(Xây dựng) – UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 1050/QĐ-UBND triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024 - 2030.
Tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý chất thải, rác thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. |
Với tư tưởng chỉ đạo “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”, Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024 - 2030 nhằm mục đích tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải. Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.
Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố. Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.
Kế hoạch đưa ra biện pháp phòng ngừa bao gồm các nội dung liên quan đến kiện toàn tổ chức chỉ đạo, chỉ huy và lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự cố chất thải. Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải. Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng tham gia ứng phó.
Về tiếp nhận thông tin, đánh giá tình hình sự cố, khi nhận được thông tin sự cố chất thải trên địa bàn, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hoặc chủ cơ sở báo cáo sự cố cho cơ quan cấp trên và kịp thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các cấp, các ngành, cộng đồng nhân dân. Tăng cường chế độ ứng trực, chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá, kết luận, xác định phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động đối với môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật. Cùng đó, thiết lập Sở Chỉ huy ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, có biện pháp ứng phó, xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch, các Sở, ngành, cơ quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh. Định kỳ cập nhật Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải khi có thay đổi để phù hợp tình hình thực tiễn. Từ đó, điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn; công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo tập trung, thống nhất trong phòng, chống, ứng phó sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng từ tỉnh tới xã trong việc huy động, sử dụng nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải.
Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, kinh tế, xã hội và môi trường. Tăng cường năng lực giám sát nguy cơ sự cố chất thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại. Tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả.
Thảo Phương
Theo