(Xây dựng) - Đó là nhận định tại Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII vừa được Tỉnh ủy Bắc Kạn công bố để cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương thảo luận, góp ý.
Năm 2020, Bắc Kạn phấn đấu hoàn chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn. |
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu
Theo Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, trong những năm qua, tăng trưởng ngành Công nghiệp tại Bắc Kạn đạt bình quân 8,4%/năm, vượt kế hoạch đề ra. Cơ cấu ngành Công nghiệp chuyển dịch theo hướng chuyển dần từ công nghiệp khai thác sang công nghiệp chế biến gắn với tiềm năng về rừng và kinh tế rừng.
Một số dự án được đầu tư hoàn thành đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất như nhà máy chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Govina, nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Misaki tại khu công nghiệp Thanh Bình. Một số sản phẩm chế biến nông, lâm sản của tỉnh đã có thị trường ổn định như: Miến dong, Curcumin nghệ được tiếp tục đầu tư phát triển.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Việc thu hút, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường. Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn bình quân hằng năm đạt trên 80%.
Công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình được quan tâm. Các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đầu tư công và các quy định liên quan. Các dự án được phê duyệt đều phù hợp với khả năng cân đối vốn ngân sách Nhà nước, tránh tình trạng dàn trải, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí nguồn lực Nhà nước.
Đến nay, tỉnh đã giải quyết xong số nợ đọng xây dựng cơ bản các năm trước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), Dự án cải tạo nâng cấp ĐT258B được đầu tư hoàn thành.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3.000km đường giao thông bao gồm 05 tuyến Quốc lộ, 13 tuyến đường tỉnh, 67 tuyến đường huyện và 1.660km đường xã, thôn bản. 100% số xã có điện lưới quốc gia. Hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới cho hơn 20.000ha đất nông nghiệp và thủy sản.
Tuy đạt được kết quả khá nhưng công nghiệp tăng trưởng chưa ổn định, mức độ đóng góp trong cơ cấu kinh tế còn thấp (dưới 8%). Các cụm công nghiệp chưa được đầu tư. Tỉnh chưa thu hút được dự án công nghiệp lớn sử dụng công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngành công nghiệp chủ yếu là khai thác khoáng sản với các mỏ nhỏ lẻ, trữ lượng thấp, công nghệ khai thác lạc hậu. Công nghiệp chế biến còn hạn chế, chủ yếu theo hình thức gia công, bán sản phẩm thô nên giá trị gia tăng thấp, hiệu quả chưa cao. Một số dự án tại Khu công nghiệp Thanh Bình dừng hoạt động do năng lực của chủ đầu tư hạn chế, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội còn khó khăn nên kết cấu hạ tầng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, giao thông nông thôn còn hạn chế. Còn 147 thôn, bản, nhóm hộ chưa có điện lưới quốc gia. Một số công trình hạ tầng đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời.
Đánh giá về nguyên nhân, Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn. Địa hình nhiều đồi núi nên suất đầu tư lớn, hạ tầng giao thông không thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thu hút đầu tư chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực thấp nên khó thu hút được các nguồn vốn đầu tư.
Sản xuất công nghiệp tại Bắc Kạn có nhiều khởi sắc. |
Bước tiến trong quy hoạch
Về công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có chuyển biến, Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII ghi nhận: Trong nhiệm kỳ, các cấp các ngành trong tỉnh Bắc Kạn thực hiện quản lý 176 quy hoạch các loại; trong đó 09 quy hoạch tổng thể, 09 quy hoạch sử dụng đất, 09 quy hoạch đô thị, 39 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm và 110 quy hoạch xây dựng nông thôn mới,tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất và hạ tầng kinh tế - xã hội.
Theo đó, tỉnh đã lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở xây dựng các quy hoạch chi tiết phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2035.
Mặc dù khẳng định: Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của các đô thị và một phần khu vực nông thôn. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội ngoài ngân sách Nhà nước đã thực hiện đạt trên 12.400 tỷ đồng, tăng bình quân trên 10%/năm, nhưng Dự thảo cũng thẳng thắn cho rằng, việc lập quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ, công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, nhất là điều chỉnh cục bộ, quy hoạch chi tiết chưa có tính hệ thống.
Một số địa phương chưa triển khai lập quy hoạch chi tiết sau khi đồ án quy hoạch chung được phê duyệt, việc cắm mốc giới quy hoạch ra ngoài thực địa chưa được triển khai đầy đủ. Công tác quản lý đầu tư xây dựng thực hiện theo quy hoạch xây dựng còn thiếu kiểm soát chặt chẽ, tình trạng san ủi, xây dựng công trình nhà ở không cấp phép, sai giấy phép xây dựng và sai quy hoạch xây dựng còn diễn ra ở một số địa phương.
Thi công đường 258B đoạn Ba Bể đi Pác Nặm. |
Phấn đấu tăng trưởng 6,8 - 7,0%/năm
Nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trong những năm tới, Tỉnh ủy Bắc Kạn quyết tâm: Tập trung phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hoá. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sau thu hoạch. Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để phát triển du lịch và dịch vụ. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, chú trọng giảm nghèo nhanh và bền vững.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đoàn thể, trong đó xác định khâu đột phá là công tác cán bộ. Phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; khai thác tốt mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững.
Theo đó, Bắc Kạn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt 6,8 - 7,0%/năm, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp tăng 3,5%/năm; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,2 - 8,5%/năm (công nghiệp tăng 10,0 - 12%/năm; xây dựng tăng 7,0 - 7,5%/năm); khu vực dịch vụ 7,8%/năm. Mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu kinh tế khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 27%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 18%; khu vực dịch vụ chiếm 53%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 2%.
Cụ thể: Duy trì các cơ sở công nghiệp hiện có theo hướng từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm nghiệp, trong đó chế biến gỗ, cây dược liệu và các loại lâm sản là trọng tâm. Phát triển thủy điện nhỏ sử dụng công nghệ mực nước thấp phù hợp với quy hoạch và bảo vệ môi trường. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.
Hoàn thành quy hoạch tỉnh Bắc Kạn theo quy định của Luật Quy hoạch. Tăng cường huy động nguồn vốn ngoài Nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ngân sách Nhà nước. Vốn đầu tư công tập trung bố trí để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng của tỉnh, thực hiện các dự án có tính kết nối vùng; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lâm sản và du lịch.
Triển khai thực hiện ngay các nội dung thuộc trách nhiệm của tỉnh khi triển khai đầu tư tuyến Quốc lộ 3 mới từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn. Thực hiện cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh đạt cấp IV miền núi; xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh như tuyến thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể; xây dựng thay thế cầu yếu trên các tuyến đường; đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện và xã theo quy hoạch.
Tiếp tục đầu tư mới và nâng cấp cải tạo các công trình cấp điện đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn và bảo đảm đủ nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia và dự án điện năng lượng tái tạo tại các địa bàn phù hợp.
Xây dựng các trạm cấp nước sạch phù hợp với quy mô dân số, tình hình sản xuất của mỗi đô thị, đáp ứng tối đa nhu cầu nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi cho các địa bàn trọng điểm về nông nghiệp. Xây dựng mới các công trình thuỷ lợi để mở rộng diện tích canh tác và thâm canh tăng vụ. Xây dựng một số hồ chứa nước phục vụ phòng chống cháy rừng.
Nguyễn Thành
Theo