(Xây dựng) - Mùa Xuân biên giới - không biết từ bao giờ cụm từ ấy đã ăn sâu vào tâm thức tôi, để mỗi lần Xuân đến bước chân tôi lại nôn nao, trái tim tôi lại bồi hồi mong ngóng được trở lại miền biên ải. Nơi ấy, tôi được gặp lại những người lính mang quân hàm xanh lặng lẽ thực hiện những nhiệm vụ phi thường trong dáng vẻ hết sức bình thường. Từ nơi ấy, tôi có thể trở lại Thoọng Pẹ gặp gỡ những người bạn Lào chân chất, hiền hòa. Cũng từ nơi ấy, 2 từ biên giới trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết trong trái tim tôi.
Tôi trở lại vùng biên ải trong một buổi sáng mưa giăng trắng núi. Mưa xóa nhòa ranh giới giữa vực sâu và đỉnh núi. Những hiểm trở của quãng đường lên biên giới như càng tăng thêm một bậc. Tuy vậy, chúng tôi luôn được trấn an bởi cậu lính biên phòng do Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh - đại tá Võ Trọng Hải giao trách nhiệm dẫn đường cho đoàn. Cậu tên là Phạm Ngọc Khang, đeo lon trung uý, quân phục nghiêm trang. Dù mới gặp lần đầu nhưng tôi nom cậu có gì đó rất thân quen. Và cũng từ đây, tôi gọi cậu là “cư dân biên ải”.
- Chị lên đây mấy lần rồi chị? - Đang căng mắt nhìn đường thì “cư dân biên ải” cất tiếng hỏi như để xua tan không khí căng thẳng trong xe!
- Lần thứ 2 em à!
- Dạ! - Cậu khẽ trả lời ngắn gọn như thầm muốn nói, thảo nào căng thẳng là phải. Tôi trộm nghĩ thế.
Cửa khẩu Cầu Treo một ngày Xuân chưa tới, đông dùng dằng chưa đi bao phủ trong màn mưa thâm u. Mưa mù che khuất vẻ hùng vĩ, hiểm trở vốn có, thay vào đó lại khoác lên một dáng vẻ huyền hoặc, kỳ bí cho dãy Giăng Màn. Tôi nhìn sâu vào trong lớp màu xám trắng ấy và tự hỏi, trong thung sâu đất trời miền biên ải, Giăng Màn và những dòng sông trôi về 2 nước Việt - Lào đã khắc dấu trong nó bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu dáng hình người lính biên phòng Việt Nam? Sông núi không trả lời câu hỏi của tôi, tôi chỉ cảm nhận được rất rõ, trên mỗi hồn cây, vách đá, trong mạch nguồn bền sâu của từng con nước đều nhuốm quyện những chiến công thầm lặng của các anh.
- Thủ tục xong rồi, ta lên đường thôi chị ơi!
“Cư dân biên ải” không nói bằng sắc thái của người lính. Giọng cậu nhẹ như mây. Tôi quay lại khẽ mỉm cười rồi theo sau cậu ra xe để sang đất nước Lào thơ mộng.
- Sang bên kia là mùa hè đó chị.
- Ừ - Tôi trả lời cậu rồi lặng lẽ ngắm những vạt lau bạc trắng bên bờ sông Nậm Tuồng. Thi thoảng bên vệ đường lại điểm xuyết những bụi dã quỳ vàng rực như thể chúng tôi đang đi trên miền Tây Nguyên Việt Nam vậy.
Sau quãng đường chừng 15km, “cư dân biên ải” ra hiệu cho xe dừng lại và dẫn chúng tôi tới đỉnh Keo Nưa rồi chỉ cho chúng tôi nhìn xuống bản của người Mông huyện Căm Cớt, tỉnh Bô-ly-khăm-xay. Từ đỉnh Keo Nưa nhìn xuống, Thoọng Pẹ chỉ như chiếc lá rừng nhỏ bé nằm nép mình bên dòng sông Nậm Pao. Trong ánh nắng vàng như đóa dã quỳ mới nở, khung cảnh như càng sáng rõ tựa bức tranh ngày Thoọng Pẹ được bộ đội biên phòng Việt Nam khai sáng.
