Thứ bảy 11/01/2025 23:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Yên Bái: Cần chấn chỉnh tình trạng xây dựng và kinh doanh trái phép tại Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà

16:35 | 05/11/2024

(Xây dựng) – Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, từ ngày 01/01/2018 đến tháng 8/2022, qua kiểm tra, xác minh đã phát hiện 20 tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình vi phạm trên vùng hồ Thác Bà; 17 tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trái phép trên đất rừng sản xuất; 01 tổ chức xây dựng công trình trên đất trồng cây lâu năm; 02 công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ nguồn nước hồ Thác Bà.

Yên Bái: Cần chấn chỉnh tình trạng xây dựng và kinh doanh trái phép tại Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà
Khu nghỉ dưỡng Thác Bà Paradise Island là một trong những cơ sở xây dựng, kinh doanh trái phép từ nhiều năm nay.

Quy hoạch nâng tầm vị thế

Với quy mô 23.400ha, bao phủ hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ tạo cảnh quan hùng vĩ và kỳ thú, cùng giá trị lịch sử đặc biệt, từ năm 1996, hồ Thác Bà đã được công nhận là Di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia. Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng du lịch Trung du và miền núi Bắc bộ.

Ngày 10/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 với mục tiêu xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.

Việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà rất rõ ràng, cụ thể các phân khu quy hoạch sẽ là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, khảo sát, có cơ hội để tiếp cận cũng như nghiên cứu, đề xuất ý tưởng triển khai thực hiện các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại hồ Thác Bà. Đây cũng là cơ hội tốt để nâng vị thế và giá trị Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Thác Bà lên tầm cao mới gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tinh thần, chủ trương phát triển kinh tế xã hội "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.

Song đây cũng là thách thức lớn đối với địa phương trong việc quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường vùng hồ.

Nhức nhối tình trạng xây dựng và kinh doanh trái phép

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, tận dụng những tiềm năng và lợi thế của hồ Thác Bà, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tổ chức các hoạt động xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trái phép gây nhiều tác động đến cảnh quan và vệ sinh môi trường. Nhiều cơ sở hoạt động theo kiểu tự phát, không đảm bảo các điều kiện về pháp lý gây phát sinh nước thải, rác thải, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước trên hồ.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Yên Bái, một số loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ có phát sinh nước thải, rác thải vào vùng hồ Thác Bà gồm các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; cơ sở lưu trú du lịch; cơ sở phục vụ ăn uống.

Hiện trong khu vực hồ Thác Bà có 11 đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản Simco - Fansipan tại xã Mông Sơn (mỏ đá hoa trắng Mông Sơn VII); Công ty Cổ phần Mông Sơn, xã Mông Sơn (mỏ đá hoa Làng Cạn); Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Công nghiệp, xã Mông Sơn (đá làm bột Cacbonat canxi Đầm Tân Minh II); Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, xã Mông Sơn (Mông Sơn VIB, làm nguyên liệu xi măng; Mỏ đá vôi Tây Bắc Mông Sơn); Công ty Cổ phần Xi măng Yên Bình, xã Mông Sơn (mỏ đá hoa Mông Sơn 1); Công ty Liên doanh Canxi cacbonat YBB (Mỏ đá vôi Mông Sơn II); Công ty Phát triển Số 1 - TNHH MTV, xã Mông Sơn; Công ty TNHH Đá cẩm thạch An Phú, xã An Phú (mỏ đá hoa Nam núi Khau Ca); Công ty TNHH Đồng Tiến, xã Mỹ Gia (mỏ đá vôi Mỹ Gia 5); Công ty TNHH Hoàng Đại Thành, xã Mông Sơn (mỏ Mông Sơn VI); Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ sản xuất trồng rừng 327, xã An Phú (mỏ đá hoa thôn 3 Nà Hà).

Yên Bái: Cần chấn chỉnh tình trạng xây dựng và kinh doanh trái phép tại Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà
Một cơ sở khai thác khoáng sản tại Lục Yên bị người dân phản ánh liên tục xả đất đá trực tiếp xuống hồ Thác Bà.

Hiện tại, có 4 cơ sở, tổ chức đang hoạt động kinh doanh dịch vụ gồm: Khu du lịch sinh thái Ruby Yên Bái (thị trấn Yên Bình); Khu nghỉ dưỡng Làng An Bình (xã Tân Hương, huyện Yên Bình); Om Tara Retreat (xã Đại Đồng, huyện Yên Bình); La Vie Vu Linh (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình). Đáng nói, đến thời điểm hiện tại, Sở Xây dựng chưa nhận được hồ sơ xin cấp phép (theo phân cấp của tỉnh) đối với cả 4 cơ sở này.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái về kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai, xây dựng tại khu vực hồ Thác Bà từ ngày 01/01/2018 đến tháng 8/2022, qua kiểm tra, xác minh 20 tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình vi phạm trên vùng hồ Thác Bà, trong đó có 17 tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trái phép trên đất rừng sản xuất; 01 tổ chức xây dựng công trình trên đất trồng cây lâu năm; 02 công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ nguồn nước hồ Thác Bà.

Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn

Báo cáo số 324/BC-STNMT ngày 25/10/2022 cũng nêu rõ: Để xảy ra tự ý xây dựng các công trình xây dựng trái phép trên đất di tích lịch sử văn hóa vùng hồ Thác Bà, mặc dù huyện Yên Bình đã tổ chức thanh tra ra kết luận nhưng hành vi chưa được xử lý triệt để, một số trường hợp còn tiếp tục tái diễn. Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn huyện, nhất là cấp xã còn xem nhẹ, lúng túng và chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện vi phạm, nên chưa đủ tính răn đe, chưa làm gương để các tổ chức, cá nhân khác không còn có ý định mua bán chuyển nhượng đất và sau đó tự ý chuyển mục đích theo cách làm tương tự trên hồ Thác Bà.

Căn cứ theo khoản 11 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. “Đối với các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai thì xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”, để xảy ra việc tự ý xây dựng các công trình xây dựng trái phép trên đất di tích lịch sử văn hóa vùng hồ Thác Bà thuộc trách nhiệm của UBND huyện Yên Bình, Phòng Hạ tầng Kinh tế và UBND cấp xã nơi có các công trình vi phạm.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Yên Bình có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và xây dựng trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình đã nêu trong kết quả kiểm tra này. Đồng thời tiến hành rà soát tổng thể các trường hợp khác vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn toàn huyện Yên Bình để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Với quan điểm là xử lý nghiêm vi phạm, không cho phép tồn tại các công trình nhà ở và công trình xây dựng khác trên đất mà không có giấy phép xây dựng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích,... nhằm răn đe, ngăn chặn, không để tiền lệ xấu xảy ra; tuyên truyền về pháp luật đất đai và xây dựng nhằm hạn chế việc mua bán chuyển nhượng đất đai trái phép diễn ra như trong thời gian vừa qua, cũng như việc đầu cơ trục lợi, gây khó khăn phức tạp trong công tác quản lý Nhà nước và mời gọi nhà đầu tư trên khu vực hồ Thác Bà, nhất là khu vực đang lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.

Yên Bái: Cần chấn chỉnh tình trạng xây dựng và kinh doanh trái phép tại Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà
Khu nghỉ dưỡng Thác Bà Paradise Island nhiều lần bị đề nghị xử lý nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Theo định hướng quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 10/5/2024, đối với các cơ sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải thực hiện xây dựng hệ thống thoát nước riêng và được thu gom về trạm xử lý tập trung của khu vực, nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung. Chất thải rắn thu gom hằng ngày về trạm trung chuyển và đưa về khu xử lý chất thải rắn theo quy định; chất thải rắn vô cơ không thể tái chế sẽ thu gom tập trung tới trạm trung chuyển và định kỳ đưa đến lò đốt chất thải rắn của huyện Lục Yên và huyện Yên Bình.

Với những cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trái phép, không có hồ sơ thủ tục pháp lý, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ rất khó để quản lý, kiểm soát việc xả thải ra môi trường tự nhiên khu vực hồ Thác Bà. Trên thực tế, đã có nhiều phản ánh của người dân về việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trái phép, gây nguy cơ “bức tử” hồ Thác Bà. Nhiều trường hợp đã xác định, làm rõ hành vi vi phạm nhưng không xử lý triệt để, gây bức xúc trong nhân dân.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Tiến Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục nâng cao công tác quản lý hoạt động xây dựng theo quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 10/5/2024 và các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong khu vực đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở khai thác khoáng sản làm việt liệu xây dựng, tăng cường quản lý hoạt động xây dựng tại khu vực hồ Thác Bà theo chức năng quản lý của ngành Xây dựng; Tăng cường kiểm tra trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm tra trật tự xây dựng cấp huyện và UBND cấp xã trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được phân công quản lý. Kiên quyết xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xây ra vi phạm mà không phát hiện xử lý hoặc không đề xuất xử lý kịp thời.

Theo quy định, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và quy định của pháp luật nếu để phát sinh mới hoặc không có biện pháp xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Đề nghị UBND huyện Yên Bình, UBND huyện Lục Yên rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép xây dựng được cấp tại khu vực hồ Thác Bà.

Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load