Thứ tư 08/05/2024 01:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ninh Kiều rộng mở

13:18 | 07/02/2011

Mấy năm gần đây, du khách đến thành phố Cần Thơ đều cảm nhận một Ninh Kiều rộng mở. Rộng mở cầu, đường. Rộng mở phố phường. Rộng mở hẻm phố, vỉa hè. Nổi bật là rộng mở không gian đô thị. Cũng diện tích ấy, nhưng để xứng tầm đô thị loại 1, quận Ninh Kiều đã liên tiếp triển khai nhiều dự án xây dựng, chỉnh trang bộ mặt phố phường. Cuối tháng 4 năm 2010, cùng với sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ, một con đường rộng thênh thang nối lộ 91B, qua cầu Hưng Lợi, bắt nhập vào đường dẫn cầu Cần Thơ. Dọc theo tuyến quốc lộ 91B mở ra những siêu thị, trường đại học, bệnh viện, bến xe, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư. Hàng loạt con hẻm được mở rộng, nâng cao hệ thống cấp thoát nước phòng chữa cháy... Ninh Kiều đang vươn nhanh để đạt những tiêu chí của đô thị hiện đại, đô thị văn minh.

Ai cũng nhớ, cách đây hơn 8 tháng, ngày 24-4-2010, cầu Cần Thơ chính thức được đưa vào sử dụng. Sự kiện trọng đại này đồng nghĩa với việc kết thúc vai trò của phà Cần Thơ - bến Bắc Cần Thơ đã tạo lập và tồn tại hàng trăm năm qua. Và đây cũng đặt quận Ninh Kiều và thành phố Cần Thơ chỗ đứng mới, vị thế mới.

Tôi đã nhiều lần đứng trên bờ kè Cái Khế, địa phận bến phà Cần Thơ, nhìn ra sông Hậu. Tận hưởng những luồng gió mát lộng từ dòng sông thổi vào. Những khi ấy, biết bao rối bận tâm tư dường như tan biến. Mát lòng. Thanh thản. Dễ chịu. Thiên nhiên thật hào phóng và đáng yêu biết bao. Cảnh sông nước mênh mang, mây trời soi bóng, cù lao xanh mát thật khó phai mờ trong lòng du khách khi đã đến nơi đây.

Vậy mà chiều cuối năm Con Hổ này, nhìn sông Hậu với chiếc cầu như dáng con rồng vắt qua sông, trong lòng tôi bỗng nảy sinh nhiều suy tưởng, chiêm nghiệm. Bỗng dưng, tôi có những cảm nhận về vị thế mới của quận Ninh Kiều. Nào là, có cầu Cần Thơ đi vào Hưng Phú, nơi đang mở hướng khu dân cư và thương mại, dịch vụ mới tiếp giáp Ninh Kiều với Cái Răng, quận Ninh Kiều không còn tấp nập đường xe lên xuống phà như trước tháng 4-2010. Thành phố mở rộng quy hoạch lên Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, rồi Cái Răng, Phong Điền, quận Ninh Kiều có còn là trung tâm? Lại nữa, trong những năm tới, và chiến lược dài hạn hơn, quận Ninh Kiều cần phát triển theo hướng nào - du lịch, thương mại, dịch vụ... hay chuyển đổi cung cách xây dựng đô thị, phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nào?...

Chợt nghĩ, biết đâu mình đa đoan, lắm chuyện. Mình có phải lãnh đạo địa phương đâu mà nghĩ những chuyện lớn lao như thế. Thì đúng! Nhưng đã là người dân sống trên địa bàn quận Ninh Kiều, phải có tâm tư, tình cảm về phố phường nơi đây. Và rồi những dòng suy nghĩ không thể thoát ra một cách nhẹ nhàng. Có lần, tôi gặp ông Nguyễn Hữu Lợi, khi đó ông đang là Bí thư Quận ủy Ninh Kiều, tôi nói vui: “Ông lo cho Ninh Kiều khối chuyện cũng ngon lành rồi đấy, nhưng cái rạch Tham Tướng ô nhiễm kéo dài, những ngõ phố đường 3-2 ngập nước, rồi thưa kiện đất đai ở cồn Cái Khế, ở khu tái định cư siêu thị Metro, cả cái việc bồi hoàn giải tỏa ở nơi này nơi kia còn lình xình và phức tạp đến thế”?

