Thứ bảy 27/04/2024 09:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Làng định cư trên đất Lũng Pô

16:49 | 12/10/2019

(Xây dựng) - “Người Mèo ơn Đảng, ơn Bác Hồ…” - Câu hát đã dứt nhưng âm hưởng của nó vẫn như đang quấn quýt trong lòng người nghe, phải mấy giây sau, cả đám đông mới ồ lên với tràng pháo tay như sấm. “Ca sĩ bất đắc dĩ” - Trưởng thôn Ma Seo Páo ngượng nghịu với cái bắt tay thân mật trìu mến của đồng chí Hà Thị Khiết - Trưởng Ban Dân vận Trung ương trong chuyến lên Lào Cai công tác và tới thăm thôn Lũng Pô 2 thuộc xã A Mú Sung - một xã vùng xa giáp biên giới Việt – Trung của huyện Bát Xát.


Một góc làng trong thôn Lũng Pô 2.

Đến bây giờ anh vẫn như in vào tim mình lời dặn của đồng chí Trưởng ban Dân vận Trung ương: “Lũng Pô đã phát huy được tiềm năng thế mạnh của mình và truyền thống cần cù dám vượt lên khó khăn để thoát nghèo, mong bà con tiếp tục phát huy để xây dựng Lũng Pô thành điểm sáng về xây dựng kinh tế trong toàn quốc”.

Nghĩ lại cái ngày ấy, lời căn dặn ấy, Ma Seo Páo vẫn bâng khuâng lắm! Lũng Pô 2 của anh bây giờ đã có bao thay đổi ngỡ ngàng so với hơn chục năm trước. Lũng Pô 2 đã là tấm gương xây dựng Nông thôn mới, là tấm gương cho việc lập làng an cư lạc nghiệp cả nước biết đến. Nhưng mấy ai biết đến khởi nguồn của cái làng non trẻ này! Anh bồi hồi nhớ lại ngày trước, ông bà anh nhọc nhằn mưu sinh với tục du canh du cư rồi đến thế hệ anh và dân làng tuy định cư đã hàng chục năm ở Ngải Thầu (huyện Mường Khương) rồi nhưng đó lại là một vùng núi cao toàn đá lại quanh năm khô khát nên đời sống vẫn rất khó khăn. Dân làng suốt ngày cắm mặt trên nương vẫn đói vẫn rét bởi tập tục đó ăn sâu vào từng đường rãnh trong não. Đó là tự hài lòng với gì mình có, dù cái “có” ấy chỉ là cái nhà đón gió tứ bề; chỉ là mảnh sân ngập ngụa không đủ đặt bàn chân; chỉ là vài bao ngô, vài cum lúa đủ lùa vào bụng vài ba tháng, thời gian còn lại đến vụ sau chẳng biết nhìn vào đâu! Thế là khổ. Khổ mãi đâm quen! Làm lụng cả ngày, tối về vùi vào giấc ngủ nhọc nhằn, rồi cũng quên đi. Dân làng nhiều người thế, có phải riêng nhà mình đói đâu! Cái tặc lưỡi buông xuôi đã giết chết bao khát vọng đổi đời!


Chân dung Trưởng thôn Ma Seo Páo.

Nhưng có một người nhiều đêm không ngủ. Chiếc điếu bằng ống trúc già, lên nước bóng loáng cứ rít lên sòng sọc. Ánh lửa chập chờn soi khuôn mặt chủ nhân gân guốc mà kiên nghị. Đầu hồi, tiếng gà lục đục, con trống chuống cất tiếng gáy sang canh, bên ngoài, sương đã giăng lạnh tê tái nhưng giấc ngủ vẫn không đến.

Nhiều đêm hút thuốc trông trời sáng!

Nhiều đêm thế!

