Thứ hai 29/04/2024 15:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bạc Liêu: Phát triển và hội nhập kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long

16:07 | 13/06/2023

(Xây dựng) - Tỉnh Bạc Liêu nằm trên bán đảo Cà Mau thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích đất tự nhiên là 2.669 km2, dân số 998.500 người, tiếp giáp đường bờ biển dài 56km. Hệ thống đô thị tỉnh Bạc Liêu hiện nay có 12 đô thị. Trong đó, có 01 đô thị loại II (thành phố Bạc Liêu), 01 đô thị loại IV (thị xã Giá Rai) và 10 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,48%...

Bạc Liêu: Phát triển và hội nhập kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu.

Còn nhiều dư địa đầu tư...

Giai đoạn 2021 - 2022, tăng trưởng kinh tế tỉnh Bạc Liêu đạt khá, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân đạt 7,30%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đến năm 2022, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 42,56%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 19,31%; khu vực dịch vụ chiếm 34,10%. Ngành Nông nghiệp đã chuyển dần từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu với nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả cao. Công nghiệp và xây dựng đang phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và chế biến thủy sản. Dịch vụ phát triển đa dạng với quy mô, chất lượng ngày càng nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, thụ hưởng của người dân, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 42 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với công suất chế biến thiết kế khoảng 192.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu đạt 82.643 tấn, giá trị đạt 853,16 triệu USD.

Các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được quan tâm đầu tư, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước. Đến nay đã có 08 dự án điện gió đưa vào vận hành, với tổng công suất 469,2 MW.

Bên cạnh các mặt đạt được, tỉnh Bạc Liêu cũng còn gặp nhiều khó khăn như các tỉnh trong vùng. Cụ thể là: Nguồn lực đầu tư công còn hạn chế, hiện trạng kết cấu hạ tầng còn yếu kém. Hiện nay, hệ thống đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh (gồm Quốc lộ 1A, Quốc lộ 91B - Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp) có quy mô nhỏ hẹp, chủ yếu là 02 làn xe; hệ thống đường tỉnh có mặt đường rộng từ 5 đến 7m, hệ thống sông rạch khá chằng chịt nhưng thiếu kinh phí xây cầu nên khả năng lưu thông, vận chuyển hàng hóa bị hạn chế, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống các đô thị trong tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, cách xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, các đầu mối giao thông quan trọng (như sân bay, cảng biển, ga đường sắt, trục cao tốc liên vùng…) nên việc thu hút đầu tư chưa đạt hiệu quả, nền tảng kinh tế đô thị nhìn chung còn thấp.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Phần lớn diện tích đồng bằng được bồi đắp phù sa hằng năm, rất màu mỡ, với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước cho sản xuất lúa. Với những lợi thế đó, trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước. Do Đồng bằng sông Cửu Long có bờ biển dài, thuộc hạ lưu sông Mekong nên bờ biển cạn, có nhiều phù sa lắng đọng, rất thích hợp cho nuôi trồng thủy hải sản và phát triển rừng phòng hộ ngập mặn.

Với dân số khá đông (khoảng 17 triệu người), cơ cấu dân số trẻ, dân trí ngày càng cao sẽ là nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển kinh tế vùng trong tương lai. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều thành phần dân tộc sống đan xen hòa đồng với nhau, giàu bản sắc, phong cảnh thiên nhiên mang tính đặc trưng riêng của vùng châu thổ nên rất phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch.

Bạc Liêu: Phát triển và hội nhập kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao Quyết định chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư

Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với biển, có số ngày nắng và gió trong năm tương đối lớn nên Bạc Liêu có nhiều thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy hải sản, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, với nền tảng văn hóa đậm đà bản sắc của ba dân tộc Kinh - Hoa – Khmer, ẩm thực đa dạng và các công trình di tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo ở địa phương đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

Những thách thức và đề xuất

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng còn nhiều thách thức, bất cập: Nguồn lực đầu tư công cho vùng còn khó khăn, khả năng thu hút đầu tư cho vùng còn hạn chế. Thực tế, hiện nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá yếu kém: Chưa có hệ thống đường sắt, chưa có cảng biển nước sâu, hệ thống đường cao tốc còn rất ít, hệ thống đường quốc lộ còn chưa được nâng cấp mở rộng đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến yêu cầu phát triển của vùng.

Việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản, thủy sản... gặp nhiều khó khăn, đa số phải thông qua các cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ. Việc thu hút đầu tư xây dựng, mở rộng và phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao còn hạn chế do thiếu tính cạnh tranh (do ảnh hưởng về kết nối hạ tầng giao thông). Điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Là vùng đất mới do phù sa bồi đắp, nền đất yếu làm tăng chi phí đầu tư, suất đầu tư xây dựng công trình so với khu vực khác (như vùng Đông Nam Bộ, vùng duyên hải miền Trung). Bờ biển có độ dốc thấp, lắng đọng nhiều phù sa nên không thuận lợi cho việc phát triển hệ thống cảng nước sâu ven biển. Phải đầu tư hệ thống đường dẫn và cầu cảng xa bờ với chi phí lớn. Hệ thống sông ngòi chằng chịt làm phát sinh nhiều chi phí xây dựng cầu, cống.

Các dự án đập thủy điện, đập chứa nước ở thượng nguồn sông MeKong làm giảm lượng nước lũ và phù sa bồi đắp, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến năng suất, mùa vụ sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cùng với tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm quá mức đã làm sụt lún nền, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững cho các đô thị trong vùng.

Với những khó khăn thách thức như vậy, tỉnh Bạc Liêu đề xuất rà soát, điều chỉnh, ban hành cơ chế chính sách đầu tư hấp dẫn, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng nhằm tăng cường khả huy động các nguồn lực, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kể cả thu hút vốn đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ưu tiên tập trung nguồn lực để sớm triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống các đường cao tốc, quốc lộ của vùng. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ; sớm hoàn thiện việc nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ IA, đoạn Cần thơ – Cà Mau và các tuyến đường quốc lộ quan trọng khác của vùng. Đối với tuyến cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, kiến nghị kéo dài tuyến đến trục đường ven biển (thuộc tỉnh Bạc Liêu) và xem xét bố trí nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2025 – 2030. Sớm có kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường ven biển phía Nam để kết nối hành lang kinh tế biển của vùng. Đây là tuyến hành lang quan trọng, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh. Về giao thông đường sắt, trước mắt, kiến nghị sớm có kế hoạch triển khai tuyến đường sắt đoạn Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ để tăng khả năng liên kết vùng do năng lực vận chuyển đường sắt là rất lớn và hiệu quả.

Bạc Liêu: Phát triển và hội nhập kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Điện gió Bạc Liêu.

Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cảng biển nước sâu để phục vụ xuất khẩu hàng hóa, nông sản, thủy sản. Vì vậy, cần sớm bố trí nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng cảng nước sâu Trần Đề (thuộc tỉnh Sóc Trăng) để nâng cao năng lực vận chuyển, lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển các khu, cụm công nghiệp và logistic. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng.

Sớm điều chỉnh, sửa đổi Luật Điện lực và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo theo quy hoạch Điện VIII. Trong đó, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý trong việc đầu tư xây dựng mạng lưới truyền tải điện 500KV nhằm giải phóng hiệu quả nguồn điện sản xuất trong vùng (điện gió, điện mặt trời). Kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu trong việc triển khai thực hiện dự án Điện khí LNG 3.200MW. Một dự án năng lượng lớn, rất quan trọng của tỉnh Bạc Liêu, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế.

Từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng các đô thị trong vùng, đặc biệt là các đô thị quan trọng như: Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Rạch Giá... và các đô thị tỉnh lỵ khác trong vùng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế từ nền tảng kinh tế đô thị. Chú trọng hơn nữa công tác xây dựng và phát triển đô thị thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xét đến tình trạng sụt lún nền do khai thác, sử dụng nước ngầm quá mức, từng bước thực hiện các giải pháp chống ngập hiệu quả cho các đô thị, hướng đến mục tiêu phát triển đô thị xanh, bền vững.

Sớm triển khai dự án đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tăng cường khả năng sử dụng nước mặt, hạn chế sử dụng nước ngầm nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Có biện pháp thích ứng kịp thời với tình hình xây dựng các đập chứa nước, hồ thủy điện ở thượng lưu sông MeKong. Cần quan tâm hơn nữa việc đầu tư hệ thống thủy lợi và hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hạn chế đến mức tối đa tình trạng xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa. Đối với tỉnh Bạc Liêu, kiến nghị sớm quan tâm đầu tư 2 cống âu Vàm Lẽo, Hộ Phòng và xây dựng 9 cống hở trên tuyến bờ Đông kênh Hộ Phòng - Gành Hào. Đồng thời, có chính sách thu mua, bao tiêu, xuất khẩu nông sản phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống cho các hộ nông dân.

Lê Tấn Cận
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load