(Xây dựng) – Sáng 22/4, tại phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Tờ trình đặc biệt nhất mạnh 9 vấn đề chính dự kiến được giải quyết trong dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Dự thảo Luật do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tờ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 32. |
Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là cần thiết
Đề cập đến sự cần thiết ban hành dự án luật, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và định hướng lãnh đạo đối với công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn, xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Các Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... đã chỉ đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm kết hợp hài hoà phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (quy hoạch nông thôn và khu chức năng) hiện nay được quy định chủ yếu tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Chương II Luật Xây dựng năm 2014 (quy định về quy hoạch nông thôn và các khu chức năng), ngoài ra còn một số Luật khác liên quan, trong đó có Luật Quy hoạch năm 2017.
Qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 9 năm thi hành Luật Xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống.
Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Bộ trưởng nhận định: Từ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn nêu trên và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành và xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là hết sức cần thiết.
Đề xuất tên gọi “Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn”
Tờ trình nêu rõ mục xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Về quan điểm xây dựng, Luật thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập.
Dự thảo luật bám sát và thể hiện rõ 03 chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật. Nội dung quy định phải thống nhất, bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm, kiểm soát, giám sát việc thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Luật thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một Luật, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những nội dung còn hạn chế, bất cập để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quy hoạch.
Báo cáo quá trình xây dựng hồ sơ dự án luật, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Cơ quan soạn thảo dự án Luật đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã tổng kết việc thi hành pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế.
Bộ lập kế hoạch, thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tổ chức xây dựng dự án Luật, thực hiện đánh giá tác động thủ tục hành chính, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật.
Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật đã tổ chức lấy ý kiến 63 tỉnh, thành phố, các Bộ ngành, hội nghề nghiệp, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, người làm công tác thực tiễn. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định, hoàn thiện dự án Luật. Chính phủ đã thông qua dự án Luật tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024 (Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ).
Về tên gọi của Luật, báo cáo tờ trình nêu rõ, dự án Luật đề xuất kế thừa và hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và quy định về quy hoạch xây dựng (gồm quy hoạch nông thôn, khu chức năng) tại Chương II Luật Xây dựng vào trong 01 Luật với tên gọi là “Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn”.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật Kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II), trên cơ sở phạm vi của quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.
Dự án Luật xác định rõ về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn và mối quan hệ giữa hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch trong hệ thống pháp luật chung về quy hoạch.
Phạm vi điều chỉnh của Luật đề xuất là: “Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn”.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua với 03 chính sách gồm: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 05 Chương, 08 Mục, 61 Điều. Trong đó, Chương I quy định chung (gồm 15 Điều, từ Điều 1 đến Điều 15); Chương II, lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 8 Mục, 27 Điều, từ Điều 16 đến Điều 42); Chương III, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 09 Điều, từ Điều 43 đến Điều 51); Chương IV, Quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 07 Điều, từ Điều 52 đến Điều 58); Chương V, Điều khoản thi hành (gồm 03 Điều, từ Điều 59 đến Điều 61).
Bộ trưởng nêu rõ 9 vấn đề chính dự kiến được giải quyết trong dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. |
Thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một Luật
Đề cập những vấn đề chính dự kiến được giải quyết trong dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Dự thảo luật thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một Luật để đảm bảo dễ áp dụng và gắn kết được quy hoạch không gian phát triển giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
Trên cơ sở những vấn đề vướng mắc, phát sinh trên thực tiễn đã được tổng kết, đánh giá, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh với những điểm mới cơ bản.
Thứ nhất, quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch (Điều 5 dự thảo Luật); tách bạch và làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch.
Trong đó, các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia theo Luật Quy hoạch năm 2017; các quy hoạch đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn (theo phạm vi hành chính) và đô thị mới (theo phạm vi định hướng tại quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh); các quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã (theo phạm vi hành chính); các quy hoạch khu chức năng được định hướng, xác định trong quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chung huyện; quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn gồm: Quy hoạch chung - quy hoạch phân khu - quy hoạch chi tiết.
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, các quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn còn lại là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành.
Thứ hai, tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn.
Thứ ba, đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thứ tư, bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.
Thứ năm, bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Dự thảo đề xuất quy định phải rà soát quy hoạch trước khi thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đồng thời đáp ứng các căn cứ, điều kiện điều chỉnh như không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng của khu vực điều chỉnh; có đánh giá về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tác động tiêu cực của việc điều chỉnh và đề xuất giải pháp, biện pháp thực hiện đảm bảo tuân thủ, phù hợp với quy hoạch cấp trên, quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan...
Thứ sáu, bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, bảo đảm nguồn lực thực hiện quy hoạch. Kinh phí chi đầu tư công được sử dụng cho Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Kinh phí chi thường xuyên được sử dụng cho quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng và quy hoạch chi tiết các khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư...
Kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ được nhập vào nguồn ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật. Kinh phí của cơ quan, tổ chức đã được lựa chọn làm chủ đầu tư được sử dụng để lập quy hoạch đối với khu vực được giao đầu tư.
Thứ bảy, bổ sung quy định làm rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Thứ tám, bổ sung quy định về hợp tác quốc tế và quy định trách nhiệm của Chính phủ theo hướng xác định rõ việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Thứ chín, bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.
Sau cùng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nội dung của dự án Luật đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không trái với các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Quý Anh
Theo