(Xây dựng) - Sáng 18/9, phiên tòa xét xử nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm tiếp tục phần bào chữa. Mở đầu phiên tòa bị cáo Lê Thị Thanh Thúy xin được trình bày ý kiến của mình trước khi Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch tiến hành phần bào chữa.
Bà Lê Thị Thanh Thúy bị cáo buộc là đồng phạm với ông Nguyễn Thành Tài. |
Trong tiếng nấc, bà Thúy kể rằng, bà đã đọc đi, đọc lại hàng trăm lần Kết luận điều tra, soi lại từng bước tham gia vào dự án để tìm các chứng cứ mà Cơ quan điều tra dùng để buộc tội bà. “Điều duy nhất tôi ngộ ra là Cơ quan điều tra đã không xem xét, ghi nhận bất cứ lời khai nào của tôi và sử dụng một chứng cứ duy nhất là lời khai đơn phương từ ông Nguyễn Thành Tài về sự tồn tại quan hệ tình cảm với tôi. Cơ quan điều tra đã suy diễn chữ “quan hệ tình cảm” một cách chủ quan để buộc tội tôi”.
Cũng theo bà Thúy, tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo là lãnh đạo, cán bộ UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở, ban, ngành của thành phố đều khẳng định rất rõ, rất mạnh lạc về những việc họ làm, tham mưu, phê duyệt là theo chức năng, nhiệm vụ và các bị cáo này cũng không biết bà Thúy là ai. “Tôi khẳng định là không hề gặp gỡ, bàn bạc với ông Nguyễn Thành Tài cũng như tất cả các bị cáo khác về dự án 8-12 Lê Duẩn”, bà Thúy nhấn mạnh.
Bà Thúy cho rằng, bà chỉ là 01 cổ đông chiếm 30% cổ phần của Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue, không có quyền được đưa ra ý kiến đơn phương trái chiều. Những văn bản đề xuất trong quá trình thực hiện dự án của Công ty gửi đến các cơ quan chức năng đều có sự tham mưu, hướng dẫn của cổ đông Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố. “Tôi chỉ là người đại diện theo pháp luật và đại diện công ty ký văn bản gửi thường trực UBND thành phố, gửi Giám đốc Sở Tài chính, Giám Đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chứ không hề gửi đích danh cho ông Nguyễn Thành Tài”, bà Thúy khẳng định.
Trước khi kết thúc phần trình bày của mình, bị cáo Thúy cho rằng việc doanh nghiệp có những đề xuất gửi đến các cơ quan có thẩm quyền là việc rất bình thường, bà đề nghị đại diện Viện kiểm sát cũng như Hội đồng xét xử xem xét lại vấn đề một cách thấu đáo.
Luật sư bào chữa cho bà Thúy - Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nhận định, văn bản đầu tiên không có số mà bị cáo Thúy gửi đến Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố với tên gọi “Cơ hội hợp tác đầu tư bất động sản” vào ngày 06/8/2010 (BL 3469), tức gần một năm sau khi ông Nguyễn Thành Tài có Kết luận về chủ trương đầu tư, xây dựng dự án trên khu nhà, đất 8-12 Lê Duẩn trái với phương thức đầu tư, trái với chủ trương ban đầu của UBND thành phố.
Nội dung Văn bản của bị cáo Thúy chỉ dừng ở mức độ thể hiện mong muốn có được cơ hội đầu tư vào dự án nhà, đất 8-12 Lê Duẩn mà không có bất cứ sự tác động, hàm ý nào đến phương thức tham gia vào dự án: Chỉ định hay đấu thầu, giao đất, thuê đất hay bán tài sản trên đất…
“Việc UBND thành phố không triển khai tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có uy tín và năng lực; giao đất, cho thuê đất tại số 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Cổ phần Lavennue không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất trái với quy định pháp luật, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố và các Sở, ban, ngành của thành phố chứ không có mối quan hệ nhân quả với hành vi xúi giục của bị cáo Thúy vì bị cáo Thúy không có đề nghị nào về xin nhận giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá mà tại văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh Thành phố chỉ thể hiện mong muốn có cơ hội hợp tác đầu tư”, ông Thế Trạch nói.
Đề cập đến việc thất thoát trong vụ án này, Luật sư Nguyễn Thành Công – Luật sư bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt trình bày, vấn đề thất thoát để xác định trách nhiệm hình sự là một quy định bắt buộc đối với cấu thành tội phạm. Có hai vấn đề là phải có vi phạm quy định và phải có thất thoát lãng phí, trong lời luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát, có xác định phần thất thoát trong vụ án này là 1.927 tỷ đồng (làm tròn) số tiền này theo kết quả giám định tại thời điểm tháng 12/2018, phần thiệt hại 4,7 tỷ áp dụng cho 2 bị cáo là Nguyễn Thành Tài và bị cáo Lê Thị Thanh Thúy.
Luật sư Công đặt vấn đề: Có hay không mâu thuẫn trong lời luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát, khi xác định phần thất thoát trong vụ án này là 1.927 tỷ đồng và đề nghị thu hồi dự án. Việc thu hồi dự án có nghĩa là thiệt hại không còn. Việc tiếp tục kê biên tài sản của các bị cáo là thực hiện nghĩa vụ gì? Có cần thiết kê biên hay không?
Phương Ngân – Thanh Thảo
Theo