(Xây dựng) – Dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của Tập đoàn Alphanam có tổng mức đầu tư lên tới gần 5 nghìn tỷ đồng đang chậm tiến độ nhiều năm so với quyết định chủ trương đầu tư. Các ngành chức năng tỉnh Yên Bái cần xem xét về khả năng thu hồi, bởi dự án hiện vẫn “án binh bất động” và chưa có dấu hiệu triển khai xây dựng.
Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà (Yên Bái) có diện tích khoảng 53.000ha (ảnh: T/L). |
Dự án nghìn tỷ mang tầm cỡ quốc tế lại chậm tiến độ
Theo tìm hiểu được biết, năm 2019, tỉnh Yên Bái đã thu hút được 2 tập đoàn lớn đầu tư vào phát triển du lịch với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 7.700 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà (công ty thành viên của Tập đoàn Alphanam) cam kết đầu tư Dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà với tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng, quy mô hơn 2.594ha. Dự án bao gồm các hạng mục chính như khu resort nghỉ dưỡng; tổ hợp thương mại dịch vụ; khu khách sạn; khu vui chơi giải trí, thể thao; khu công viên, làng văn hóa...
Trước đó, tháng 8/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn Alphanam do ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch HĐQT làm Trưởng đoàn để nghe Tập đoàn này báo cáo ý tưởng về Dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà. Tập đoàn Alphanam cũng mời đại diện các đơn vị tư vấn đến từ Singapore và Hà Lan khảo sát và trình bày ý tưởng về Dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà trên cơ sở mô hình khu du lịch ở vùng hồ Thiên Đảo của Trung Quốc và hồ Como ở Ý bởi những nét tương đồng với trên 1.000 hòn đảo lớn nhỏ và thắng cảnh mang nét tự nhiên, hoang sơ, kỳ vĩ. Theo đó, vùng hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái trong tương lai sẽ trở thành một điểm đến mang tầm quốc tế với quần thể các hạng mục, hoạt động hấp dẫn như: du thuyền, cáp treo, khu nghỉ dưỡng với hệ thống nhà hàng, khách sạn, resort, công viên, thế giới nước, trung tâm mua sắm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, xây dựng làng văn hóa và phát triển hệ thống đô thị.
Phía nhà đầu tư cũng dự kiến, trong tương lai, dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương và giúp tỉnh Yên Bái thu hút khoảng 2 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế mỗi năm.
Ngày 26/3/2019, UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định chủ trương đầu tư số 502/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà.
Cũng theo hồ sơ tài liệu tìm hiểu được biết, dự án có tổng diện tích đất sử dụng hơn 2.594ha chia làm 4 khu: Khu số I gồm Khu resort nghỉ dưỡng (biệt thự cao cấp, khuôn viên cây xanh cảnh quan, khu vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống và các dịch vụ đi kèm) và hạng mục phụ trợ. Khu số II gồm các hạng mục: Ga cáp treo; chợ dân sinh, siêu thị; tổ hợp thương mại dịch vụ; khu vực lưu trú bao gồm khách sạn phố; khu resort nghỉ dưỡng cao cấp, chỉnh trang làng xóm hiện trạng và các hạng mục phụ trợ. Khu số III gồm các hạng mục: Tổ hợp thương mại dịch vụ; khu resort nghỉ dưỡng cao cấp và các hạng mục phụ trợ. Khu số IV gồm khu resort nghỉ dưỡng cao cấp và các hạng mục phụ trợ. Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Đại Đồng, Thịnh Hưng, Hán Đà, thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 4.979.579 triệu đồng. Trong đó vốn tự có trên 746.936,85 triệu đồng, còn lại hơn 4.232.642,15 triệu đồng là vốn vay các tổ chức tín dụng. Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án là 12 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, giai đoạn 1 (Khu số II) hoàn thành năm 2021, giai đoạn 2 (Khu số I) hoàn thành năm 2022 – 2024.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái, dự án mới được UBND huyện Yên Bình phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án đầu tư xây dựng công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ (giai đoạn 1) 199ha vào ngày 09/06/2019. Hiện nay, Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án đầu tư xây dựng công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà (giai đoạn 2, 3, 4) đang được Công ty Cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà phối hợp với đơn vị tư vấn chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình UBND huyện Yên Bình phê duyệt. Chủ đầu tư đang phối hợp với UBND huyện Yên Bình để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư.
Nên chăng xem xét thu hồi?
Khảo sát thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, sau hơn 3 năm được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, dự án nghìn tỷ của Tập đoàn Alphanam vẫn chưa được triển khai xây dựng bất kỳ hạng mục nào, chậm rất nhiều so với tiến độ tỉnh Yên Bái giao.
Có ý kiến cho rằng, trong số các nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, trước hết là do chủ đầu tư. Ngay sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, chủ đầu tư chưa bắt tay vào thực hiện ngay. Đến khi bắt đầu triển khai thì gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đối với diện tích 630,79ha của giai đoạn 1, huyện Yên Bình đã thực hiện xong việc kiểm kê về đất đai, tài sản, vật kiến trúc và cây cối hoa màu trên đất cho 69 hộ gia đình, cá nhân nằm trong phạm vi thu hồi đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do đa số các hộ chưa đồng thuận với phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư nên công tác thu hồi đất, giải phòng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Không chỉ vậy, dự án còn phải đối mặt với trở ngại rất lớn về cơ chế, chính sách. Cụ thể, dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư năm 2019. Thời điểm đó, đối với dạng dự án công viên văn hóa như đã nêu, nhà đầu tư có thể xin chủ trương để UBND tỉnh phê duyệt và giao đất cho nhà đầu tư. Nhưng ngày 18/12/2020, Nghị định số 148/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai được ban hành (cụ thể là điều 14b), cùng với Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, thì những dự án có đất là đất ở, đất thương mại dịch vụ bắt buộc phải lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu, đấu giá chứ không chấp thuận cho nhà đầu tư nữa.
Hiện UBND tỉnh Yên Bái đang rà soát, nghiên cứu, xem xét và có thể sẽ điều chỉnh chủ trương này. Với thực trạng tiến độ chậm trễ như hiện nay, dự án của Tập đoàn Alphanam không nằm ngoài nguy cơ bị thu hồi, để lựa chọn lại nhà đầu tư.
Mai Thu – Đặng Ngân
Theo