(Xây dựng) - Chiều 8/1, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Quang cảnh Hội nghị. |
Trong năm qua, với sự nỗ lực cao độ, đến nay, các chỉ tiêu Thành phố và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao của 2 đơn vị đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, Thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 3 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức) được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Còn 2 huyện: Đông Anh, Thanh Oai phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào quý I/2025.
Về kết quả xây dựng xã nông thông mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, toàn Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 191 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đề ra đến hết năm 2025). Hiện nay, Thành phố tiếp tục thẩm định thêm 44 xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 29 xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để quyết định công nhận trong năm 2024. Như vậy, dự kiến toàn Thành phố có khoảng 235/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 113 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội được đánh giá đi đầu cả nước về việc triển khai hiệu quả chương trình OCOP. Lũy kế từ 2019 đến nay, Thành phố đã đánh giá được 3.317 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao, vượt mục tiêu Chương trình đề ra trước 1 năm (mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có 2.000 sản phẩm OCOP). Riêng năm 2024, toàn Thành phố đã đánh giá phân hạng 606 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 98 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 498 sản phẩm 3 sao, vượt 151% so với kế hoạch năm 2024 là 400 sản phẩm.
Với lĩnh vực phát triển nông thôn, Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề. Đến nay, Thành phố công nhận được 337 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc 26 quận, huyện, thị xã. Năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao tham mưu xây dựng đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt. Khi Đề án được phê duyệt và triển khai sẽ giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong bảo tồn, phát triển làng nghề hiện nay.
Điểm nổi bật, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố triển khai phối hợp, trình Hội đồng Thủ công Thế giới công nhận 2 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề tơ lụa Vạn Phúc của thành phố Hà Nội là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới. Đây là 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Thủ công thế giới phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới.
Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cũng luôn khuyến khích, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi liên kết; đề xuất Thành phố có thêm chính sách hỗ trợ phù hợp thực tế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 172 chuỗi đang hoạt động tốt.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Hoa đánh giá cao những kết quả mà Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đạt được. Đồng thời nhất trí cao với các nhiệm vụ, giải pháp của cả 2 đơn vị trong năm năm 2025.
Về nhiệm vụ năm 2025, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị 2 đơn vị thực hiện tốt phương châm "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả), đồng thời không bỏ sót, chồng chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biện tập trung thực hiện có hiệu quả trong thực hiện tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng giao nhiệm vụ cho 2 đơn vị hoàn thành sứ mệnh xây dựng nông thôn mới, phát triển nông thôn, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xứng đáng với vị trí là Thủ đô của cả nước.
Tại Hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biểu dương, khen thưởng.
Hưng Thịnh
Theo