(Xây dựng) - Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất công nghiệp, những năm qua, Yên Bái đã chủ động quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất để đẩy mạnh thu hút đầu tư… góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Ảnh minh họa. |
Nhiều công trình, dự án đang được nhà đầu tư khẩn trương triển khai, tạo tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các mục tiêu sản xuất công nghiệp năm 2021 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Yên Bái lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Tại xã Âu Lâu - địa bàn có khu, cụm công nghiệp của tỉnh và thành phố, giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp như phải giãn ca, giảm giờ làm, hàng hóa không xuất được do dịch Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất, có những doanh nghiệp đã bắt đầu tăng tốc bước vào năm mới với khí thế mới.
Ông Nguyễn Minh Hải - Chủ tịch UBND xã Âu Lâu cho biết: “Với thuận lợi là trên địa bàn xã có Cụm công nghiệp Âu Lâu được tỉnh quy hoạch với diện tích 118 ha. Trong đó, Công ty TNHH Unico Global YB đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy, giải quyết việc làm cho hơn 1.800 công nhân, bao gồm hơn 200 lao động của xã. Cụm công nghiệp Âu Lâu được thành phố quy hoạch với diện tích 70 ha, hiện thu hút tổng số 6 dự án đầu tư với tổng vốn 223,5 tỷ đồng. Năm 2020, chính quyền địa phương đã phối hợp, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; chú trọng vận động nhân dân đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Qua đó, thu hút, tạo việc làm cho trên 1.300 lao động địa phương. Nhân dân rất vui mừng khi nghe tin đã có thêm 4 doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Âu Lâu. Chính quyền địa phương hy vọng các doanh nghiệp sẽ sớm xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, đóng góp tăng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố”.
Vượt lên khó khăn của một năm nhiều biến động do đại dịch Covid-19, kinh tế của thành phố phục hồi nhanh và duy trì đà phát triển ổn định. Nhiều chỉ tiêu có bước tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, có một số chỉ tiêu khó. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố giữ được nhịp độ phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 3.918 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33% của cả tỉnh, tăng 4,62% so với cùng kỳ, bằng 105,5% kế hoạch tỉnh giao, bằng 85,3% kế hoạch thành phố; phần thành phố quản lý đạt 2.838 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ, bằng 94,6% kế hoạch thành phố. Kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi.
Năm 2020, có 126 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái thành lập mới, bằng 105% kế hoạch; thành lập mới 6 hợp tác xã, 141 tổ hợp tác, thu hút mới 4 doanh nghiệp vào Cụm công nghiệp Âu Lâu gồm: Công ty TNHH ngành gỗ Hồng Nguyên Việt Nam, Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất LTT, Công ty cổ phần VS Chemicals, Công ty TNHH Vận tải giao nhận quốc tế Thủy Cường. Trên quan điểm phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, năm 2021, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 5.000 tỷ đồng.
Theo đó, tập trung chỉ đạo tiếp tục triển khai mở rộng và hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Âu Lâu theo hướng đồng bộ; thực hiện di dời Khu công nghiệp Đầm Hồng theo kế hoạch. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào thành phố, quan tâm thu hút các dự án công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, khuyến khích ưu tiên vào công nghiệp chế biến. Tăng cường phối hợp quản lý và thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp phía Nam, Cụm công nghiệp Âu Lâu. Chỉ đạo ngành chuyên môn chú trọng nắm bắt, theo dõi tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn; tăng cường quản lý các khu, cụm công nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề nghị hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo quy định.
Hiện nay, thành phố xây dựng hoàn thiện Nghị quyết, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Yên Bái khóa XX về phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ. Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghiệp thành phố phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Phát triển công nghiệp bền vững và hiện đại cần một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến hạ tầng kỹ thuật.
Giải pháp phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ cho sản xuất công nghiệp cùng với những cơ chế hỗ trợ của tỉnh cũng như của thành phố chính là điều kiện tiên quyết để thu hút và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Qua đó khuyến khích, ưu đãi cho các dự án tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, phát triển bền vững và khai thác tốt tiềm năng, thúc đẩy công nghiệp của tỉnh và thành phố phát triển bền vững theo hướng hiện đại hóa trong giai đoạn hội nhập kinh tế.
Quang Hưng
Theo