(Xây dựng) - Khi nói đến khía cạnh thẩm mỹ, văn hóa và trang phục truyền thống của người Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến tà áo dài và chiếc nón lá. Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, tà áo dài Việt Nam tồn tại, được xem là trang phục truyền thống mang tính lịch sử lâu đời của người Việt.
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những văn hóa, nét đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống riêng. Phụ nữ Nhật tự hào với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng với Hanbok, phụ nữ Ấn Độ để lại cho ta ấn tượng rất đặc biệt với bộ Sari. Còn phụ nữ Việt Nam, từ xưa đến nay vẫn mãi song hành với chiếc áo dài duyên dáng và thướt tha. Nguồn gốc của chiếc áo dài là niềm kiêu hãnh của người dân Việt Nam, và không ai có thể phủ nhận được rằng, ngày nay, chiếc áo dài của chúng ta, ngày càng được bạn bè bốn phương yêu thích.
Áo dài Việt có thể mặc mọi lúc mọi nơi.
Khác với Kimono của Nhật Bản hay Hanbok của Hàn Quốc, chiếc áo dài Việt Nam vừa truyền thống lại vừa hiện đại, có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi: dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc để tiếp khách trang trọng trong nhà… Việc mặc loại trang phục này không hề rườm rà hay cầu kì, những thứ mặc kèm đơn giản: mặc với một quần lụa hay vải mềm, dưới chân đi hài guốc, hay giày đều được; nếu cần trang trọng (như trang phục cô dâu) thì thêm chiếc khăn đóng truyền thống đội đầu, hay một chiếc miện Tây tùy thích. Đây chính là điểm đặc biệt của thứ trang phục truyền thống này.
Vẻ đẹp thướt tha, mộc mạc của người con gái Việt khi mặc áo dài.
Áo dài có rất nhiều loại. Nhưng sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giai lãnh: cũng giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Cho đến đầu thế kỷ 20, phần đông áo dài của phụ nữ thành thị đều may theo thể năm thân, hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay vì các loại vải ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40cm. Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80cm. Cổ áo chỉ cao khoảng 2 - 3cm.
“Tứ đại mỹ nhân” đất Hà thành một thời trong trang phục áo dài.
Áo dài được thay đổi nhiều nhất trong thập niên 60, bắt đầu được may chít eo, eo áo cắt cao lên. Gấu áo lúc này cắt thẳng ngang và may dài gần đến mắt cá chân. Nhiều người sau đó còn may áo dài với cổ khoét tròn. Đến gần cuối thập niên 60, áo dài mini trở thành thời thượng. Vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối, áo may rộng hơn, không chít eo nữa, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể. Cổ áo thấp xuống còn 3cm. Tay áo cũng được may rộng ra. Đặc biệt trong khoảng thời gian này, vai áo dài bắt đầu được cắt lối raglan để ngực và tay áo ôm hơn, nhăn ít, mà lại đỡ tốn vải. Tay áo được nối với thân từ chéo vai. Quần may rất dài với gấu rộng đến 60cm và nhiều khi được lót hai ba lớp. Đến những năm 90, áo dài đã trở lại, cầu kỳ hơn, thanh nhã hơn và bắt đầu được bạn bè quốc tế nghĩ tới như là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, tinh khôi, e ấp trong tà áo dài.
Chiếc áo dài được thay đổi nhiểu nhất ở thập niên 60.
Để may được một chiếc áo dài, cũng kì công như chính những giai đoạn phát triển của nó, chất liệu vải, cũng làm tôn thêm vẻ đẹp của tà áo dài. Bên trong tà áo dài thướt tha, còn ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc, hai tà trước tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, vạt con tượng trưng cho mẹ ôm đứa con vào lòng, năm khuy cài tương xứng 5 vị trí cố định tượng trưng cho 5 đạo làm người đó là nhân - nghĩa - lễ - chí - tín.
Chất liệu vải, cũng làm tôn thêm vẻ đẹp của tà áo dài.
Những tà áo dài dù màu sắc đậm chói hay dịu mát, may bằng vải thô sơ hay tơ lụa gấm mượt mà thì vẫn tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt khi mặc trang phục này. Trang phục truyền thống này có nét đặc trưng riêng mà không trang phục truyền thống của các dân tộc khác lẫn được. Giống như câu ca của nhạc sĩ Từ Huy: “Đẹp biết bao... quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu; Dù ở đâu... Pa-ris, Luân Đôn hay ở những miền xa; Thoáng thấy áo dài... bay trên đường phố; Sẽ thấy tâm hồn... quê hương ở đó... em ơi…!”.
Tà áo dài Việt Nam đã tồn tại và có nhiều biến đổi theo thời gian.
Trải qua từng thời kì, từng giai đoạn cùng với những diễn biến của quà trình lịch sử Việt Nam, tà áo dài Việt Nam đã tồn tại và vẫn sẽ mãi là tâm hồn Việt, văn hóa Việt, là tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến và là sản phẩm không thể thiếu cho vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt.
Tuyết Hạnh
Theo