Trước khi tìm về xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, trong tâm trí tôi vẫn hình dung về khu lăng mộ quy mô bề thế của vị Thái sư có công đầu trong việc sáng lập triều Trần - một vương triều ba lần đại thắng quân Nguyên.
Nhưng về đến thôn Ngừ - nơi đặt lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ, tôi không khỏi hẫng hụt trước khung cảnh tiêu điều của một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lăng mộ Thái sư sáng lập vương triều Đông A
Suốt hành trình từ Hà Nội về Thái Bình và đến tận thị trấn Hưng Nhân - trung tâm huyện lỵ của huyện Hưng Hà hoàn toàn không có một tấm biển báo nào giúp chúng tôi xác định được lăng mộ của Thái sư Trần Thủ Độ hiện đang nằm tại đâu!
May là khi dâng hương tại khu di tích đền thờ các vị vua Trần tại thôn Tây Nha (xã Tiến Đức), chúng tôi được ông Phan Thanh Kiện, người phụ trách trông nom đền thờ chỉ đường sang thôn Ngừ là nơi đặt lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Men theo con đường làng, tôi theo chân bà con ra cánh đồng với bao háo hức và tưởng tượng về khu lăng mộ quy mô, bề thế mà sử sách từng miêu tả. Nhưng trước mắt tôi, trên gò đất cao nổi giữa cánh đồng là một ngôi miếu nhỏ đã cũ. Đây chính là lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ - người có công đầu sáng lập vương triều Trần ba lần đại thắng quân Nguyên.
Lăng Thái sư Trần Thủ Độ ngày nay.
Dưới bóng mát của cây đa đôi, lăng mộ Thái sư nằm khiêm tốn giữa cánh đồng bao la. Nếu như tại đền thờ các vị vua Trần bên thôn Tây Nha, xã Tiến Đức ngay gần đấy, bài vị Thái sư được thờ trang trọng nơi hậu cung cùng nguyên tổ Trần Hấp và Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung vì công lao sáng lập vương triều thì ở thôn Ngừ, xã Liên Hiệp, lăng mộ Thái sư chỉ nằm khiêm nhường trong vắng lặng giữa cánh đồng mênh mông. Ngay cả tượng hổ đá - một trong những pho tượng được xem là tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc cũng như mỹ thuật thời Trần mà tôi háo hức mong muốn được chiêm ngưỡng suốt chặng đường về đây cũng không thấy bóng dáng.
Giải đáp thắc mắc của tôi, ông Trần Xuân Biện - cán bộ Ban Tổ chức lễ hội của thôn, cho biết các tượng khác như rùa đá, rồng đá… đều đã bị vỡ nát, chỉ còn tượng hổ đá là nguyên vẹn và đã được cán bộ văn hóa từ Hà Nội về mang đi năm 1962, hiện giờ pho tượng đang được bảo quản tại bảo tàng ngoài Hà Nội. Lăng mộ hiện tại là công trình được xây dựng từ năm 1994, đã hư hỏng nhiều vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo lại.
Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần 1194, ông là công thần sáng lập triều Trần và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần (gần 40 năm từ 1226 đến 1264). Ông chính là đạo diễn cho kịch bản nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh để nhà Trần lên thay nhà Lý, lập nên vương triều Trần. Một cuộc thay đổi triều đại mà không mất một mũi tên, hòn đạn, không xảy ra đổ máu và đảo lộn lớn trong nước đã thể hiện được bản lĩnh chính trị sáng suốt, khôn khéo của Trần Thủ Độ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Thái sư Trần Thủ Độ không chỉ gắn với nghiệp đế của họ Trần. Hiệu quả lịch sử của những việc ông làm đã đưa nước nhà thoát khỏi sự suy vong cuối triều Lý và khởi dựng nên thời đại Đông A rực rỡ chiến công chống ngoại xâm cùng những thành tựu đất nước.
