(Xây dựng) - Đến năm 2030, tỉnh Yên Bái quy hoạch 25 cụm công nghiệp (CCN), đồng thời sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 3 CCN do không còn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế.
Cụm công nghiệp Minh Quân (Trấn Yên) đang hoạt động hiệu quả. |
Yên Bái hiện có 12 CCN đã được thành lập, trong đó, 10 CCN đang hoạt động, 2 CCN còn lại là Bảo Hưng và Minh Quân đang giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 54 dự án thứ cấp đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký hơn 3.700 tỷ đồng (42 dự án đã đi vào sản xuất); tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động; đạt tỷ lệ lấp đầy 55%. Tổng doanh thu các dự án đầu tư trong CCN ước đạt 775 tỷ đồng năm 2021 và nộp ngân sách khoảng 75,5 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án phát triển hệ thống CCN trên địa bàn xác định đến năm 2030, tỉnh Yên Bái quy hoạch 25 cụm công nghiệp (bao gồm các cụm đã thành lập, hoạt động ở giai đoạn trước) với tổng diện tích 1.288,21 ha.
Tỉnh cũng sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 3 CCN (CCN Đầm Hồng, CCN Bảo Hưng, CCN Tây Cầu Mậu A) do không còn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đô thị của tỉnh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục quy hoạch phát triển 6 CCN hiện đang hoạt động (CCN Thịnh Hưng, CCN Sơn Thịnh, CCN Báo Đáp, CCN Hưng Khánh, CCN Đông An, CCN Minh Quân). Điều chỉnh diện tích 3 CCN, cụ thể: CCN Âu Lâu điều chỉnh mở rộng từ 50ha lên 75ha, CCN Yên Thế điều chỉnh mở rộng từ 39,97ha lên 55ha, CCN Bắc Văn Yên điều chỉnh giảm từ 72ha xuống còn 55ha. Quy hoạch mới 16 CCN với tổng diện tích 842,4ha.
Các CCN này hầu hết định hướng thu hút đa ngành nghề, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phẩm, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghiệp hóa chất, sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Mai Thu
Theo