Thứ bảy 27/07/2024 19:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho 2 dự án Luật

10:20 | 14/05/2024

(Xây dựng) – Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào 2 dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 gồm: Dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) và dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bắc Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho 2 dự án Luật
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Thị Vân phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp.

Bố cục của dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều). Dự án có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội; điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009 về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.

Đồng thời, việc sửa Luật còn tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa... và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 05 chương, 8 mục, 61 điều, với 03 chính sách gồm: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Ngoài ra, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng trên cơ sở quan điểm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch. Kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng.

Bên cạnh đó, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập. Bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm, kiểm soát, giám sát việc thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý…

Trên cơ sở những vấn đề vướng mắc, phát sinh trên thực tiễn đã được tổng kết, đánh giá, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đề xuất sửa đổi, bổ sung 9 quy định mới có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một Luật để đảm bảo dễ áp dụng và gắn kết được quy hoạch không gian phát triển giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung chính, bố cục và sự cần thiết của 2 dự án Luật trên nhằm thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng; khắc phục những hạn chế qua triển khai thi hành các đạo luật hiện hành, làm cơ sở tiếp tục điều chỉnh có hiệu quả các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu cũng làm rõ thêm nhiều nội dung về: Cơ chế quản lý, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quy định về chức năng, nhiệm vụ giáo dục công nghệ của bảo tàng; sự thống nhất, đồng bộ giữa Dự án Luật quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Đất đai 2024, Luật Đấu thầu 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Bảo vệ môi trường 2020; phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Kết luận hội nghị lấy ý kiến đóng góp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời tiếp thu để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm căn cứ cho các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia công tác xây dựng luật tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV sắp tới.

Nguyên Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load