(Xây dựng) - Theo Bộ Công Thương, từ ngày 31/1 đến ngày 11/2/2020, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 3.828 vụ việc vi phạm trên cả nước tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc kinh doanh mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng thiết bị y tế tại Hà Nội (Ảnh: Đức Duy). |
Nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn đang tiếp tục tăng cao. Theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá theo quy định. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế.
Tại Hà Nội, hiện tượng khan hiếm khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn diễn ra tại nhiều nơi. Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình địa bàn, bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, lợi dụng dịch bệnh tăng giá bất hợp lý và kinh doanh sản phẩm không bảo đảm chất lượng.
Cụ thể, ngay trong ngày 11/2, Đội quản lý thị trường số 1 đã thu giữ 145.000 khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ. Ngày 10/2, Đội quản lý thị trường số 13 cũng tạm giữ 30.000 chiếc khẩu trang.
Tại Lạng Sơn, ngày 10/2, Đội quản lý thị trường số 7 phối hợp với đồn Công an Tân Thanh, Công an huyện Văn Lãng, đồn Biên phòng Tân Thanh kiểm tra xe ôtô tải biển kiểm soát 29H-121.06 tại khu tái định cư thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn do ông Lê Bằng Giang, sinh năm 27/9/1991; địa chỉ thường trú tại thôn Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam điều khiển phương tiện. Qua kiểm tra hàng hóa trên xe phát hiện có 119.000 chiếc khẩu trang không có hóa đơn chứng từ, trong đó: 103.000 chiếc khẩu trang không có nhãn hàng hóa; 7.500 chiếc khẩu trang y tế 3 lớp nhãn hiệu HAPHA; 4.500 chiếc khẩu trang y tế nhãn hiệu FACEMASK; 4.300 chiếc khẩu trang nhãn hiệu MASK; trị giá số hàng hóa trên khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, Đội Quản lý thị trường số 7 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, phương tiện, tiến hành lấy mẫu hàng hóa để kiểm nghiệm, xác minh, xử lý theo quy định.
Tại Nghệ An, mặt hàng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn vẫn trong tình trạng khan hiếm do nguồn cung hạn chế, số lượng người mua tăng cao. Các loại hàng hóa khác giá cả vẫn giữ ổn định, không có biến động bất thường. Tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng tiếp tục diễn ra ở Bình Định. Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, các đội quản lý thị trường còn thực hiện phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nắm bắt, thực hiện; đồng thời vận động cơ sở thực hiện ký cam kết với nội dung “Niêm yết giá đầy đủ; bán đúng giá niêm yết và hàng hóa phải đầy đủ chứng từ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng; không găm hàng, đầu cơ, tích trữ, không tăng giá bán bất hợp lý”.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, do nguồn cung hạn chế nên nhiều nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế phòng dịch trên địa bàn chưa có khẩu trang, nước sát trùng để bán. Các Đội quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát và phối hợp lực lượng chức năng phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp trên địa bàn thành phố.
Trước tình hình dịch bệnh virus Corona diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã gửi văn bản liên hệ với các nhà sản xuất khẩu trang y tế tăng cường sản xuất, chỉ đạo hệ thống thương vụ tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang và hiện đã gửi thông tin tới 50 nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế trên thế giới để tăng nguồn cung ứng.
Lê Mai
Theo