Làm Trưởng thôn, một thôn chỉ hơn ba chục hộ dân, hàng năm Nhà nước hỗ trợ nhiều nhưng vẫn nghèo đói. Trẻ con chỉ học hết Tiểu học. Vài đứa học lên cấp II cũng ì ạch được một thời gian lại thấy vào rừng vác củi, lên nương trỉa ngô. Hỏi ra mới biết đã bỏ học… cũng chỉ tại cái nghèo, cha mẹ bắt con ở nhà kiếm cái ăn còn thấy cái ăn, cho đi học có thấy con đem được cái gì về nhà ăn cho đỡ đói đâu! Cái đói, cái dốt cứ như hai sợi dây xoắn chặt vào nhau buộc dân làng trong luẩn quẩn đói nghèo. Trưởng thôn như mình cũng nghèo. Suốt ngày lăn lưng vác từng bao tải đất, phân khô lên đồi bốc vào từng hốc đá trồng ngô rồi lăn lưng húng lỗ trồng lúa nương mà cũng chẳng đủ ăn đến vụ sau, lại xin hỗ trợ. Ăn mãi hỗ trợ cũng phải nghĩ chứ! Trông chờ, ỷ lại mãi cũng không trúng cái bụng mình, mình không muốn thế! Nhưng mình nghèo. Vậy dân làng mình nghèo vì đâu? Vì vị trí làng mình chênh vênh, đất canh tác không có, lại thiếu nước, đồi nương nhiều đá, nhiều người mải uống rượu. Phải làm khác đi mới hết nghèo!

Nghĩ thế chỉ biết thế, chưa biết làm gì thay đổi cuộc sống cho mình, cho dân làng mình, Ma Seo Páo trăn trở lắm!

Dịp đó, vào năm 2006 anh xuống bản Pho thuộc huyện Bát Xát thăm người anh em thân tộc thấy đất đai ở Lũng Pô có vẻ màu mỡ. Anh quyết định ở lui lại, phát một mảnh đồi, gieo thử ngô, lúa và một số loại cây hoa màu khác. Quả thật đất không phụ người có công, với mười cân giống lúa Séng Cù khi thu hoạch đó cho tới hơn bốn tạ thóc. Nương ngô lên ngùn ngụt, bắp mảy và sây hạt. Mừng quá! Anh bật ra ý tưởng vận động bà con làng mình dời làng xuống đây làm ăn. Ở đây gần suối tiện cho việc làm ruộng nước, trồng màu. Đồi nương lại màu mỡ, nắm đất cứ bở tơi như củ mài nướng. Dân bản mình chịu khó canh tác sẽ không đói nữa. Ý tưởng lớn mới nẩy trong đầu lại gặp dịp có chủ trương di dân xây dựng làng mới sát biên giới của Đảng khác gì củ măng đang e ấp dưới lũng đất gặp cơn mưa đầu vụ cứ thế mà đội đất bật lên.

Ma Seo Páo vận động dân bản trong các cuộc họp thôn, bàn bạc nhiều trong những câu chuyện hàng ngày, thậm chí trong giấc ngủ chợp chờn cũng thấy cái làng kinh tế mới thấp thoáng giữa màu vàng no ấm. Mới đầu ai cũng e ngại, đắn đo. Nhà ở của họ trên đấy, cây cột nhà đã lên nước bóng loáng với mấy chục vết dao bập vào đánh dấu vụ thu hoạch lúa nương hàng năm. Ngoài vườn, cây đào cây mận đã to tướng cho ăn bao vụ, thế mà bỏ lại để ra đi. Nhớ lắm! Với lại không biết đến nơi mới công việc làm ăn sẽ ra sao? Có được thu hoạch không? Hay lại như thuở trước ông bà mình lang thang nay nơi này, mai nơi khác nghĩ lại mà vẫn kinh sợ! Hiểu được tâm trạng của dân làng, Ma Seo Páo xòe bàn tay đảm bảo: “Chỉ sợ chúng ta lười, còn nếu chăm chỉ thì chúng ta có kết quả thôi!”.

Nhiều người bùi tai nghe theo anh, lại nhiều người bán tín bán nghi xuống tận nơi xem địa hình, bốc nắm đất đồi lên ngắm nghía, đưa lên mũi hít hà mùi ngai ngái nồng nồng của đất xốp rồi mới tin tưởng theo Trưởng thôn về lập làng mới theo lời kêu gọi của Đảng. Chủ trương di dân từ huyện Mường Khương về huyện Bát Xát là đúng lại hợp lòng dân đã được các cấp, các ngành ủng hộ.