Trong không gian im ắng trên đường vào bản, tưởng như chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng rì rầm của dòng sông, của lau lách. Nậm Pao đã cho bà con người Mông, người Lào ở Thoọng Pẹ nguồn nước mát, nhưng cũng chính dòng Nậm Pao hùng vĩ đã phải chứng kiến bao nhiêu hệ lụy do nàng tiên anh túc gây ra. Và cũng chính Nậm Pao đã khắc tạc trong mình bóng dáng những ân nhân quân hàm xanh đem lúa, đem gừng về thay cây anh túc, đem y, bác sỹ, đem thuốc về chữa bệnh thay con ma rừng.
Trưởng bản Soong Zở nhìn khắp lượt chúng tôi rồi cứ ngóng ra xe như đợi chờ điều gì đó.
- Ông ấy ngóng đại tá Võ Trọng Hải đó. Lần nào có đoàn đến Thoọng Pẹ, ông ấy cũng mong có “bộ đội Hải” (cách người Thoọng Pẹ gọi đại tá Võ Trọng Hải từ thuở anh gắn bó với dân bản - PV) - “Cư dân biên ải” nói.
- Bộ đội Hải đến ở đây lúc tóc tôi còn xanh như cái lá rừng mà nay tóc tôi đã trắng như bông lau rồi - Trưởng bản Soong Zở vừa nói vừa đưa tay lên vuốt mái tóc của mình.
Hơn 2 thập kỷ nếm mật, nằm gai, ngủ rừng, tắm suối, gắn bó mật thiết với đồng bào hai bên biên giới, trải qua nhiều vị trí công tác, từ chiến sĩ của Đồn Biên phòng 563 lên trạm trưởng, đồn trưởng và nay anh giữ cương vị Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đại tá Võ Trọng Hải đã trở thành một cư dân của bản Thoọng Pẹ. Từ chỗ bị dân bản kỳ thị, bằng sự kiên trì, bằng tấm lòng nhân hậu, bao dung, đại tá Võ Trọng Hải đã chiếm được cảm tình của bà con dân bản, được cả bản coi như một ân nhân lớn, đã làm thay đổi nhận thức, thay đổi cuộc đời của họ.
Trạm y tế quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ - nơi chúng tôi đang đứng chính là “tác phẩm” của đại tá Võ Trọng Hải. Chứng kiến cảnh người dân Thoọng Pẹ cơ cực trong bệnh tật và những hủ tục lạc hậu. Chứng kiến cảnh mỗi lần trong bản có người bệnh nặng, trưởng bản lại cho người sang báo với Trạm Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo xin giúp đỡ và quân y của đồn phải vượt hàng chục cây số để sang khám chữa bệnh cho nhân dân nước bạn rồi lại vượt chừng ấy đường đất quay về. Năm 2007, đại tá Võ Trọng Hải khi ấy là đồn trưởng đồn biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo đã tiếp nối ý nguyện của người tiền nhiệm, huy động các nguồn lực xây dựng trạm y tế quân dân y kết hợp ở bản Thoọng Pẹ. Cuối năm 2007, Trạm y tế Thoọng Pẹ khánh thành trong niềm vui chung của quân dân hai miền biên giới và trở thành trạm quân y duy nhất của ta xây trên nước bạn hiện nay.
Trạm đã qua nhiều thế hệ cán bộ và hiện nay chỉ có 2 người là đại úy, bác sĩ Nguyễn Việt Đức và thượng úy, y sĩ Nguyễn Văn Ân phụ trách nhưng mỗi ngày các anh phải tư vấn và khám bệnh cho hàng chục người. Không chỉ có thế, mỗi lần có ca bệnh nặng là bộ đội biên phòng lại cử người hộ tống đưa bệnh nhân lên tuyến trên.
Trạm trưởng Nguyễn Việt Đức cho hay: Trạm y tế giờ đã được trang cấp thiết bị hiện đại, đủ để chúng tôi có thể phát hiện những bệnh nặng cho bệnh nhân để kịp thời chuyển lên tuyến trên. Đợt trước có 1 bệnh nhân 12 tuổi người Mông đến trạm khám với 1 cái bụng phình lên rất to. Tôi đã siêu âm và phát hiện một khối u lớn trong ổ bụng. Sau đó chúng tôi chuyển cháu vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, các bác sỹ đã cắt bỏ cho cháu khối u nặng hơn 7 kg.
