Thứ năm 26/12/2024 21:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng

15:47 | 07/11/2024

(Xây dựng) - Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và từng bước đi vào nề nếp, ý thức chấp hành của người dân dần được nâng cao, diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế - xã hội.

Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng
Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.

Vi phạm tiếp tục giảm

Để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng và trật tự xây dựng, ngay từ đầu năm, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, Quyết định chỉ đạo liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng theo phân cấp; quyết liệt vào cuộc, triển khai thực hiện hiệu quả đối với công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Trong những tháng đầu năm 2024, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tăng cường công tác cấp phép xây dựng, quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng trên địa bàn đã đạt được một số kết quả tích cực. Số công trình được cấp giấy phép xây dựng tăng, các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết.

Cụ thể, đã tiến hành kiểm tra 8.854 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 125 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,41%; đã xử lý đứt điểm 55/125 trường hợp, chiếm tỷ lệ 44%; đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 70/125 trường hợp, chiếm tỷ lệ 56%. So với cùng kỳ năm 2023, số công trình vi phạm quy định về trật tự xây dựng đã giảm 119 công trình (tỷ lệ vi phạm giảm từ 2,36% xuống 1,41%); tỷ lệ công trình vi phạm đang tiếp tục giải quyết giảm 2,26%.

UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 313 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền gần 6,6 tỷ đồng, thu về ngân sách Nhà nước gần 5 tỷ đồng. 7 quận, huyện, thị xã không để phát sinh vi phạm, gồm: Ứng Hòa, Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn. 8 địa phương có tỷ lệ công trình vi phạm thấp, gồm: Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Hoài Đức, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì và Đông Anh.

Để đạt được kết quả như trên là do hệ thống quy phạm pháp luật trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã cơ bản hoàn thiện, nhất quán, xuyên suốt. Sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể tại địa phương, của doanh nghiệp và người dân, công tác xử lý vi phạm được nhanh chóng, kịp thời, triệt để.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục. Đặc biệt là các vi phạm về trật tự xây dựng có liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn diễn biến phức tạp (đối với các loại hình nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ nguy cơ ảnh hưởng đến an sinh xã hội; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh). Theo đó, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố luôn đối diện với những nguy cơ, thách thức tiềm ẩn nếu không nhận diện, kiểm soát tốt có thể gây ra hậu quả khó khắc phục được.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế

Theo đại diện của Sở Xây dựng, công tác quản lý trật tự xây dựng luôn được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản để giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm… Do đó, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị nói chung và tình hình xử lý các vụ việc vi phạm nổi cộm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết. Tỷ lệ các công trình vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian gần đây đã giảm xuống; ý thức chấp hành của người dân dần được nâng cao; diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại.

Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng
Tỷ lệ các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội trong thời gian gần đây đã giảm xuống.

Thời gian tới, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan thống nhất cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp như: Kiên quyết xử lý đối với các vi phạm quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy, nhất là tại các nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh; không để phát sinh các vi phạm mới như tự ý thiết kế nâng tầng, xây dựng, cải tạo, chuyển đổi công năng không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các điều kiện an toàn về thoát nạn, ngăn cháy; giải quyết dứt điểm việc cơi nới, chiếm dụng lối đi chung, cản trở đường giao thông và lối thoát nạn.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các công trình trên địa bàn quản lý, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả và xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh; tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện ngay tại cơ sở, không để phát sinh các vụ việc phức tạp, nổi cộm gây bức xúc dư luận.

Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; tăng cường hoạt động kiểm tra công vụ để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các bộ phận, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Song song với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, xác định đây là nhiệm vụ có tính thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Phượng Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load