Thứ năm 28/03/2024 16:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Giang: Cần làm rõ việc tranh chấp đất rừng giữa Lâm trường Đồng Sơn và hơn 50 hộ dân tại Yên Thế

21:58 | 10/11/2020

(Xây dựng) – Gửi đơn kêu cứu gửi đến Báo điện tử Xây dựng, hơn 50 hộ dân thuộc các thôn Cà Ngo, Đồi Hồng, Tân Hồng… thuộc xã Đông Sơn (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) tố cáo việc Lâm Trường Đồng Sơn thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc có hành vi chiếm dụng hàng trăm ha đất rừng mà họ đã khai hoang vỡ hoá từ những năm 1986. Sự việc càng khiến người dân bức xúc, bởi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các ngành chức năng tỉnh Bắc Giang nhưng chưa được các đơn vị đứng ra xử lý, giải quyết.

bac giang can lam ro viec tranh chap dat rung giua lam truong dong son va hon 50 ho dan tai yen the
Nhiều ha rừng được người dân xã Đông Sơn khai hoang vỡ hoá từ những năm 1986.

Mưu sinh trên những cánh rừng…

Theo đơn kêu cứu gửi đến Báo điện tử Xây dựng của 52 hộ dân thuộc xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, các hộ dân cho biết: Năm 1986, thời điểm kinh tế khó khăn, thiên tai lũ lụt liên miên khiến đời sống của người dân gặp vô vàn khó khăn, các hộ dân phải vào rừng khai hoang, vỡ hoá để trồng ngô, khoai, sắn mưu sinh. Đến năm 1988-1989, khi các hộ dân đang canh tác, bỗng xuất hiện một nhóm người đến rừng phổ biến việc trồng cây lâm sản để phủ xanh đất trống đồi trọc mà không có bất cứ giấy tờ hay quyết định nào của cơ quan chức năng.

Do nhận thức hạn chế, người dân chưa nắm rõ đường lối chính sách, mà vấn đề cần thiết trước mắt là giải quyết cái cái ăn hàng ngày nên các hộ đã nhận cây và trồng xanh rừng từ năm 1990 đến năm 1992. 10 năm sau đó, người dân phải cất công cuốc hố trồng cây, vun bón, phát mầm, bảo vệ; trong khi những người của Lâm trường Đồng Sơn chỉ đầu tư cây giống, phân bón và ít thực phẩm.

Đến năm 2000, rừng được khai thác, Lâm trường Đồng Sơn thuộc công ty TNHH MTV Nông lâm Đông Bắc đã thu của người dân tới 50% tổng sản lượng thu được. Người dân tuy được hưởng 50% sản lượng nhưng toàn bộ gỗ khai thác được phải bán cho Lâm trường, đồng thời Lâm trường Đồng Sơn cũng thu hồi lại một phần đất đai của người dân. Một số hộ dân tiếp tục trồng cây nhưng mức thuế của mỗi chu kỳ lại được phía Lâm trường tự ý nâng lên.

“Chu kỳ cây từ năm 2013 đến năm 2018, người dân phải tự chăm sóc và bảo vệ rừng, để thuận tiện khai thác, chúng tôi phải tự làm đường để vận chuyển gỗ nhưng Lâm trường Đồng Sơn không những không đầu tư kinh phí, mà còn thu của người dân gần 20 triệu đồng/1ha. Trong khi, tổng sản lượng cây mầm của người dân chỉ được khoảng 45 triệu đồng/1ha, trừ hết chi phí thì người dân hầu như không nhận được một đồng tiền công nào”, nội dung đơn nêu rõ.

Cũng theo các hộ dân, năm 2018, rừng lại được khai thác, người dân đề nghị được thanh lý Hợp đồng tại Lâm trường Đồng Sơn ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế, Bắc Giang) nhưng lại được thông báo, sản lượng của những chu kỳ sau phải tăng lên, đồng thời khẳng định đất của Lâm trường đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc này người dân mới vỡ lẽ, mình đã âm thầm bị cướp mất đất mà không hay. Bức xúc hơn, Lâm trường Đồng Sơn còn đơn phương gửi giấy thu hồi đất của một số gia đình đã khai thác trước đó.

bac giang can lam ro viec tranh chap dat rung giua lam truong dong son va hon 50 ho dan tai yen the
Nhưng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường?