Không đao to búa lớn, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng Việt Nam đã thu phục người dân bằng chính những việc làm thầm lặng của mình. Nếu như ngày trước, các y bác sĩ phải đến nhà từng người bệnh để vận động họ chữa bệnh bằng phương pháp y học thì nay người bệnh tự tìm đến trạm. Những hoài nghi về việc bộ đội có thể đuổi được con ma núi, ma rừng ra khỏi người của bà con dân bản đã được thay thế bằng niềm tin tuyệt đối. Hơn thế nữa, không chỉ có dân bản địa mà cả cư dân ở Na Pê, Lạc Xao cũng đến đây để được chữa bệnh. Trong quá trình hoạt động, Trạm y tế Thoọng Pẹ còn phối hợp chặt chẽ với Trạm xá Noọng Ó, thường xuyên làm việc, trao đổi chuyên môn với Phòng Y tế huyện Căm Cợt, tỉnh Bô-ly-khăm-xay về công tác vệ sinh phòng dịch, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và kinh nghiệm chữa bệnh cho nhân dân.
- Việc chữa bệnh bằng cách nhờ thầy mo “đuổi ma, trừ tà” đã không còn được dân bản sử dụng nữa. Chính các thầy mo Cà Lùng, Sùng Bá Dùng, Gơ Lung Xinh… cũng đã được cứu sống bằng thuốc của bộ đội. Họ lần lượt vứt áo thầy cúng và đi khắp bản loan tin rằng, thuốc của bộ đội đuổi con bệnh chạy nhanh lắm, nhanh như con nai, con sóc trong rừng - Trưởng bản Soong Zở vui mừng nói.
Từ trên đỉnh núi cao nhất nơi trạm y tế toạ lạc, tôi đưa mắt nhìn ra xung quanh “chiếc lá rừng Thoọng Pẹ” mà chúng tôi nhìn thấy từ đỉnh Keo Nưa là một bức tranh rộng lớn với nhiều mảng màu. Xa kia, những đồng lúa mới gặt còn trơ gốc rạ ánh lên màu sáng bạc, còn những mảng màu xanh kia chính là những vạt gừng, dó trầm - loài cây mà bộ đội biên phòng Việt Nam đã dày công nghiên cứu đưa về đây để trồng thay cây thuốc phiện năm nào giờ đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của dân bản.
Cùng với chữa bệnh cho người dân, việc giúp nhân dân hai bên biên giới phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, cũng là nhiệm vụ mà người chiến sỹ biên phòng Võ Trọng Hải trăn trở. Lăn lộn, gắn bó với dân bản nên đại tá Võ Trọng Hải hiểu hết căn nguyên của nghèo đói và dễ dàng hơn trong cách tìm đường thoát nghèo cho dân bản. Từ một bản nghèo đói, cái ăn, cái mặc luôn thiếu thốn, đến nay, Thoọng Pẹ đã thực sự đổi đời. Bà con có kinh nghiệm trồng lúa nước, biết làm kinh tế. Nhiều hộ gia đình sắm được ôtô, xe máy, trang thiết bị sinh hoạt trong nhà. Đặc biệt gần đây, Thoọng Pẹ đã có 9 trang trại với 5 chủ trang trại nuôi từ 8 - 12 con trâu bò, một số trang trại mỗi năm thu hoạch 5 - 7 tấn rau cải, ngô bắp, cà pháo và gừng. Một số cá nhân, từ sự hỗ trợ ban đầu của bộ đội biên phòng Việt Nam đã biết gây dựng ngày càng lớn và trở thành triệu phú chân đất như Và Lúa Chả, Và Nhia Thái…
- Kia là đường bê tông dài 600m phục vụ cho 322 hộ dân ở đây do Bộ đội biên phòng Việt Nam hỗ trợ xây dựng. Có đường này, học sinh tiểu học sẽ không phải lội bùn đến trường trong mùa mưa nữa - Trưởng bản Soong Zở vừa cười rạng rỡ vừa chỉ cho chúng tôi con đường mới hoàn thành còn dậy mùi xi măng phía trước trạm y tế.
