Thứ năm 07/11/2024 19:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long: Đáng báo động!

Bài 1: Thiếu nước ở vùng sông nước

16:12 | 07/05/2024

(Xây dựng) - Theo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia, tổng lượng nước trên phạm vi toàn quốc trung bình nhiều năm khoảng 935,9 tỷ m3/năm, trong đó, nguồn nước mặt khoảng 844,4 tỷ m3/năm; nguồn nước dưới đất khoảng 91,5 tỷ m3/năm. Do đó, nước ta chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Ngay trong đợt hạn mặn hiện nay, nhiều địa phương đối mặt nguy cơ thiếu nước.

Bài 1: Thiếu nước ở vùng sông nước
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác kiểm tra tình hình nước ngọt tại vùng ven biển tỉnh Tiền Giang.

Những thách thức

Theo Phòng Quản lý lưu vực sông và Bảo vệ tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn nước trên thế giới chỉ có 3% lượng nước là nước ngọt, 97% là nước mặn; 2/3 lượng nước ngọt tồn tại dưới dạng sông băng và mũ băng ở các cực, phần còn lại chủ yếu là ở dạng nước ngầm và một tỷ lệ nhỏ tồn tại trên mặt đất và không khí. Như vậy, có thể nói nguồn nước có giá trị cho sự sống của chúng ta chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng nước trên thế giới. Thực tế hiện nay, trên thế giới, khoảng 1/3 số quốc gia đang bị thiếu nước, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 2/3 tương ứng khoảng 35% dân số thế giới rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Thực trạng tài nguyên nước ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước tình hình biến đổi khí hậu, như khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng... đã tác động đến nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn nước đang được các địa phương tập trung triển khai, như sử dụng nguồn nước ngầm tầng thấp (độ sâu từ 07 - 08m); hệ thống hồ chứa nước ngọt kết hợp với “tưới khô xen kẽ”, sản xuất giảm phát thải...

Diện tích nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 30% - 50% diện tích phân bố toàn vùng, nhưng tỷ lệ khai thác, sử dụng lại tăng khoảng 17% so với nhu cầu. Theo Cục Thủy lợi, toàn vùng hiện có khoảng 14 triệu người dân sống ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó khoảng 8,5 triệu người được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung và 5 triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình.

Qua thống kê, toàn vùng có khoảng 3.928 công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó có khoảng 30% số lượng công trình sử dụng nước mặt. Tổng công suất cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung khoảng 1.000.000 m3/ngày đáp ứng được khả năng cấp nước tập trung khoảng 66% dân số nông thôn. Đối với mô hình cấp nước quy mô hộ gia đình, khu vực này có khoảng một triệu hộ sử dụng loại hình cấp nước nhỏ lẻ, trong đó chủ yếu là hình thức khai thác bằng giếng khoan.

Bài 1: Thiếu nước ở vùng sông nước
Lực lượng Quân khu 9 mang nước hỗ trợ người dân Cà Mau.

Thiếu nước ngọt

Trong bối cảnh, nhiệt độ trái đất tăng lên, nguồn nước sông Mekong ngày càng thấp đi, nước ngọt đang thiếu. Mùa khô năm 2023 – 2024, báo cáo ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau, trên địa bàn hiện có hơn 3.700 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, bà con phải đổi nước với giá cao để sử dụng. Tại tỉnh Tiền Giang có khoảng 3.000 hộ dân ở các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông cần hỗ trợ nước ngọt. Riêng tại Bến Tre, một số khu vực vùng sâu, khu vực ven biển người dân cũng rơi vào cảnh thiếu nước ngọt. Dự báo, số hộ dân đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt sinh hoạt sẽ còn tăng cao.

Lãnh đạo Cục Thủy lợi cho biết, đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 15.274 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Cụ thể: Sóc Trăng 6.400 hộ, Bạc Liêu 4.960 hộ, Cà Mau 3.914 hộ. Một số hạng mục công trình bị hỏng ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, nguồn nước suy giảm, nhiễm mặn, dẫn đến công trình không đáp ứng yêu cầu công suất cấp nước cho các hộ dân.

Nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong thời điểm xâm nhập mặn, vừa qua, một số địa phương như: Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang đã chủ động các giải pháp cấp nước cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng, nhất là khu vực dân cư sinh sống thưa thớt; hỗ trợ thiết bị trữ nước cho các hộ khó khăn; thiết lập các điểm cấp nước công cộng; khu vực có công trình cấp nước tập trung tổ chức cấp nước luân phiên, đấu nối hòa mạng, sử dụng thiết bị RO...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cho bảy tỉnh ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 132.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt trong thời gian mùa khô.

Nhiều giải pháp cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn đang được các địa phương khẩn trương triển khai. Tại Cà Mau, ngành Nông nghiệp kiến nghị cấp 39 tỷ ngân sách để kéo mới đường ống, cấp bồn chứa nước cho các hộ khó khăn, nâng công suất các trạm cấp nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Địa phương đã huy động lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và nhân dân cùng tham gia lắp đặt đường ống, vận chuyển nước cấp cho người dân các khu vực khó khăn.

Tỉnh Tiền Giang đã mở 28 vòi nước công cộng để cấp nước ngọt miễn phí cho người dân các khu vực thiếu nước ngọt. Mở 12 giếng khoan dự phòng và vận hành một số trạm bơm để cung cấp nước thô cho các nhà máy. Theo kế hoạch địa phương sẽ tiếp tục mở hơn 50 vòi nước công cộng để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, số vòi nước sẽ tiếp tục được mở theo nhu cầu thực tế nếu hạn mặn tiếp tục diễn ra gay gắt. Ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo các nhà máy nước vận hành các trạm bơm dự phòng, nâng công suất cấp nước, tăng cường vận chuyển nước từ các nhà máy chưa nhiễm mặn hỗ trợ cho các nhà máy bị nhiễm mặn, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho bà con.

Bài 1: Thiếu nước ở vùng sông nước
Con kênh tại thị trấn Trần Văn Thời khô cạn.

Báo cáo của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, mùa khô năm nay, Công ty thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn qua 5 trạm quan trắc, bản tin của ngành Thủy văn và kết hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre vận hành hệ thống các đập ngăn mặn. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các nhà máy nước của công ty cung cấp nước đến khách hàng đều nằm trong giới hạn cho phép về độ mặn theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn 32 nhà máy nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre quản lý. Trung tâm đã phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình.

Theo đanh giá các cơ quan chuyên môn, tỷ lệ sử dụng giếng cao ở các khu vực như: Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh nơi có nguồn nước ngầm tương đối tốt. Hộ gia đình sử dụng nước mặt từ sông, kênh, ao hồ phổ biến ở các tỉnh: Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang. Mặc dù vậy, chất lượng và số lượng nước không ổn định, đặc biệt là các tháng mùa khô. Với biến đổi khí hậu ngày một bất thường, nguy cơ thiếu nước ngọt ở vùng sông nước là điều tất nhiên. Bên cạnh điều kiện khách qua còn nhiều nguyên nhân khác.

Bài 2: Chất lượng nguồn nước đang giảm

Khánh Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load