Người dân phải “nộp tô” trên mảnh đất khai hoang vỡ hoá

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, bà Nguyễn Thị Gái, trú tại thôn Cà Ngo, Đông Sơn (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết: “Nhà nước đã có chủ trương trả lại đất rừng cho người dân canh tác, sản xuất để xoá đói giảm nghèo nhưng thực tế, Lâm trường Đồng Sơn chỉ trả lại một số ít cho người dân, một phần đất vẫn giữ lại để đầu cơ trục lợi. Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi đơn lên UBND xã Đông Sơn, UBND huyện Yên Thế và tỉnh Bắc Giang để được xem xét giải quyết nhưng từ đầu năm 2019 đến nay tất cả các ngành chức năng vẫn “bặt vô âm tín”.

“Người dân chỉ mong các cấp có thẩm quyền giải quyết, thực hiện đúng các quy định pháp luật về đất đai. Đất của dân thì phải trả cho dân, nếu nhà nước thu hồi thì phải có đền bù thông tin rõ ràng cụ thể để dân biết. Đời sống của chúng tôi chủ yếu chỉ phụ thuộc vào phần đất rừng, nếu bây giờ Lâm trường thu hồi hoặc tiếp tục phát canh thu tô, đánh thuế cao thì dân chúng tôi còn biết bấu víu vào đâu”, bà Nguyễn Thị Gái bức xúc kiến nghị.

Để làm rõ vấn đề này, PV Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đặng Quý Hưng, Chủ tịch UBND Xã Đông Sơn. Ông Hưng cho biết: “Đất Lâm nghiệp tại khu vực nêu trên đã được UBND tỉnh thu hồi và giao cho Lâm trường Đồng Sơn quản lý. Sau khi được giao đất, Công ty đóng trên địa bàn tự tổ chức sản xuất nhưng không hiệu quả nên đã chuyển sang mô hình liên doanh, tức là liên doanh với các hộ dân, ai có nhu cầu thì liên doanh thì lâm trường ký kết hợp đồng.

Xã đã ý kiến với huyện và huyện đã ý kiến với Công ty. Lâm trường liên doanh với các hộ có ký kết hẳn hoi nhưng cũng phải nói các hộ dân bây giờ muốn lấy không đất của người ta. Xã cũng đề xuất với Công ty Lâm nghiệp là giảm thuế cho dân thì Lâm trường cũng đã giảm, nhưng giảm rồi dân lại muốn được cho không”.

Ông Đặng Quý Hưng cũng cho rằng xã với Lâm trường đã nhiều lần phối hợp mời bà con đến phân tích, lý giải, tuy nhiên, khi đề nghị cung cấp biên bản làm việc thì ông Hưng cho biết, biên bản chỉ Lâm trường có chứ xã không có.

Lãnh đạo UBND xã Đông Sơn cho biết là vậy, song bà Nguyễn Thị Gái cho rằng: “Tôi là người trực tiếp đi gửi đơn, gửi cả cho Chủ tịch huyện Yên Thế (Chủ tịch huyện giờ đã chuyển công tác lên thành phố - PV) và cả tỉnh Bắc Giang nhưng chưa từng nhận được giấy mời họp bao giờ. Có một lần xã mời nhưng vì giải quyết không thoả đáng nên chúng tôi không ký”.

Các hộ dân cũng cho rằng: “Lãnh đạo nói chúng tôi đi cướp đất là không đúng, bởi thời điểm năm 1986, chúng tôi là người đi khai hoang, chứ làm gì có ai mà lấn chiếm”.

bac giang can lam ro viec tranh chap dat rung giua lam truong dong son va hon 50 ho dan tai yen the
Theo phản ánh của người dân, tô thuế không những giảm mà sẽ được Lâm trường Đồng Sơn tiếp tục tăng lên trong những năm tới

Các vụ việc tranh chấp đất rừng gây bức xúc dư luận từng diễn ra nhiều tại địa bàn huyện Yên Thế, đáng bàn là câu chuyện hàng trăm hộ dân đi kiện chính quyền tỉnh vì ra quyết định giao đất “chồng lấn”, các hộ dân phải đi làm thuê trên chính mảnh đất thuộc sở hữu của chính mình.

Để tránh thực trạng nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch huyện Yên Thế cùng các ngành chức năng nhanh chóng kiểm tra, xác minh làm rõ, đồng thời, trả lời rõ để dân biết, dân hiểu. Qua đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan, nếu phát hiện có sai phạm.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load