Thứ bảy 09/11/2024 04:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

400 tỷ USD của ngành Hóa dầu gặp rủi ro vì cuộc chiến rác thải nhựa

21:00 | 07/09/2020

(Xây dựng) – Ngành Công nghiệp dầu mỏ đang đánh cược tương lai với ngành Nhựa đầy rủi ro trong bối cảnh cả thế giới đang đấu tranh để giảm thiểu rác thải nhựa.

400 ty usd cua nganh hoa dau gap rui ro vi cuoc chien rac thai nhua
Ngành Công nghiệp dầu khí sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa.

Ngành Công nghiệp dầu mỏ đang hy vọng nhu cầu nhựa sẽ gia tăng mạnh mẽ trong tương lai. Nhưng viễn cảnh này sẽ không trở thành hiện thực khi cả thế giới đang nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải nhựa để đạt được các mục tiêu khí hậu.

Thực tế này sẽ gây rủi ro cho các khoản đầu tư hóa dầu có tổng trị giá lên đến 400 tỷ USD và làm tăng khả năng nhu cầu dầu khí đã chạm đỉnh. Đây là kết quả rút ra từ báo cáo mới nhất từ Carbon Tracker và đội ngũ chuyên gia về nhựa của SYSTEMIQ.

Công ty dầu khí BP và Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA nhận định, nhu cầu nhựa sẽ là động lực mạnh nhất thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ gia tăng, lần lượt chiếm 95% và 45% mức tăng trưởng từ nay đến năm 2040.

Nhưng báo cáo “Tương lai không nằm ở Nhựa” của SYSTEMIQ cho thấy, áp lực ngày càng lớn về hạn chế sử dụng nhựa có thể khiến mức tăng trưởng nhu cầu nhựa nguyên sinh bị giảm từ 4% xuống dưới 1% mỗi năm và dự báo nhu cầu đạt đỉnh vào năm 2027.

Kết quả là ngành Dầu khí sẽ mất đi động lực tăng trưởng chính và nhu cầu dầu khí nhiều khả năng đã chạm đỉnh từ đầu năm 2019. Kingsmill Bond, chuyên gia năng lượng của Carbon Tracker cho biết: “Chỉ cần bỏ đi trụ cột nhựa đang chống đỡ cho tương lai của ngành Dầu mỏ thì toàn bộ viễn cảnh đẹp đẽ về tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ sụp đổ”.

Ngành Công nghiệp hóa dầu đã và đang đối mặt với giá nguyên liệu nhựa thô thấp kỷ lục do tình trạng sản xuất dư thừa tràn lan. Nhưng ngành này vẫn có kế hoạch mở rộng nguồn cung cho sử dụng nhựa nguyên sinh thêm 25% với chi phí ít nhất 400 tỷ USD trong 5 năm tới. Kế hoạch này sẽ dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.

400 ty usd cua nganh hoa dau gap rui ro vi cuoc chien rac thai nhua
Rác thải nhựa khiến xã hội tiêu tốn khoảng 350 tỷ USD mỗi năm.

Ngành Công nghiệp nhựa chuẩn bị sụp đổ

Nghiên cứu của Carbon Tracker và SYSTEMIQ cho biết, mỗi tấn nhựa đang tiêu tốn của xã hội khoảng 1.000 USD chi phí ngoại ứng, tương đương 350 tỷ USD mỗi năm. Chi phí này đến từ việc phát thải khí CO2, chi phí sức khỏe liên quan đến khí độc, chi phí thu gom rác thải và ô nhiễm đại dương.

Nhưng nghịch lý là ngành Nhựa lại đang nhận được mức trợ cấp nhiều hơn cả khoản thuế nó đóng góp cho xã hội. Thậm chí, phải đến thời gian gần đây mới bắt đầu có một số ít quy định hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa. Trong khi đó, 36% nhựa chỉ được sử dụng một lần, 40% nhựa gây ô nhiễm môi trường và chỉ 5% nhựa thực sự được tái chế.

Nghiên cứu của SYSTEMIQ cho biết, hiện nay đã có các giải pháp công nghệ cho phép cắt giảm sử dụng nhựa đáng kể với chi phí thấp hơn so với thông thường. Các giải pháp này bao gồm tái sử dụng, thiết kế sản phẩm tốt hơn, sử dụng các vật liệu thay thế và đẩy mạnh tái chế.

Yoni Shiran - chuyên gia về ngành nhựa của SYSTEMIQ cho biết: “Việc thay đổi từ hệ thống tuyến tính hiện tại sang một hệ thống xoay vòng khép kín sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn. Bạn có thể tận dụng được tất cả các chức năng của nhựa chỉ với một nửa chi phí, một nửa lượng nguyên liệu, bổ sung thêm 700.000 việc làm và giảm 80% ô nhiễm nhựa”.

400 ty usd cua nganh hoa dau gap rui ro vi cuoc chien rac thai nhua
Rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Trung Quốc đã và đang thúc đẩy việc giảm thiểu rác thải nhựa bằng nhiều phương thức khác nhau, từ ban hành quy định, lệnh cấm đến đánh thuế, đặt ra các mục tiêu và xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế.

Báo cáo cũng ghi nhận, nhu cầu nhựa đang chững lại ở các thị trường phát triển, trong khi các thị trường mới nổi đang “đi tắt, đón đầu”, tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nhựa.

Một yếu tố quan trọng nữa ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nhựa là tác động của các chính sách toàn cầu về giải quyết biến đổi khí hậu.

Nên nhớ rằng, mọi giai đoạn trong chuỗi giá trị của nhựa đều thải ra khí CO2. Việc đốt, chôn lấp hoặc tái chế nhựa cũng sản sinh nhiều khí CO2 chứ không chỉ riêng quá trình khai thác và sản xuất dầu. Phân tích này cho thấy, nhựa thải ra lượng CO2 nhiều gấp đôi so với việc sản xuất một tấn dầu.

Nếu giả định nhu cầu nhựa đạt 350 triệu tấn và mỗi tấn phát thải khoảng 5 tấn CO2 thì tổng mức phát thải sẽ lên đến 1,75 tỷ tấn CO2. Nếu tốc độ tăng trưởng hiện tại tiếp tục kéo dài, lượng phát thải khí CO2 của nhựa sẽ tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ này, đạt mức khoảng 3,5 tỷ tấn.

Nhưng Hiệp định Paris đặt mục tiêu lượng khí thải CO2 toàn cầu (33 tỷ tấn từ lĩnh vực năng lượng vào năm 2018) phải được cắt giảm còn một nửa vào năm 2030 và về mức 0 vào giữa thế kỷ này.

Dịch Phong - Ảnh: Internet

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load