Thứ bảy 27/04/2024 04:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Khám phá miền đất Phật Myanmar

Kỳ 1: Hành trình lên núi Popa, nơi ẩn cư của những thần linh

16:22 | 19/06/2019

(Xây dựng) - Myanmar được biết đến là một đất nước với nhiều đền đài thành quách kỳ bí, chỉ mới mở cửa đón du khách được ít năm nhưng đất nước này đã thu hút lượng khách du lịch nước ngoài đến tham quan khá đông. Chính vì sức hút của sự huyền bí đến mê hoặc ấy nên nhóm phóng viên Báo Xây dựng chúng tôi đã quyết định sẽ đi khám phá đất nước Myanmar theo cách của riêng mình.

Chuyến bay từ sân bay Nội Bài đến Yangon cất cánh lúc 16h50, hạ cánh lúc 18h30. Yangon đón chúng tôi bằng những hạt mưa lất phất khiến cho không khí trở nên dễ chịu. Những người đàn ông lái taxi ở sân bay Myanmar quấn những chiếc váy đủ màu sắc, miệng nhai bỏm bẻm trầu đưa chúng tôi đến bến xe buýt để tiếp tục đi trong đêm lên núi Popa.

Bến xe ở Myanmar rất bé nhưng sự phục vụ thì vô cùng thân thiện. Đoàn vừa bước vào nhà xe thì có một cô gái ra mời chúng tôi uống cafe hoặc nước lọc. Phòng đợi cho khách nước ngoài ở trên tầng 2 khá sạch sẽ có ghế sofa và điều hòa. Đặc biệt, nhà vệ sinh ở bến xe buýt vô vùng sạch sẽ, luôn phảng phất mùi tinh dầu quế rất dễ chịu.

Xe buýt ở Myanmar ghế có thể ngả ra nằm được, nhưng trên xe họ bật điều hòa vô cùng lạnh. Lạnh đến mức nếu không mang theo áo ấm thì bạn sẽ không thể ngủ được. Trên xe không có nhà vệ sinh nên trong suốt 1 đêm ngủ trên xe buýt, họ sẽ dừng lại cho hành khách đi vệ sinh 2 lần.

Nhưng do có sự chuẩn bị mang theo áo ấm từ trước nên chúng tôi vẫn có thể ngủ ngon lành đến 7h sáng. Thức dậy, thấy lấp ló ánh bình minh ngoài cửa xe thì cũng là lúc xe dừng lại ở chân núi Popa.

Chúng tôi tìm một quán ăn ven đường để ăn sáng. Do không quen với đồ ăn địa phương nên chúng tôi gọi cơm trắng và trứng, nhưng cũng không ai ăn được vì những hạt cơm trắng rất nhạt và bở, trứng ốp thì vẫn nguyên lòng đỏ. Chúng tôi phải lôi bánh mì và ruốc mang phòng bị từ Việt Nam sang để ăn.

Từ đây chúng tôi chỉ phải di chuyển 17km nữa để lên Popa Mountain Resort nơi chúng tôi đã đặt phòng trước. Cả đoàn thuê 4 chiếc xe taxi của địa phương, xe được trang trí bằng rèm, không có cửa để thông 2 phía chỉ ngồi được 3 người. Phía trước xe treo một chùm những dải hoa rừng thơm nức, giống như hoa nhài của Việt Nam.

Anh lái xe người bản địa có nước da đen kít, mặc váy, nhai trầu, lên xe là phóng tít mù. Đường lên Popa mountain resort hoa nở cây cối xum xuê đẹp mê mẩn lòng người. Những ngọn tháp của những ngôi đền trên núi dần hiện ra trong ánh nắng trong veo, không khí trở nên mát lịm khiến chúng tôi không còn cảm thấy mệt nữa dù vừa phải trải qua một chặng đường dài.

Chỉ khoảng 20 phút xe đã đưa chúng tôi đến resort. Resort có không gian tĩnh lặng, thoát tục, bể bơi vô cực nằm chênh vênh trên ngọn núi. Đối diện bên kia là tu viện Taung Kalat huyền thoại thờ 37 vị thần Nat, xa xa có thể nhìn thấy ngọn núi từ dòng sông Ayeyarwady (Irrawaddy) hiền hòa xanh ngát.

Popa Mountain Resort là nơi bạn nên đến một lần trong đời bởi nơi đây mang một vẻ đẹp thoát tục đến kỳ lạ, chỉ có khoảng 7 ngôi biệt thự nằm trên đỉnh núi tách biệt với thế giới bên ngoài.

Những ngôi biệt thự được làm hoàn toàn bằng gỗ rừng có mùi thơm. Kiến trúc vô cùng tinh tế theo lối nhà Phật. Cánh cửa được chạm trổ tinh xảo, những hành lang rộng và dài bao quanh biệt thự có những ánh nắng xuyên qua đẹp kỳ ảo.

Đồ ăn ở đây hơi đắt vì để mang được nguyên liệu lên núi người dân bản địa phải đi một chặng đường khá xa. Điện thi thoảng bị mất nhưng ngay lập tức sẽ có máy nổ thay thế. Điều hòa thì hầu như chúng tôi không dùng đến vì ở đây gió ngàn vi vu cả ngày nên không khí vô cùng mát mẻ, wifi chỉ bắt được khi ở khu vực nhà hàng.