Ban đầu có 19 hộ dân từ Ngải Thầu - Dìn Chin (Mường Khương) về Lũng Pô – A Mú Sung (Bát Xát). Nhà nước hỗ trợ kinh phí và lo việc vận chuyển nhà cửa, san gạt mặt bằng làm nhà; UBND xã giúp nhân lực làm nhà, cấp đất tăng gia… Một tháng sau, căn nhà cuối cùng cũng đã làm xong. Dân làng bắt đầu vào việc phát nương trồng cây lương thực. Mỗi nhà được xã phân chia 3ha đất để canh tác. Đặc biệt, đoàn kinh tế - quốc phũng 345 và đồn Biên phòng A Mú Sung đứng chân trên địa bàn xã giao đất, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng kinh tế, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa giữ nguồn nước phục vụ sản xuất. Người dân hồi hộp bước vào vụ đầu tiên trên đất mới khai phá. Những hạt ngô, lúa giống đem tận Mường Khương về được gieo trên đất Bát Xát lên xanh tốt bời bời. Vụ thu hoạch đầu tiên cả ngô, lúa đều cho năng suất cao đó làm nức lòng người dân H’mông bản mới. Ngay sau vụ thu hoạch thắng lợi đó, lần lượt là 5 hộ rồi tiếp là 3 hộ nữa từ làng cũ theo về định cư. Những ngôi nhà khang trang tiếp tục mọc lên, cuộc sống của dân bản tuy còn nhiều vất vả nhưng cái tết năm ấy đó ánh lên sắc màu của ấm no, hạnh phúc, ngời ngợi niềm vui.


Vườn chuối thoát nghèo của người dân thôn Lũng Pô 2.

Chưa dừng lại, trước đó thấy bà con dân tộc mình ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương trồng dứa đem lại nguồn thu đáng kể, anh Páo đi đến đó học tập kỹ thuật trồng dứa và đem về trồng thử. Đất đai thổ nhưỡng phù hợp, cây dứa cho năng suất cao. Được huyện hỗ trợ giống dứa theo Chương trình 135, anh thấy đây là cơ hội để bà con mình có nguồn hỗ trợ thoát đói nghèo, anh đã họp thôn phân tích và vận động bà con vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để đưa cây dứa thành cây xoá đói giảm nghèo cho nhân dân trong thôn. Nửa số gia đình trong thôn đã mạnh dạn vay, hộ nhiều nhất vay tới 10 triệu đồng. 17ha dứa được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật đó cho thu hoạch vụ đầu với năng suất cao, quả dứa to, ngọt được đánh giá đạt chất lượng tốt. Xe thu mua vào tận thôn. Phấn khởi quá. Những ngày cân dứa, bà con vui như hội... Một số gia đình nghèo kinh niên như chị Sùng Thị Mai, Hầu Seo Chu, Lù Seo Nhà... trồng tới 5 – 6 vạn gốc dứa bán được hơn hai chục triệu đồng đó phấn khởi gọi cây dứa là cây cao sản xoá đói giảm nghèo. Chị Mai rưng rưng ngắm con xúng sính quần áo mới, chiếc cặp mới căng phồng sách đến trường xúc động: “Ô…ố! Nhà Páo nó tốt lắm! Làng mình về đây, làm theo nó nhiều việc, nhiều nhà làm ra tiền trả nợ rồi! Nhà mình lấy tiền dứa trả hết nợ cũ rồi! Hôm qua chồng mình chở mình đi chợ Trịnh Tường mua tivi, quần áo, dao cuốc, bát đĩa. Vụ dứa, vụ chuối sau sửa nhà đẹp hơn!”.

