Thứ hai 09/09/2024 19:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Xóa nhà tạm: Hiện thực hóa ước mơ an cư cho người nghèo

08:54 | 16/08/2024

Sau gần 3 năm triển khai Đề án Xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang chủ trì, đến nay đã có hàng nghìn ngôi nhà Đại đoàn kết được xây dựng, giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống.

Xóa nhà tạm: Hiện thực hóa ước mơ an cư cho người nghèo
Đơn vị tài trợ hỗ trợ cho các gia đình xây dựng nhà mới. Ảnh: TTXVN phát

Hiện thực hóa ước mơ an cư

Người dân thôn 17, xã Lang Quán, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) ai cũng thương cảm với hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Lý Thị Bèn khi bản thân bà bị liệt tay trái, nuôi mẹ già gần 100 tuổi và con trai bị bại liệt bẩm sinh. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do bà Bèn gánh vác. Căn nhà cũ xập xệ, xiêu vẹo được xây dựng cách đây mấy chục năm có thể đổ sụp bất cứ lúc nào khiến cuộc sống của gia đình luôn bất an. Được Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ 50 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ưu đãi 40 triệu đồng để làm nhà mới, bà Bèn đã xây dựng lại ngôi nhà với diện tích 90m2. Ngôi nhà mới hiện đã xong phần khung, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 9 năm nay.

Bà Bèn xúc động cho biết, nếu không có sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp thì không biết bao giờ gia đình bà mới có nhà mới để ở. Bà rất mừng vì những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình bà ngày càng nhận được sự quan tâm, sẻ chia để vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo.

Cũng như gia đình bà Lý Thị Bèn, gia đình ông Thào Thế Mua ở thôn 21, xã Lang Quán, huyện Yên Sơn cũng được hỗ trợ kinh phí để xây nhà mới. Trước đây, gia đình ông Mua sinh sống ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Năm 1979, gia đình ông di cư về xóm 21, xã Lang Quán để sinh sống. Về nơi ở mới do có ít đất đai để canh tác, gia đình ông chủ yếu đi làm thuê, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn.

Ngôi nhà cũ của gia đình ông Mua được xây dựng từ năm 1979, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa to, gió lớn, ngôi nhà như chực đổ xuống. Sau nhiều năm sống trong ngôi nhà dột nát, xuống cấp, đầu năm 2024, gia đình ông Mua được Quỹ "Vì người nghèo" hỗ trợ 50 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn cho vay ưu đãi 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở mới. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể, họ hàng, sau gần 4 tháng thi công, ngôi nhà mới của gia đình ông Mua đã hoàn thành với diện tích 100m2, có 2 phòng ngủ, khu bếp và khu vệ sinh được xây dựng kiên cố, tiện nghi với tổng chi phí hơn 300 triệu đồng.

Ông Thào Thế Mua chia sẻ, ước mơ xây dựng được ngôi nhà kiên cố bao năm qua nay đã trở thành hiện thực. Có nơi ở ổn định, gia đình ông có thêm động lực để yên tâm lao động sản xuất và sớm vươn lên thoát nghèo.

Cùng với gia đình ông Mua, bà Bèn, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành xây mới và sửa chữa được 731 nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo; trong đó làm mới 652 nhà, sửa chữa 79 nhà với kinh phí 86 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nguồn kinh phí của Công an tỉnh Tuyên Quang; nguồn huy động hợp pháp của tỉnh, huyện, xã, các ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ; nguồn từ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp…

Bà Phạm Thị Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Sơn cho biết, ngoài lồng ghép các nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban MTTQ huyện còn tích cực huy động sự tham gia xã hội hóa của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội; phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp để giúp hộ nghèo làm nhà mới và sửa chữa nhà ở. Đơn vị phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 200 hộ nghèo được vay tổng số 8 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để làm nhà mới.

