Thứ bảy 27/04/2024 08:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng: Mức phạt tối đa đến 1 tỷ đồng

15:37 | 03/08/2021

(Xây dựng) – Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, nội dung dự thảo quy định một số điểm mới về mức phạt tiền trong kinh doanh bất động sản, biện pháp khắc phục hậu quả, xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn…

xu phat vi pham hanh chinh trong linh vuc xay dung muc phat toi da den 1 ty dong
Theo khoản 3, Điều 60 Dự thảo quy định thì chủ đầu tư có thể bị phạt tiền từ 400.000.000 - 600.000.000 đồng đối với hành vi triển khai xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Ảnh: Lê Quân – TN).

Tăng mức phạt từ 300 triệu lên 1 tỷ đồng

Theo đó, nội dung của Chương I quy định những vấn đề chung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt tiền tối đa, thời hiệu xử phạt, đã tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ 300 triệu lên đến 1 tỷ đồng (Điều 3) cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

Nội dung của Chương II quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng, các hành vi được rà soát, đảm bảo phù hợp với các quy định mới của Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi năm 2020, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định 10/2021/NĐ-CP, Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng,…

Dự thảo bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công xây dựng công trình đối với các hành vi vi phạm về khởi công; bổ sung xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn; bổ sung trường hợp xây dựng công trình không đúng thiết kế được thẩm định, phê duyệt mà đang thi công thì thực hiện thủ tục xin điều chỉnh thiết kế trong vòng 90 ngày…

Nội dung Chương IV quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, được rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, Nghị định 79/2009/NĐ-CP, Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP…

Dự thảo bổ sung một số hành vi như: thiết kế xây lắp, bảo trì, sử dụng và kiểm tra các thiết bị của khách hàng sử dụng nước được đấu nối vào mạng lưới cấp nước không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; không thông báo kịp thời cho các khách hàng sử dụng nước có biện pháp dự trữ nước trong thời gian khôi phục dịch vụ cấp nước; không thực hiện các biện pháp cấp nước tạm thời hoặc biện pháp cấp nước tạm thời không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian khắc phục sự cố; không xử lý hoặc xử lý nước thải trong nghĩa trang không đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định; không tổ chức gom, vận chuyển, xử lý không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất thải…

Quy định về phòng chống rửa tiền

Nội dung Chương V về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà, được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Đầu tư 2020, Luật Nhà ở 2020, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP, Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai…

Dự thảo đã tăng mức phạt tiền lên đến 800.000.000 đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản như: chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định; bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; huy động/chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết…

Bổ sung quy định về phòng, chống rửa tiền; không có/chậm có văn bản đề nghị UBND cấp xã tổ chức hội nghị nhà chung cư khi đã tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng không đủ số người tham dự theo quy định; không lập tài khoản để nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung do chủ đầu tư bàn giao; gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định; chậm/không có văn bản đề nghị chủ đầu tư chuyển giao kinh phí bảo trì theo quy định; nhận bàn giao kinh phí bảo trì sở hữu chung nhà chung cư khi chưa quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định…

Dự thảo Nghị định đã kế thừa những quy định tích cực của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP; bổ sung những quy định mới phù hợp Luật Xử lý vi phạm hành chính và hệ thống pháp luật chuyên ngành Xây dựng; sửa đổi, bổ sung một số quy định để kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load