Nghe vậy, Bí thư Quận ủy Ninh Kiều không chút tỏ ra khó chịu, lại nhìn tôi với “cái nhìn thông cảm”. Ông nói: “Nói thật với anh, chúng tôi cũng đang đau đầu về những chuyện đó. Vất vả lắm mới làm khang trang được vỉa hè ở một số tuyến đường, rồi lo xây dựng mới chỗ này, quy hoạch đô thị nơi kia, thế mà nhìn ra thì quận Ninh Kiều vẫn bộn bề lắm”. Tôi cứ tâm đắc hai từ “bộn bề” mà ông Tư Lợi đã nói. Tốc độ xây dựng, cải tạo, chỉnh trang đô thị của Ninh Kiều từ năm 2004 đến nay phải nói là khá nhanh, hiệu quả trông thấy. Nhưng đúng là còn bộn bề, và vẫn còn không ít khó khăn, ách tắc. Tôi đem chuyện này trao đổi với ông Bùi Hữu Nhơn, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều. Ông Tư Nhơn nói một câu muốn hiểu cách nào cũng có cái đúng: “Lực bất tòng tâm, tâm lại phải tòng theo cơ chế, cơ chế lại phải tùy quy trình, rồi đến quy trình lại vướng quy hoạch, nhiều hạng mục công trình chậm trễ hoặc bị “vỡ kế hoạch” cũng một phần do đấy mà ra”.

Ấy vậy, nhưng vào xuân Con Mèo 2011, quận Ninh Kiều đã có nhiều khởi sắc. Lộ Mậu Thân nối dài sẽ thông lên sân bay Trà Nóc, lộ 91B nối Bình Thủy đã thông, cầu Cần Thơ mở ra vùng đô thị mới phía Nam sông Cần Thơ, nhiều công trình chỉnh trang đô thị mới đang được thi công khá sôi động. Dễ thấy hơn, văn minh đô thị cũng nhiều chuyển biến. Mới đây, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, ông Tư Nhơn, nói với tôi, với vẻ băn khoăn: “Thật ra, nếu không có kế sách và nỗ lực lớn, tăng tốc nhanh, mạnh hơn, thì còn khối chuyện đáng bàn. Như là: Nước ngập, ô nhiễm kênh rạch, vỉa hè chưa thông thoáng, chợ búa chưa nền nếp, thời giá leo thang làm cho người tiêu dùng khốn khó...”. Những việc này, ngoài cái “ông cơ chế” lúc thuận lúc tắc, còn phải xem đến việc phát huy cao độ nội lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong quận.

Tôi ra bến Ninh Kiều, nhìn cảnh du khách thập phương đông đúc trên bến dưới thuyền, thấy mừng. Nhưng cũng nhận ra còn nhiều thực trạng về cơ sở hạ tầng, bến bãi, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, kinh doanh du lịch đang trong thời điểm chưa có nền nếp, chưa thực sự đổi mới có hiệu quả, và cũng chưa khai thác tiềm năng thế mạnh với hiệu quả cao hơn. Bến Ninh Kiều nằm ngay trên một ngã ba sông, nơi vàm Cần Thơ tiếp giáp với sông Hậu. Ngoài vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên: Trời bao la, nước mênh mông với bờ Hưng Phú và Cồn Ấu xanh vườn thắm bãi bồi, tương phản với những công trình kiến trúc hiện đại phía sau, nó còn có tác dụng như một cửa sổ mở ra trường giang bao la, để ngôi nhà chung thành phố Cần Thơ giải nhiệt, đón gió. Xuống đây, đi dọc theo hàng dương sát bờ sông, từ nhà hàng Du thuyền về phía tượng đài Bác Hồ, du khách sẽ cảm nhận được sự hào phóng mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho thành phố đồng bằng này.

Bến Ninh Kiều hơn 6 năm trước chỉ kéo dài tới tượng đài Bác Hồ, chưa được thông thoáng như ngày nay. Bây giờ bến Ninh Kiều càng ngày càng nới rộng phạm vi và ấn tượng hơn xưa bội phần. Cả một khu vực chợ cá và hàng tươi sống tồn tại gần trăm năm, đã được di dời để xây bờ kè. Một khu vực công viên mới, nối dài bến Ninh Kiều đẹp và sang trọng đang từng ngày được hoàn chỉnh.

Có bạn trẻ sinh viên Đại học Cần Thơ đã đưa ra cảm nhận trên trang điện tử blog: “Từ khi đưa khu Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ và chợ đêm với tuyến đường du lịch bộ hành đi vào hoạt động, bến Ninh Kiều khởi sắc hẳn lên, lôi cuốn được nhiều khách du lịch nước ngoài. Đêm đêm khách Tây và khách ta thỏa sức thả bộ thoải mái dọc theo bến Ninh Kiều dài gần nửa cây số. Người Việt Namđa phần là các em tuổi sinh viên học sinh, trong khi những khách nước ngoài thường là những người lớn tuổi. Hình như những người ngoại quốc mê con sông và mê khu nhà lồng chợ cổ lắm nên cứ đưa máy ảnh bấm hoài. Bến Ninh Kiều không chỉ thuần đẹp ở phong cảnh mà còn đẹp ở sức sống, ở cái hồn. Đứng trên bến Ninh Kiều nhìn xuống dòng sông, ta như thấy được sự giao thoa của nhiều thời kỳ, nhiều cảnh đời trong cùng một khung cảnh thơ mộng của phố phường, sông nước nơi đây”.

