Thứ sáu 03/05/2024 17:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Xây dựng đô thị Vĩnh Phúc ngày càng văn minh và hiện đại, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

11:58 | 26/02/2024

(Xây dựng) - Với mục tiêu xây dựng đô thị Vĩnh Phúc trở thành đô thị loại I, trở thành phố trực thuộc Trung ương, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…

Xây dựng đô thị Vĩnh Phúc ngày càng văn minh và hiện đại, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Thành phố Vĩnh Yên được xác định là trung tâm phát triển kinh tế, đô thị, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh mới được Chính phủ phê duyệt được xây dựng trên 6 quan điểm chính gồm:

Mục tiêu, định hướng phát triển đất nước của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Phát huy giá trị bản sắc văn hóa, phát triển con người Vĩnh Phúc “Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới”.

Nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân; đẩy nhanh đô thị hóa, bảo đảm kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giữa các đô thị với các khu, cụm công nghiệp và khu dịch vụ, hình thành hành lang kinh tế kết nối không gian phát triển mới.

Phát triển hài hòa, bền vững cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra phương hướng phát triển các ngành quan trọng, phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Phát triển các ngành dịch vụ hiệu quả, bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, có thương hiệu, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Phát triển dịch vụ, thương mại gắn kết chặt chẽ với sản xuất, khuyến khích xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics hiện đại…

Phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, an toàn theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh, bền vững…

Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh đặt ra nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đầu tư cho các trường đào tạo nghề trọng điểm, đào tạo lực lượng lao động có chất lượng cao theo tiêu chuẩn thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu của địa phương và xuất khẩu lao động.

Về y tế, mở rộng quy mô, phát triển các trung tâm chuyên khoa thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Xây dựng đô thị Vĩnh Phúc ngày càng văn minh và hiện đại, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Bình Xuyên phát triển theo hướng tăng trưởng công nghiệp công nghệ cao.

Cùng với đó, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 3 cực tăng trưởng chính gồm: Thành phố Vĩnh Yên - trung tâm phát triển kinh tế, đô thị, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng; thành phố Phúc Yên - tăng trưởng phía Đông Nam phát triển về công nghiệp, dịch vụ, du lịch; Bình Xuyên - tăng trưởng công nghiệp công nghệ cao.

Để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ quy hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc đề ra 6 nhóm giải pháp chính: Tập trung huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, ưu tiên các dự án trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển nguồn nhân lực phù hợp xu thế phát triển chung của vùng và cả nước; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế - xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tới cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kiểm soát không gian phát triển đô thị, bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; xây dựng kế hoạch hành động, thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa, lồng ghép nội dung quy hoạch thành các chương trình, đề án, kế hoạch 5 năm, hằng năm.

Xây dựng đô thị Vĩnh Phúc ngày càng văn minh và hiện đại, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Vĩnh Phúc đạt 65%, đạt tiêu chí của đô thị loại I.

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 65%, đạt các tiêu chí của đô thị loại I, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 của tỉnh nằm trong top đầu cả nước, đạt 10,5% - 11%/năm.

Đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh - sạch - đẹp, mang bản sắc riêng, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; có nền văn hóa tiên tiến, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống; quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc…

Bích Huệ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load