Nhà hàng ở đây đẹp mê hồn. Ngồi đây, vừa nhâm nhi ly nước mát lạnh vừa ngắm những bông hoa rừng với đủ các sắc màu trùng điệp bên dưới và ngắm ngôi đền thiêng huyền thoại của “linh hồn” Taung Kalat và nghe tiếng kinh cầu trầm bổng trong gió ngàn mây phủ, chúng tôi có cảm giác mình như đang ở một miền cực lạc của chốn bồng lai tiên cảnh.

Ban đêm ở đỉnh núi Popa mới thật là một trải nghiệm thú vị. Những ngôi biệt thự bằng gỗ được bao phủ bởi mây, gió và sương. Gió ngàn của núi rừng thổi mạnh đến mức chúng tôi tưởng rằng có giông bão. Nhiệt độ xuống thấp, lạnh như mùa đông, chúng tôi phải mặc thêm áo ấm khi bước ra ngoài hành lang.

Buổi sáng hôm sau, đoàn có một cuộc hành trình thăm tu viện Taung Kalat. Đây là điểm hành hương lớn và thờ nhiều vị thần tối cao của Myanmar. Người dân Myanmar cho rằng đây là ngôi nhà huyền thoại của “linh hồn” Taung Kalat, nơi thờ phụng 37 vị Nat hay còn gọi là những vị thánh trong tín ngưỡng dân gian, thần bảo hộ cho những người nghèo khó ở Myanmar. Ở đây có rất nhiều ngôi đền và các di tích tôn giáo. Để lên đến đỉnh ngọn núi, du khách phải vượt qua 777 bậc thang (chừng 45 phút).

Núi Popa cao 1.518m so với mặt nước biển, nằm ở trung tâm đất nước Myanmar, cách đô thị Bagan khoảng 50km về phía tây nam rất gần với dòng sông Ayeyarwady (Irrawaddy) hiền hòa thơ mộng.

Chúng tôi thuê một chiếc xe kiểu như xe chở hàng của Việt Nam nhưng ở Myanmar lại là xe để chuyên chở người với giá khá rẻ, những chiếc chiếu được trải lên lòng thùng và chúng tôi ngồi lên trên đó. Xe chở chúng tôi đi xuyên qua cánh rừng Popa chừng 20 phút thì tới chân núi.

Núi Popa là trung tâm tín ngưỡng và là niềm tự hào của đất nước Myanmar. Đền thờ trên đỉnh núi là nơi lưu giữ rất nhiều tượng Phật lớn. Nơi đây thu hút rất nhiều người tôn sùng đạo Phật từ khắp nơi ở đất nước Myanmar.

Dọc đường đi chúng tôi gặp rất nhiều người dân Myanmar hành hương về núi Popa để cầu nguyện. Đi theo những bậc thang lên núi có rất nhiều khỉ, khỉ mẹ bồng khỉ con, lũ khỉ cứ hồn nhiên leo trèo đùa nghịch, thi thoảng lại ngước nhìn du khách hành hương với ánh mắt tinh nghịch.

Hành hương được lên tới đỉnh của đền thờ là cả một thách thức với những du khách có trẻ nhỏ đi cùng như chúng tôi. Có những bậc thang dựng đứng, không có độ dốc, nhưng dọc theo hành lanh luôn có mái che, tay vịn, song sắt chắn rất an toàn. Càng lên cao thì khung cảnh đẹp như tranh vẽ của núi rừng hùng vĩ, trùng điệp bên dưới hiện lên khiến chúng tôi phần nào hết mệt mỏi.

Được ngắm nhìn những bức tượng Phật, đền đài dát vàng ở độ cao chót vót giữa núi rừng hùng vĩ mang lại cho chúng tôi một sự thiêng thiêng. Đứng ở sân đền, nhìn ra xung quanh hướng đông là các rặng núi bao quanh tiểu bang Shan, ba hướng kia cũng toàn núi, dưới xa ẩn hiện những hoa phượng đỏ rực hoặc những chùm mimosa vàng óng ả. Hoa dại đủ sắc màu, những tháp chùa vàng óng nằm từng cụm, rải rác hay những ngôi làng Popa nằm uốn lượn dọc theo những con đường. Xung quanh núi có nhiều các dòng suối lớn, nhỏ như dòng sông Pin chảy ra sông Voi bởi Popa có đến 200 dòng suối bao quanh tạo nên một khung cảnh vô cùng kỳ vĩ. Được đứng ở đỉnh núi của ngôi đền thiêng Taung Kalat và ngắm khung cảnh hùng vĩ của núi Popa là những trải nghiệm thú vị đáng nhớ trong đời.

Sau đây là một số hình ảnh của chuyến đi:

Tu viện Taung Kalat huyền thoại nơi thờ 37 vị thần Nat được nhìn từ Popa Mountain Resort.

Phong cảnh tuyệt đẹp dưới chân núi Popa nhìn từ trên cao.

Nhìn từ trên núi Popa là những dòng sông uốn lượn tạo nên một khung cảnh vô cùng êm đềm.

Ở Popa có một loài hoa thơm nồng nàn màu trắng được người dân xâu thành chuỗi bán rất nhiều.

Người đàn bà dân tộc thiểu số bán chuối ở chân núi Popa.

Ngọn tháp cao nhất trên đỉnh núi Popa.

Hoa quả người dân địa phương trồng và bán nhiều ở chân núi Popa.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024

    (Xây dựng) – Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load