Thứ tư 15/01/2025 18:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Yên Bái: Hiệu quả từ phong trào xây dựng Nông thôn mới

16:58 | 13/06/2020

(Xây dựng) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm (2016 - 2020), xây dựng Nông thôn mới tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, liên tục của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

yen bai hieu qua tu phong trao xay dung nong thon moi
Phong trào xây dựng Nông thôn mới đã nhận được sự tham gia tích cực của người dân.

Những ngày này, có mặt tại các huyện Nông thôn mới của tỉnh Yên Bái, chúng tôi được nhiều người dân chia sẻ niềm vui, phấn khởi với diện mạo làng quê đã có nhiều thay đổi. Hệ thống trường học, công trình giao thông, trạm xá, nhà văn hóa… đã được đầu tư, xây dựng cùng phong trào xây dựng nông thôn mới. Đạt được kết quả này là do tỉnh đã quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.

Từ nguồn lực đầu tư giai đoạn 2016-2020 là trên 24.600 tỷ đồng, (trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 32%) cùng sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và người dân, sau 5 năm, tỉnh Yên Bái có thêm 70 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới lên 76 xã, chiếm trên 50% số xã của tỉnh, gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết, trong đó, có 3 xã Nông thôn mới kiểu mẫu, 11 xã Nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới và huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của 6 tỉnh khu vực Tây Bắc đạt chuẩn Nông thôn mới. Xây dựng Nông thôn mới là yếu tố góp phần để giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm); đưa thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm, gấp 2 lần so với năm 2015.

Qua chuyển đổi sản xuất từ xây dựng Nông thôn mới chính là nguyên nhân để cơ cấu nội ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bình quân tăng khá, nhiều diện tích canh tác cho thu nhập khá cao. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt đạt trên 65 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng/ha so với năm 2015, trong đó nhiều diện tích đạt từ 250 - 300 triệu đồng. Tỉnh đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: Vùng quế gần 78.000ha, măng tre Bát độ trên 6.600ha, Sơn tra gần 10.000ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000ha, ngô 15.000ha, cây ăn quả gần 10.000ha, chè 8.000ha (chè Shan trên 1.700ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật trên 3.500ha), dâu tằm gần 1.000ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000ha, đàn trâu, bò gần 130.000 con, vùng nuôi thủy sản trên 2.600ha và trên 2.000 lồng cá.

Phát triển, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ theo tiêu chuẩn OCOP là: Lúa nếp Tú Lệ, Sơn tra, chè Shan hữu cơ, gà đen, lợn bản địa, vịt bầu Lâm Thượng, quế hữu cơ, bưởi Đại Minh, cam sành, dược liệu. Xây dựng nông thôn mới cũng chính là nguyên nhân quan trọng góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, hằng năm toàn tỉnh trồng trên 15.000ha rừng các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 62% năm 2015, lên 63% năm 2020, xếp thứ tư cả nước.

Những kết quả đạt được là hết sức to lớn, tuy nhiên, do Yên Bái là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn; kết cấu cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thu nhập của người dân còn thấp, nguồn lực đầu tư để xây dựng Nông thôn mới lại rất lớn. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch lớn, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân... Bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2020 - 2025, dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần lần thứ XIX đề ra mục tiêu phấn đấu: Trên 78% tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó 10% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; công nhận 2 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (huyện Văn Yên và Yên Bình), thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành xây dựng Nông thôn mới;

Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng huyện Nông thôn mới Trấn Yên và 76 xã đã đạt chuẩn. Để đạt mục tiêu Nghị quyết, do đó xây dựng Nông thôn mới vẫn phải tiếp tục ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Theo đó, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Nông thôn mới, trong đó, chú trọng đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang mạng xã hội, nhằm triển khai sâu rộng và thiết thực Chương trình.

Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện, xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, sản phẩm chủ lực trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững. Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, việc khen thưởng, động viên phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, các điển hình tiên tiến được phát hiện, tôn vinh, động viên ngay từ ở cơ sở để nhân rộng, để phong trào thi đua lan tỏa đến mỗi địa phương và mọi người dân.

Thái Hà

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load