Kể ra những đổi thay mấy năm gần đây của Ninh Kiều cũng thấy vui lòng, yên dạ. Ninh Kiều có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ quốc gia đi qua, rất thuận tiện cho việc vận chuyển và lưu thông nguyên liệu và sản phẩm hàng hóa, tạo ra các trục phát triển từ thành phố Cần Thơ đến các thị xã, thành phố của nhiều tỉnh trong vùng. Là quận trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ của thành phố với hàng loạt chợ và trung tâm mua sắm cao cấp như: Chợ cổ Cần Thơ, chợ Tân An, chợ Hưng Lợi, chợ An Bình, chợ An Hòa, chợ Xuân Khánh đang được xây mới, siêu thị Co.opMart, siêu thị CitiMart, siêu thị Metro Cash Hưng Lợi, siêu thị Maximark, siêu thị Vinatex, Trung tâm Thương mại Cái Khế. Đại học Cần Thơ, Đại học Y dược Cần Thơ và nhiều trường cao đẳng hàng đầu thành phố như: Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, Cao đẳng Y tế... các trường này là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho riêng thành phố Cần Thơ mà cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô hàng nghìn sinh viên/năm. Từ sau sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ và nhiều công trình lớn như quốc lộ 91B, đường Nam Sông Hậu, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đã góp phần đưa quận Ninh Kiều trở nên sầm uất, náo nhiệt hơn. Theo thống kê của quận Ninh Kiều, trên địa bàn có trên 100 các chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm đang hoạt động. Các cao ốc văn phòng, các trung tâm thương mại thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư lâu năm.

Đại hội Đảng bộ quận mới rồi đã đưa vào Nghị quyết: Phấn đấu đến năm 2015, quận Ninh Kiều thực sự trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm của thành phố Cần Thơ. Hoạt động thương mại - dịch vụ tập trung thu hút và chi phối được trên 70% các mối liên kết kinh tế trong thành phố, tham gia mạnh vào các mối quan hệ kinh tế giữa thành phố Cần Thơ với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực kinh tế trong cả nước đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện được giao lưu kinh tế giữa các nước trong khu vực đặc biệt với các nước lưu vực sông Mê Công.

Từ trên cầu Hưng Lợi như một con rồng nhỏ vắt mình qua dòng rạch Cần Thơ, người ta có thể phóng tầm mắt nhìn ra bốn bề phố thị Ninh Kiều đang rộn ràng đón chào Xuân mới. Đây cũng là nét mới của Ninh Kiều, một quận trung tâm của thành phố có bề dày dựng xây đô thị đang khởi sắc vào xuân.

Theo: Báo Cần Thơ

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
  • Dự án đường dây 500kV mạch 3: Chú trọng an toàn lao động và vệ sinh môi trường

    (Xây dựng) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (Ban chỉ đạo) nhấn mạnh: Cùng với tiến độ, chất lượng, công tác an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường cần phải được đặt lên hàng đầu.

  • Bài 1: Thiếu nước ở vùng sông nước

    (Xây dựng) - Theo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia, tổng lượng nước trên phạm vi toàn quốc trung bình nhiều năm khoảng 935,9 tỷ m3/năm, trong đó, nguồn nước mặt khoảng 844,4 tỷ m3/năm; nguồn nước dưới đất khoảng 91,5 tỷ m3/năm. Do đó, nước ta chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Ngay trong đợt hạn mặn hiện nay, nhiều địa phương đối mặt nguy cơ thiếu nước.

  • Thẩm quyền duyệt thiết kế và dự toán dự án không có cấu phần xây dựng

    (Xây dựng) - Địa phương của ông Nguyễn Hữu Hòa (Tây Ninh) đang triển khai thủ tục đầu tư dự án đầu tư trang thiết bị cho 6 Trung tâm y tế tuyến huyện và 42 Trạm y tế tuyến xã từ nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.

  • Vĩnh Phúc: Tự hào những người con góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

    (Xây dựng) – Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản hùng ca bất diệt, hào hùng, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đã 70 năm trôi qua, song, những năm tháng gian khổ, hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những người lính, dân công hỏa tuyến Điện Biên năm xưa... Những ký ức đó trở thành niềm tự hào, bài học quý giá về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc cho thế hệ sau.

  • Bắc Ninh: Tập trung giải quyết giải phóng mặt bằng tại dự án Vành đai 4

    (Xây dựng) – Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang vào chiều 6/5 khi đi thị sát, kiểm tra tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh.

  • Nguyên tắc thương thảo hợp đồng đấu thầu

    (Xây dựng) - Năm 2023, đơn vị bà La Thụy Ngọc Huyền (Hậu Giang) tổ chức đấu thầu qua mạng, hình thức chào hàng cạnh tranh mua sắm tài sản trang thiết bị, dự toán khoảng 620 triệu đồng. Chỉ có một đơn vị dự thầu.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load