Vương triều mà ông có công gây dựng nên đã đóng góp cho dân tộc những vị vua anh minh như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông… những tướng tài như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão… cùng những chiến thắng oanh liệt như Bạch Đằng, Hàm Tử, Chương Dương... những danh nhân văn hóa như Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An… Trần Thủ Độ mất vào tháng Giêng năm Giáp Tý 1264, thọ 74 tuổi.
Tương truyền sau khi ông mất được an táng tại thôn Phù Ngự, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng, tỉnh Thái Bình (nay là thôn Ngừ, xã Liên Hiệp) là nơi trước đó 5 năm phu nhân của ông - Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung được đưa về an táng sau khi mất.
Theo ghi chép của sử thần Lê Quý Đôn trong "Kiến văn tiểu lục": "Lăng mộ Thái sư có hổ đá, phượng đá, rùa đá và rồng đá, đất rộng đến hai mẫu, cây cối um tùm, về tư điền trước vẫn liệt vào hàng thượng đẳng, các quan phủ, huyện, huấn, giáo đến kính tế".
Hành trình 16 năm của một tấm bằng di tích
Mặc dù ngày 7/10 vừa qua, nhân dân thôn Ngừ đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho lăng Thái sư Trần Thủ Độ nhưng hiện tại, khi chúng tôi về thôn Ngừ thì tấm bằng lại đang để trong đình thờ của thôn Quốc. Phải đợi đến khi lăng Thái sư được trùng tu, tôn tạo lại thì mới rước bằng về để tại lăng.
Lý giải vì sao chậm trễ trong việc trùng tu, tôn tạo lại lăng Thái sư, ông Trần Xuân Biện cho biết, lăng phải được công nhận di tích lịch sử văn hóa thì mới được Bộ và Sở phê duyệt quyết định trùng tu. Mà bằng văn hóa thì nhân dân thôn Ngừ phải đi "đòi" suốt 16 năm nay mới được!
Khi kể cho chúng tôi về hành trình 16 năm đi "đòi" bằng di tích của nhân dân thôn Ngừ, ông Trần Xuân Biện không quên nói một câu hài hước rằng: "Không di tích nào như di tích làng Ngừ chúng tôi vì đã được bốn Bộ trưởng ký quyết định!".
Sau ba lần là năm 1993, 1997, 2006, nhân dân thôn Ngừ và lăng Thái sư Trần Thủ Độ lại phải đợi đến tận năm 2008 mới được đón nhận tấm bằng văn hóa ghi rõ ràng, đầy đủ nhân thần, địa điểm thôn Ngừ, xã Liên Hiệp do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh ký.
Ngày 7/10/2008, nhân dân thôn Ngừ vui mừng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại lăng Thái sư Trần Thủ Độ. Hành trình 16 năm của một tấm bằng di tích đã kết thúc trong niềm hân hoan phấn khởi của bà con nhân dân thôn Ngừ.
Anh Lê Văn Toản, Trưởng thôn vui mừng cho biết: "Giờ đây bà con thôn Ngừ rất phấn khởi và tin tưởng. Chúng tôi đang háo hức hy vọng chờ đợi ngày lăng Thái sư trùng tu tôn tạo lại quy mô, bề thế, xứng đáng với tầm vóc và công lao của Thái sư và đón tiếp nhân dân, du khách gần xa về tham quan, hành lễ".
Anh Toản cho biết, dự án trùng tu tôn tạo lăng được phê duyệt từ năm 2006 nhưng khi ấy do nhân dân thôn Ngừ không đồng ý với tấm bằng ghi không rõ, nên chưa tiến hành thi công. Đến năm nay, khi đón được bằng thì giá cả tăng hơn trước nên dự án đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình thẩm định lại.
Công trình đã khởi công ngày 14/10/2008, dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2009, gồm lăng, đình và đền thờ trên diện tích 7.000m2 ngay tại nơi hiện đang đặt lăng mộ Thái sư.
Hy vọng đến năm 2009, khi trở lại đây, chúng tôi sẽ được ngắm nhìn lăng Thái sư Trần Thủ Độ trong một diện mạo mới!.
Lê Thuỳ Linh (CAND)
Theo baoxaydung.com.vn