Làm thay đổi đời sống người dân Thoọng Pẹ là một trong những dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ của Võ Trọng Hải, tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới mới là nhiệm vụ thường trực và xuyên suốt nhất. Suốt những năm tháng làm nhiệm vụ ở Cầu Treo và cả hiện nay khi đã là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, đại tá Võ Trọng Hải và đồng đội của ông còn luôn phải đối mặt với hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, chống phá cách mạng Lào và Việt Nam. Trên tuyến biên giới, tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép các chất ma túy, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới liên tục diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh… Song bất chấp hiểm nguy đến tính mạng, bất chấp gian khổ, hy sinh, những chiến công vang dội vẫn luôn ghi danh các anh, đặc biệt là “khắc tinh của tội phạm vùng biên” Võ Trọng Hải. Ở khắp vùng biên giới Việt - Lào, nhắc đến đại tá Võ Trọng Hải, người ta nhớ ngay đến những chuyên án ma túy có quy mô lớn như chuyên án 563S bắt 3 đối tượng người Lào thu 20 bánh heroin, chuyên án 998M bắt 5 đối tượng, thu 7kg heroin, 5 viên hồng phiến, rồi chuyên án 412-LV bắt Phu Viêng ở Luông Pha Băng - Lào thu đến 9 bánh heroin, 30 nghìn viên ma túy tổng hợp, chuyên án 432.LV bắt giữ tên trùm ma túy Xiêng Phênh cùng tang vật là 39 bánh heroin và gần một tấn cần sa…
- Trong những chiến công của Bộ đội biên phòng Việt Nam cũng ghi dấu mối tình Việt - Lào keo sơn chị à. Lực lượng công an tỉnh Bô-ly-khăm-xay luôn hỗ trợ Bộ đội biên phòng Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ - “Người biên ải” cất lời cắt luồng suy nghĩ của tôi.
- Vậy à, có cách nào để gặp được giám đốc Công an tỉnh Bô-ly-khăm-xay không em?
- Chị cứ theo em! - “cư dân biên ải” nói với giọng chắc nịch.
Sau một cuộc điện thoại, chúng tôi đã dễ dàng tiếp cận được Tiến sĩ, Đại tá Thoong đeng Khăm Phi Thun - Giám đốc Công an tỉnh. Khi chúng tôi nhắc đến những vụ án buôn bán ma tuý, thuốc nổ qua biên giới, gương mặt đại tá bỗng trầm ngâm và nói với chúng tôi bằng tiếng Việt:
- Tội phạm vùng biên giới luôn là một vấn nạn đối với cả lực lượng công an Bô-ly-khăm-xay lẫn Bộ đội biên phòng 2 nước, nhất là trong dịp gần Tết cổ truyền Việt Nam như thế này. Với chức trách, nhiệm vụ của mình, trên cơ sở mối quan hệ truyền thống giữa 2 nước, chúng tôi luôn phối hợp và hỗ trợ hết mình cho Bộ đội biên phòng Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Được biết, không chỉ giúp Bộ đội biên phòng Việt Nam phòng chống tội phạm, phá những chuyên án lớn, lực lượng an ninh Bô-ly-khăm-xay còn hỗ trợ trong các hoạt động xã hội, giao lưu văn hoá giữa hai bên.
Rời trụ sở Công an tỉnh Bô-ly-khăm-xay, chúng tôi trở về trên con đường 8A quen thuộc. Những chuyến xe chở hàng hóa tất bật theo thương lái ngược xuôi đi về hai nước trong bình yên. Tết Nguyên đán đang đến thật gần, mùa Xuân biên giới đang về thật chậm trên những nụ mầm vừa mở, trong những thầm lặng hy sinh của người chiến sỹ quân hàm xanh. Từ đâu đó, trong không gian, mùi hương trầm ấm áp dâng lên cứ luấn quấn, níu kéo bước chân về xuôi của chúng tôi..
Tuyết Mây
Theo