(Xây dựng) - Chạng vạng, ra đứng đầu ngõ ngôi nhà cũ để ngóng một người..., lòng bỗng thấy nao nao khi nghe ca khúc quen thuộc từ căn nhà hàng xóm. Một điệu bolero buồn gợi nhớ bao kỷ niệm về một thời son trẻ, thời có một người lặng lẽ sống trong căn nhà u tịch ven sông với vườn cây râm mát, với những người hàng xóm thân thiện dễ mến, nghe chiều chầm chậm trôi đi trong tiếng mái chèo êm ả khua nhẹ bên dòng Châu Giang và hướng về bãi bồi bên sông ngóng một người để đợi chờ, để thương, để nhớ.
“Thời gian trôi đi nhanh quá, tiếng yêu tôi chưa kịp xếp vần...” .
Tôi đã về nơi khác trú ngụ, đêm đêm, nghe tiếng còi tàu hối hả rời ga, nghe tiếng xe chạy ồn ào, tiếng rao hàng rộn rã... vẫn lắng đọng đâu đây từng hồi chuông nhà thờ thánh thót, ngân nga, loang trên mặt sông cùng tiếng sóng vỗ long bong bên mạn thuyền. Nhớ những buổi trưa mọi người ra sông giặt giũ, nhớ mùa nhãn chín, dơi bay từng đàn trong đêm, nhớ tiếng chim hót ríu ran mỗi sớm ban mai rạng rỡ... Thèm lắm một ngày nước rút, cùng lũ bạn đi mò trai, bắt hến chỉ để thỏa sức lội nghịch. Giờ chỉ mong một ngày bình yên ngồi dưới tán cây câu cá bên sông để thả hồn với mây trời, sông nước. Có bao giờ còn trở lại, ngày xưa ơi!
Ngày xưa đó, xóm Bãi của tôi nằm bên con sông Châu với những ngôi nhà mái tranh được lợp ngay ngắn và cắt tỉa gọn gàng như những cây nấm mọc bên rìa đê, loáng thoáng những ngôi nhà ngói đỏ thấp lè tè, lúp xúp giữa những lùm cây xanh ngắt. Vài chục nóc nhà nằm trên triền bãi ven sông, giáp bờ đê với vài chục nhân khẩu, tạo thành xóm nhỏ. Xóm chi mà toàn người nghèo! Nghèo cũng phải thôi vì họ là dân ngụ cư chứ đâu phải đất ông cha trong làng. Ngày giáp hạt, tháng ba ngày tám, nhà nọ vác rá sang nhà kia vay vài ống gạo rồi chờ đi câu bống, đánh rọ tôm có cái mà trả nợ. Những người ở đó lâu năm thì đã quá già, con cái đi xa hết, chỉ còn những cụ ông, cụ bà đầu tóc bạc phơ với khu vườn rộng mênh mang đầy nắng và gió. Nghèo đó mà vui vì họ sẵn sàng chia sẻ cho nhau bơ gạo cuối cùng mà không hề lăn tăn nghĩ ngợi. Nghèo đó nhưng ít cãi chửi nhau hay trộm cắp. Chiều chiều, trên mái bếp rạ, khói vờn bay theo mùi tôm, cá, thơm lừng mà thấy ấm lòng. Vườn rộng, đất phù sa nên cây cối, hoa trái nhiều. Nhiều nhất là chuối ngự, thân gầy guộc, quả bé xíu nhưng ngon không kém gì chuối ngự Đại Hoàng, anh em tôi có thể vặt từng quả chín trong buồng chuối bà treo lơ lửng trong bếp mà ăn, đánh bay cả buồng chỉ trong chốc lát. Mùa nào thức ấy, nhãn, vải, ổi, nhót trĩu cành, hấp dẫn, mời gọi.
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, những nghèo khó cùng với thời gian khắc thêm những nếp nhăn trên khuôn mặt người già. Bọn trẻ con thì cứ vô tư mà lớn. Buổi sáng, chúng tôi lót dạ bằng vài củ từ gai hay khúc sắn tàu đào ở vườn nhà, nhiều khi còn vác cái bụng đói meo, lép kẹp đi học. Chiều về, thằng Tuân, thằng Đính, thằng Ngôn, cái Thủy, cái Nga vẫn đi chăn trâu, cắt cỏ, lũ con trai, con gái vẫn nhảy cầu, bơi sông thuần thục hệt lũ nhái bén.
Xóm có ngôi đền Cây Xanh nằm giáp bờ sông. Tôi cứ thắc mắc về cái tên của nó. Chắc người ta gọi là đền Cây Xanh vì ngôi đền nằm trên khu đất rộng trồng toàn nhãn xanh tốt bốn mùa. Mảnh đất rộng dưới tán nhãn từng là sân chơi của bọn trẻ con trong xóm. Hồi chiều, đi học về, chúng tôi thường mang chổi rễ ra quét lá về đun. Cái mùi lá nhãn thơm thơm, đôi khi còn hăng xì mùi con bọ xít khô bị đốt cháy cứ ám ảnh tôi những năm nghèo đói. Sau này, nghe kể, chúng tôi mới được biết đó là nơi an nghỉ của hơn sáu mươi chiến sỹ hi sinh trong một trận chiến đấu với giặc Pháp. Khu đền được tôn tạo, sửa chữa, có khu thờ riêng nghiêm cẩn, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh năm 1947, chúng tôi ít đến đó nô đùa hơn. Dưới chân ngôi đền đó, giáp bờ sông, nhà ngoại cảm và gia đình đã tìm được hài cốt của một liệt sĩ. Lạ thay, qua bao nhiêu tháng năm, qua bao mùa mưa lũ mà hài cốt vẫn còn đó, chỉ cách mặt đất sông chưa đầy một mét. Những câu chuyện có thật, ly kỳ về việc tìm hài cốt liệt sỹ càng làm cho ngôi đền linh thiêng hơn...
Bẵng đi một thời gian, nay tôi mới trở lại xóm cũ. Bên con sông xưa, xóm làng thay da đổi thịt. Những ngôi nhà bé xíu ngày xưa được lột xác thành những ngôi nhà cao tầng trông như những biệt thự ven sông. Cũng những con người ngày xưa tôi quen biết, giờ họ không chỉ cấy cày, chài lưới mà họ còn biết kinh doanh, tận dụng lúc nông nhàn làm công nhân thời vụ cho các xưởng may làng Sắc, có người năng động còn mở xưởng may làm giàu thêm cho gia đình và xã hội. Gặp lại những người quen cũ, họ vẫn tươi cười, vồn vã chào đón tôi như người thân mới trở về. Phải chăng những ngày gian khó bên nhau, chia sẻ từng bát cơm, từng hạt muối thì tình cảm xóm làng vì thế mà càng gắn bó, bền chặt và làm ta nhớ nhau hơn?
Dù đã đổi thay nhưng xóm Bãi vẫn còn nguyên vẹn trong tôi kỷ niệm về ngày xa xưa ấy, nó là nơi cất giữ những mảnh ký ức êm đềm, trong trẻo, vẫn thân thương, dấu yêu như thuở nào!
Hà Kim Quy
Theo