Thứ tư 15/01/2025 19:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự / Chỉ đạo điều hành

Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

10:39 | 03/10/2019

(Xây dựng) - Đây là chủ đề Hội thảo chuyên đề tại Diễn đàn cao cấp về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp tổ chức vào chiều 2/10. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng chủ trì Hội thảo chuyên đề 2.

xay dung do thi thong minh trong tien trinh chuyen doi so quoc gia
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong bối cảnh chung của tiến trình chuyển đổi số, chủ đề xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) đã và đang trở thành một chủ đề nóng trên các chương trình nghị sự của các quốc gia trên thế giới, nhất là khu vực châu Á năng động, trong đó có Việt Nam.

Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo khai thác, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để phục vụ phát triển đất nước. Đặc biệt, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) yêu cầu tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước.

Đối với lĩnh vực đô thị, Nghị quyết số 52-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất ba ĐTTM tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; đến năm 2030, hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và thế giới.

Trước đó, ngày 01/8/2018, tại Quyết định 950/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950). Theo đó, để phát triển ĐTTM, sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển ĐTTM dựa trên thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ; đảm bảo tính trung lập về công nghệ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng; đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân; đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ; đảm bảo tính thống nhất, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT hiện có dựa trên Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo khả năng tương tác, hoạt động đồng bộ của ĐTTM cũng như giữa các ĐTTM.

ĐTTM lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý ĐTTM, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.

Thực hiện phát triển ĐTTM bền vững kết hợp cả hai cách từ trên xuống và từ dưới lên, Trung ương điều hành tập trung xây dựng hệ thống quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ, các địa phương đóng vai trò chủ động. Khuyến khích sự tham gia đầu tư, xã hội hóa phát triển ĐTTM trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí và rủi ro, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan, khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nước.

Tổ chức thực hiện thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, tiến hành dần từng bước, có những tiến bộ cụ thể và vững chắc, dựa trên đặc điểm riêng của đô thị, hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân, đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.

Trong giai đoạn 2018 - 2025 ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch ĐTTM; Xây dựng và quản lý ĐTTM; Cung cấp các tiện ích ĐTTM cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT, trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian ĐTTM được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định: “Xây dựng ĐTTM là nhiệm vụ rất mới, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức. Sự hợp tác, chia sẻ là yêu cầu tất yếu để có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra”.

xay dung do thi thong minh trong tien trinh chuyen doi so quoc gia
Hội thảo có sự tham gia đông đảo của chuyên gia trong nước và quốc tế.

Chia sẻ thêm về những định hướng chiến lược triển khai Đề án phát triển ĐTTM tại Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Đề án 950 đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện khá đồng bộ. Là một trong những Bộ chính chịu trách nhiệm về việc xây dựng và triển khai thành phố thông minh tại Việt Nam... Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng khung tham chiếu làm cơ sở xây dựng kiến trúc tổng thể triển khai phát triển ĐTTM đồng bộ hiệu quả”.

Trong giai đoạn trước mắt 2019-2020, các địa phương cần đặt ra đầu bài rõ ràng: Phát triển ĐTTM bắt đầu từ dịch vụ, ứng dụng gì? Chọn ứng dụng hiệu quả ngay, nếu chọn nhầm ứng dụng sẽ khó trong dài hạn.

Trong phát triển ĐTTM phải trả lời được câu hỏi người dân được lợi ích gì? Người dân phải thấy hay, thấy hiệu quả, chẳng hạn khi chụp ảnh phản ánh các hiện tượng xả rác thải bừa bãi, mất an toàn giao thông, an toàn xã hội gửi và báo về chính quyền, chính quyền xử lý ngay lập tức, hiện tượng vi phạm sẽ hết… khi đó, người dân mới hào hứng cùng tham gia vào quản lý đô thị.

Đồng thời, cũng phải trả lời được câu hỏi chính quyền lợi ích gì khi phát triển ĐTTM? Chẳng hạn, chính quyền giám sát bộ máy, cán bộ có thực hiện đúng thời hạn các dịch vụ công. Khi các sở ban, ngành liên quan liên thông dữ liệu, chia sẻ thông tin qua hệ thống camera giám sát đô thị... hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền lên cao.

Nên có một số địa phương triển khai trước, rút kinh nghiệm và cho các địa phương khác tham khảo về việc triển khai nền tảng, lựa chọn ứng dụng, sử dụng dữ liệu dùng chung, điều hành tập trung…

xay dung do thi thong minh trong tien trinh chuyen doi so quoc gia
Trí tuệ nhân tạo AI sẽ được ứng dụng rộng rãi trong ĐTTM.

Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển ĐTTM, ông Kabsung Kim - Trưởng Ban Cố vấn về ĐTTM của Tổng thống Hàn Quốc cho biết: “ĐTTM hỗ trợ cuộc sống tốt nhất. Trong ĐTTM cần thiết kế hệ sinh thái khuyến khích sự gia của người dân; phát triển ứng dụng phục vụ ĐTTM tốt nhất”.

Tại Hàn Quốc, mô hình ĐTTM ban đầu đóng vai trò tâm huyết, hướng tới tương lai dài hạn. Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp cung cấp giải pháp thông minh, tích hợp phản hồi, áp dụng công nghệ.

Hiện nay, Hàn Quốc đã và đang phát triển công nghệ 5.0. Con người là trung tâm để Hàn Quốc đưa ra các giải pháp ưu tiên. Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, nhất là với chính quyền các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong việc xây dựng mô hình phát triển ĐTTM, đóng góp vào phát triển bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.

Tại Hội thảo, các diễn giả cũng đã đề cập đến nhiều nội dung cụ thể như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ĐTTM, internet kết nối vạn vật và giải pháp thông minh cho ĐTTM, Công nghệ đột phá cho ĐTTM, AI và phân tích dữ liệu cho ĐTTM…

Các chuyên gia uy tín đến từ các quốc gia và các địa phương trên cả nước cũng đã trao đổi, thảo luận và làm rõ những cơ hội, thách thức trong phát triển ĐTTM, hướng tới phát triển bền vững.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load