Lại còn chuyện trồng chuối xuất khẩu. Sang thăm mô hình cây chuối mô xuất khẩu tại xã biên giới Cốc Phương - Bản Lầu (Mường Khương), thấy đồi nương bên ấy ngằn ngặt chuối là chuối - những buồng chuối to, thây lẩy quả xanh biếc như ngọc, Ma Seo Páo thích lắm. Từ nghe đồn, rồi tận mắt chứng kiến hàng đống buồng chuối được xuất sang nước bạn, giúp cho bao hộ người Mông giáp biên giàu có, anh hăm hở kéo theo một số đại diện thôn mình đến ăn ở tại Cốc Phương, cũng xem chất đất, cũng thực nghiệm cấy mô, trồng chuối, làm cỏ, chăm bón, mặc áo cho buồng chuối…

Được bà con tộc mình “chuyển giao công nghệ”, đồng thời cán bộ khuyến nông của huyện đến tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, anh và dân làng mình đã trồng với diện tích trên 10 ha. Được cái dân làng anh tiếp thu kỹ thuật nhanh, cộng với niềm đam mê sáng tạo và khát vọng thoát nghèo nên cũng như cây dứa, cây chuối mô đó được bà con nâng niu chăm sóc, tốt ngùn ngụt. Vụ đầu tiên, toàn thôn bán ra 80 tấn quả, thu về vài trăm triệu đồng. Dân làng òa lên niềm hân hoan phấn khởi. Thật không ngờ, loại cây đơn giản này cùng với cây dứa được trồng trước đó trở thành nguồn thu nhập chính để bà con Lũng Pô 2 nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên khá.

Đến thời điểm này, năm 2019, Lũng Pô 2 đã có hơn ba chục hộ dân, qua bao gian nan thử nghiệm, có thành công và có thất bại trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng ông trời có mắt không phụ công ý chí con người. Lũng Pô 2 thay da đổi thịt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Là thôn khá về kinh tế, ổn định về chính trị bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cả thôn không có tệ nạn gì...

Với một thôn bản vùng biên 100% là dân tộc H’mông, những điểm nổi bật ấy thật là trân quý!

Ngắm chuối dứa biếc xanh trên các khoảnh đồi trước mặt của mảnh đất giáp biên thuộc miền cực Bắc huyện Bát Xát, tôi càng thấm thía hơn câu nói an cư lạc nghiệp mà tập tục du canh du cư bao đời trước của người H’mông không hề có, giờ chỉ còn trong những câu chuyện bên bếp lửa truyền cho con cháu hiểu thêm về nguồn cội mình.

Ngắm anh vội rít điếu thuốc lào, tôi biết anh vẫn chưa thảnh thơi. Công việc còn nhiều lắm. Trước mắt là đôn đốc dân làng bón nuôi quả cho dứa trái vụ; rồi phát triển thêm diện tích trồng chuối; lo xa hơn là phấn đấu trong năm nay đạt gần 100% số hộ kinh tế khá, giàu. Đặc biệt làng trong vẫn còn hai hộ nghèo vì chây lười, suốt ngày chỉ vùi đầu vào uống rượu, giờ phải “tư tưởng” để hai hộ ấy phấn đấu thoát nghèo vươn lên khá như mọi người; với công tác khuyến học thì phấn đấu trong 100% trẻ bản đến trường phải đạt 50% cháu loại khá trở lên, có một cháu thi đỗ vào Đại học cũng phải thưởng cho các cháu chứ…

Thấy anh kêu bận mà mặt cứ ngời lên rờ rỡ, tôi hiểu, với Ma Seo Páo bận bịu cũng là một niềm hạnh phúc – Hạnh phúc được cháy lên hết mình để đem lại hạnh phúc cho nhiều người khác. Bản lĩnh, quyết tâm, ý chí vươn lên thoát nghèo của anh đã phả vào cộng đồng. Dân làng tin anh, cũng như tin tưởng vào con đường mình đã chọn và gắn bó ngày càng sâu sắc với vùng quê mới – Mảnh đất vùng xa giáp biên Lũng Pô - Mảnh đất mang tên Rồng Bố.

Trần Thị Minh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024

    (Xây dựng) – Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load