(Xây dựng) –3 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đang lựa chọn nhà thầu Dự án xây dựng Sân vận động Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư 466,062 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.
Dự án được tổ chức đấu thầu rộng rãi, qua mạng chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu SVĐ-18 thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị (giá dự toán 269,301 tỷ đồng), dự kiến mở thầu ngày 04/7/2022.
Phương án đạt giải Nhất của Công ty TNHH MTV Tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng - Bộ Quốc phòng. |
Từ quý IV/2022 - quý I/2023, bên mời thầu sẽ hoàn tất đấu thầu Gói thầu SVĐ-19 thi công xây dựng và cung cấp lắp đặt thiết bị hệ thống phòng cháy chữa cháy (9,375 tỷ đồng) và Gói thầu SVĐ-22 Thi công và lắp dựng dàn mái (41,3 tỷ đồng).
Trước đó ngày 12/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký Quyết định số 2858/QĐ-UBND phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình Sân vận động Thái Nguyên căn cứ trên cơ sở các báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Nguyên và Hội đồng thi tuyển.
Theo đó, phương án của Công ty TNHH MTV Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng - Bộ Quốc phòng (địa chỉ: Số 21 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đạt giải Nhất. Phương án của Công ty CP tư vấn thiết kế ADA và Cộng sự (Số 18, ngách 1, ngõ 61 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đạt giải Nhì và phương án của Công ty CP Dịch vụ Tư vấn và Đầu tư xây dựng đô thị Việt Nam (số 17, dãy B10-K14 Trần Hữu Tước, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) đạt giải Ba.
Theo nhóm tác giả: Ý tưởng thiết kế kiến trúc “Hoa đại ngàn” được hình thành trên khối hình như những chiếc lá vươn mình đón ánh nắng bình minh, cùng nương tựa, sát cánh, đồng lòng tiến về phía trước, lớp lớp nối tiếp nhau viết lên trang sử vẻ vang, hào hùng; Đó cũng là sự năng động, mạnh mẽ, đầy khí phách của mảnh đất công nghiệp đang phát triển, đặc trưng bởi ý chí kiên cường của con người nơi đây; là sự thủy chung, đồng lòng, nối vòng tay lớn từ trong kháng chiến trường kỳ đến xây dựng đất nước, thể hiện sự khát khao chiến thắng, tinh thần fair play trong cuộc sống cũng như thể thao. Bên cạnh đó là sự kết hợp của các yếu tố ngũ hành tương sinh, mang lại sự bền vững muôn đời; là khát vọng được cống hiến và tỏa sáng… Công trình hiện thân như đóa hoa giữa đại ngàn, là linh hồn của núi từng là biểu tượng của thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ.
Theo quy hoạch, sân vận động mới của tỉnh Thái Nguyên sẽ được xây dựng tại xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên, giáp đường ĐT 267 và khu dân cư hiện có trên diện tích 15,47 ha đất; khán đài với quy mô 22 nghìn chỗ ngồi, mái che trang thiết bị hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, đường pitse bao quanh gồm 8 đường chạy vòng, 10 đường chạy thẳng theo tiêu chuẩn IAAF; khu vực thi đấu các môn khác như đẩy tạ, ném lao, nhảy xa, nhảy cao…
Tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 04/11/2021, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Sân vận động Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư từ hơn 309 tỷ đồng lên 466 tỷ đồng (trong đó 200 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 266 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thêm từ nguồn thu sử dụng đất và nguồn thu bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất một số đơn vị thuộc tỉnh).
Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2025.
Thành Vân
Theo