nay cũng chưa cụ thể, ví như Hà Nội mới bổ sung thêm quy hoạch hai bên sông Hồng, sông Đuống. Tất cả quy hoạch này đều tác động đến các dự án của các chủ đầu tư, họ chờ đợi và đến tận vừa rồi mới được thông qua”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.

Ông cũng phân tích nhiều nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai, vi phạm, trong đó có vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, chính sách đền bù, thu hồi dự án; việc lựa chọn nhà đầu tư (chủ đầu tư không đủ năng lực); năng lực quản lý yếu kém...

“Hành lang pháp lý hiện nay chưa chặt chẽ dẫn đến chủ đầu tư “nhờn luật”. Hà Nội hiện vẫn áp dụng quản lý theo hệ thống chính quyền cũ. Dù đã được Quốc hội cho phép thí điểm chính quyền đô thị nhưng việc này cần phải có phân công, phân cấp rõ ràng hơn như tăng thêm quyền hạn các quận, huyện, làm rõ vai trò của xã, phường. Hà Nội hiện đang chờ Luật Thủ đô, nếu việc này được thông qua, mọi thứ mới được phân định rõ ràng”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Bài 2: Giải pháp nào cho các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai?

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load