Khơi dậy tinh thần đoàn kết

Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang chủ trì xây dựng với mục tiêu xóa 3.820 nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo. Theo Đề án, các hộ nghèo được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ đối với làm nhà ở mới; không quá 25 triệu đồng/nhà đối với sửa chữa nhà ở. Riêng hộ nghèo thuộc diện chính sách được hỗ trợ 80 triệu đồng để làm nhà mới và 40 triệu đồng để sửa chữa nhà ở. Sau gần 3 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 6.000 hộ nghèo (làm mới 5.322 hộ, sửa chữa 678 hộ). Với tổng kinh phí huy động để thực hiện Đề án đạt trên 690 tỷ đồng, đến nay Đề án đã hoàn thành xóa 84 nhà ở tạm, dột nát cho hộ gia đình người có công với cách mạng; 4.490 hộ dân tộc thiểu số; 1.215 hộ thuộc xã xây dựng nông thôn mới, 144 hộ nghèo từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình…

Xóa nhà tạm: Hiện thực hóa ước mơ an cư cho người nghèo
Gia đình bà Lý Thị Bèn, thôn 17, xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà mới. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Theo ông Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, để hoàn thành mục tiêu Đề án, MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Đề án trên địa bàn; phối hợp với chính quyền, ngành chức năng và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động và huy động nguồn lực thực hiện làm nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án. Đặc biệt, ưu tiên hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, hộ nghèo tại các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo dân tộc Mông từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Bên cạnh đó, tỉnh gắn thực hiện việc "3 cùng" với nhân dân của cán bộ, công chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Vào ngày cuối tuần hằng tháng, các cơ quan, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở duy trì hoạt động cùng với nhân dân hỗ trợ trên 94.000 ngày công để giúp đỡ hộ nghèo tháo dỡ nhà ở cũ, đào móng, xây móng, vận chuyển nguyên vật liệu, lợp mái nhà. Hoạt động đã tạo thành phong trào thiết thực, lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả, giúp hộ nghèo giảm được chi phí xây dựng nhà ở. Ngoài ra, các đơn vị thường xuyên tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế chính sách xóa nhà ở tạm, dột nát và tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo tỉnh Tuyên Quang có ý nghĩa quan trọng, tạo niềm tin và thúc đẩy sự nỗ lực, trách nhiệm của bản thân mỗi hộ nghèo trong xây dựng nhà ở và thoát nghèo bền vững. Việc thực hiện Đề án đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo phong trào sâu rộng và khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp tỉnh Tuyên Quang, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Theo Quang Cường (TTXVN)

Cùng chuyên mục
  • Chi Lăng (Lạng Sơn): Mưa bão gây thiệt hại lớn

    (Xây dựng) – Tính đến 7h ngày 9/9 tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, có 3.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trên 2.000ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập nước, bị đổ do bão số 3.

  • Hà Nội: Bức xúc vấn nạn dán tờ rơi quảng cáo không đúng quy định

    (Xây dựng) - Tình trạng dán tờ rơi quảng cáo bừa bãi lên tường, cột điện, biển báo tại Hà Nội đang ngày càng trở nên phổ biến, gây mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

  • Cao Bằng: Nhiều địa phương ngập lụt sau bão số 3

    (Xây dựng) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mực nước trên các sông, suối, ao, hồ dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập lụt. Trong đêm 8/9, nhiều nhà dân và tuyến phố ở các khu vực thấp tại thành phố Cao Bằng cũng bị ngập.

  • Hưng Hà (Thái Bình): Giải cứu chuối giúp bà con nông dân

    (Xây dựng) – Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi) đã làm hơn 380ha chuối tiêu hồng, chuối tây ở xã Hồng An và xã Tiến Đức của huyện Hưng Hà bị gãy đổ, ước tính thiệt hại gần 1 triệu buồng chuối chuẩn bị thu hoạch. Để giúp bà con nông dân khắc phục hậu quả do bão gây ra, huyện Hưng Hà đang kêu gọi giải cứu giúp bà con nông dân, giảm bớt thiệt hại về kinh tế.

  • Hà Nội: Tập trung cao độ khắc phục hậu quả cơn bão số 3

    (Xây dựng) - Tính đến 14h ngày 8/9, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 24.807 cây, tập trung nhiều ở Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm… Cây đổ đã gây ra các thiệt hại về người và một số phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 12/CĐ-UBND về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

  • Lục Ngạn (Bắc Giang): Nhiều tuyến đường, khu dân cư ngập sâu trong nước lũ

    (Xây dựng) – Mưa lớn kéo dài sau khi bão số 3 đi qua đã khiến cho mực nước các sông, suối lên nhanh gây ngập úng nhiều tuyến đường, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn huyện Lục Ngạn.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load