Thứ sáu 26/04/2024 15:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Muôn mặt ô nhiễm môi trường 

10:15 | 13/11/2019

(Xây dựng) - Thực tế tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, tuy nhiên cơ sở hạ tầng lại chưa theo kịp tốc độ phát triển của đô thị dẫn đến nhiều hệ quả đi theo. Trong đó, chất lượng môi trường đô thị bị ảnh hưởng khá lớn trên nhiều phương diện.

Muôn mặt ô nhiễm môi trường
Chất lượng môi trường đô thị bị ảnh hưởng bởi cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa… (Ảnh: Internet).

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của chính quyền các địa phương, chất lượng môi trường tại một số khu vực đô thị đã có sự cải thiện rõ rệt. Việc triển khai các dự án, chương trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, nạo vét, khai thông, cải tạo cảnh quan các sông, hồ nội thành đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường nước tại một số đô thị lớn.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tổng diện tích đất đô thị (chỉ tính các phường, thị trấn và các đô thị mới) của cả nước là hơn 1,4 triệu ha (với 828 đô thị các loại), chiếm 4,35% tổng diện tích tự nhiên. Dự kiến đến năm 2020, đất đô thị toàn quốc sẽ đạt khoảng 1,9 triệu ha. Trong đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có tốc độ tăng đất đô thị lớn nhất trong toàn quốc với khoảng 3,8 - 4%/năm. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho quy hoạch các hạ tầng xã hội lại rất khiêm tốn.

Đánh giá một cách tổng thể, bên cạnh những khu vực đô thị có chất lượng môi trường còn tương đối tốt, vẫn còn rất nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, tập trung ở các khu vực đồng bằng, nơi có hoạt động phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề nan giải.

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay có thể kể đến như tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, chủ yếu là ô nhiễm bụi và tập trung chủ yếu ở các nút, trục giao thông, nơi có lưu lượng phương tiện lớn hoặc khu vực có hoạt động công nghiệp, cải tạo, xây dựng mới các tuyến hạ tầng giao thông, xây dựng các khu đô thị…

Tiếp đến là ô nhiễm rác thải. Đây cũng là thách thức của các đô thị do việc xử lý rác mới chủ yếu là chôn lấp, hầu như chưa có các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao; năng lực thu gom và xử lý rác thải nhiều địa phương còn hạn chế…

Mới đây nhất là sự việc nguồn nước của nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, đã đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân khu vực Tây Nam Hà Nội. Nhiều hộ gia đình không dám sử dụng, phải mua nước đóng chai hoặc nước cung cấp từ xe téc để dùng trong sinh hoạt.

Ngoài ra, ô nhiễm mặt nước, ô nhiễm ánh sáng, ô nhiễm âm thanh… cũng góp phần không nhỏ làm giảm chất lượng môi trường sống đô thị.

Bàn về vấn đề trên, GS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho biết: Tốc độ đô thị hóa hiện nay rất nhanh, cùng với đó là sự xuất hiện của các khu đô thị lớn và nhà cao tầng, nhưng đô thị hóa rất nhanh lại không đưa được ra các tiêu chuẩn đảm bảo cuộc sống của con người. Đó là, nhiều diện tích mặt nước, cây xanh bị san lấp; nhiều dự án quy hoạch diện tích dành cho công trình công cộng bị sử dụng sai mục đích…

Dưới góc nhìn quy hoạch, các chuyên gia cho rằng, các đô thị lớn của Việt nam đang đối diện với nhiều vấn đề về môi trường sống của các khu đô thị, xuất phát từ vấn đề về quy hoạch chưa tính toán được hết những yếu tố về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng cơ sở gắn bó trực tiếp với người thụ hưởng. Trong đó, việc mở rộng quá mức không gian đô thị tạo ra mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng đô thị, giữa bảo tồn và phát triển, hay phát triển để bảo tồn di sản đô thị… đảm bảo đô thị phát triển bền vững.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Huy - Tổng Giám đốc Cty CP Tư vấn kiến trúc và Xây dựng Hợp Thành cho biết: Quy hoạch đô thị không thể quên các yêu cầu chi tiết liên quan đến sức khỏe, sự đa dạng văn hóa và mong muốn chính đáng của cộng đồng, để tạo ra môi trường bền vững. Vì vậy, một quy hoạch lý tưởng chính là làm sao tạo ra đô thị mà ở nơi đó, người dân có thể hưởng thụ cảm giác yên bình, thư thái từ môi trường sống.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong công tác quản lý, quy hoạch phát triển đô thị; xây dựng các nhóm giải pháp nhằm tăng cường các nguồn lực bảo vệ môi trường đô thị hướng tới mục tiêu phát triển đô thị xanh, sạch, bền vững và “đáng sống”…

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load