Thứ tư 12/02/2025 15:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố toàn cầu, giàu bản sắc và đáng sống

21:26 | 07/01/2025

(Xây dựng) - Ngày 7/1, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.

Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố toàn cầu, giàu bản sắc và đáng sống
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.

Đô thị đặc biệt có vị trí quan trọng

Theo đơn vị tư vấn, phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 2.123,29km2, bao gồm toàn bộ diện tích hành chính hiện hữu của Thành phố Hồ Chí Minh (2.095,5km2) và vùng biển Cần Giờ có liên quan (bao gồm các khu chức năng lấn biển). Về ranh giới, phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương; phía Tây giáp các tỉnh Tây Ninh, Long An và Tiền Giang; phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu; phía Nam giáp Biển Đông. Thời hạn quy hoạch được chia thành hai giai đoạn, ngắn hạn đến năm 2030 và dài hạn đến năm 2040, với tầm nhìn đến năm 2060.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành một thành phố toàn cầu, văn minh, hiện đại và nghĩa tình. Thành phố sẽ phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ hàng đầu khu vực châu Á; trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu với nền kinh tế và văn hóa phát triển đặc sắc cùng chất lượng sống cao cho người dân; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, là cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.

Về tính chất đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt trực thuộc Trung ương; trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ quan trọng của quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là một trong những trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, du lịch hỗn hợp, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố toàn cầu, giàu bản sắc và đáng sống
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị.

Thành phố cũng là trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo; trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN; là trung tâm đổi mới sáng tạo, kinh tế trí thức, phát triển khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ của khu vực miền Đông Nam Bộ; đầu mối giao thông, hạ tầng số quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ, quốc gia và quốc tế; là trung tâm liên kết vùng, đầu mối kết nối các loại hình vận tải đa phương thức của vùng phía Nam; một trong những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực miền Đông Nam Bộ và cả nước.

Dự báo quy mô dân số thực tế thường trú toàn Thành phố khoảng 11 triệu người đến năm 2030, 13 triệu người đến năm 2040 và 16 triệu người đến năm 2060. Về quy mô đất xây dựng, đến năm 2030, diện tích đất xây dựng của Thành phố ước tính khoảng 107.832ha với chỉ tiêu 79m2/người. Đến năm 2040, đất xây dựng toàn thành phố dự báo sẽ tăng lên 126.511ha với chỉ tiêu 77m2/người.

Phát triển mô hình đa trung tâm gắn với không gian sinh thái

Về định hướng phát triển không gian, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái với khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) và 6 phân vùng đô thị. Khu vực đô thị trung tâm - bao gồm 16 quận nội thành hiện hữu, được giới hạn bởi ranh giới với các huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và sông Sài Gòn (ranh giới với thành phố Thủ Đức).

Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố toàn cầu, giàu bản sắc và đáng sống
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng tham gia đóng góp ý kiến.

6 phân vùng đô thị là: Thành phố Thủ Đức; Phân vùng đô thị phía Bắc - Thành phố Hóc Môn; Phân vùng đô thị phía Tây - Thành phố Bình Chánh; Phân vùng đô thị phía Nam - Thành phố Nhà Bè; Phân vùng đô thị phía Tây Bắc - Thành phố Củ Chi; Phân vùng đô thị phía Đông Nam - Thành phố Cần Giờ.

Bên cạnh đó, Thành phố hội tụ và lan tỏa động lực phát triển bởi sông Sài Gòn, 10 trục xuyên tâm, 3 vành đai và hành lang kinh tế biển; kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia và quốc tế. Mỗi phân vùng đô thị đều là những vùng đa chức năng, có thể đáp ứng nhu cầu việc làm và môi trường sống có chất lượng cao, tại chỗ, cho bộ phận lớn người dân và thực hiện vai trò trung tâm Vùng, quốc gia và quốc tế; đô thị phát triển tập trung gắn với giao thông công cộng. Từ các trung tâm sản xuất, kinh doanh có thể kết nối đến cảng biển, sân bay và rừng ngập mặn trong vòng 15 - 20 phút.

Trong định hướng phát triển không gian, Thành phố đã đặt ra 3 mục tiêu chiến lược phát triển. Theo đó, lan toả cơ hội trở thành trung tâm giao thương quốc tế và kinh tế sáng tạo; hội tụ nguồn lực để tạo thành đại đô thị sầm uất và độc đáo, điểm đến và môi trường sống hấp dẫn; hợp lưu sinh thái, hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, nhằm phát triển bền vững.

Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố toàn cầu, giàu bản sắc và đáng sống
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính tham gia phản biện tại Hội nghị.

Về định hướng thiết kế đô thị tổng thể, xây dựng hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh có bản sắc, ấn tượng, dễ nắm bắt. Các trục, tuyến cảnh quan là các tuyến giao thông đô thị gắn với giao thông công cộng, giao thông xanh và trải nghiệm của con người; định hình các tuyến tạo nên cấu trúc chính, giúp người dân dễ dàng hình dung và trải nghiệm đô thị Thành phố Hồ Chí Minh với tuyến Đông – Tây, 4 tuyến Bắc - Nam và 1 tuyến vòng cung, các tuyến kết nối xanh. Ngoài ra còn có các khu vực trung tâm, điểm nhấn và quảng trường; các cửa ngõ với cầu biểu tượng, hệ thống giao thông công cộng (ga tàu xe, sân bay, cảnh biển...).

Thiết kế đô thị dựa trên bản sắc sinh thái của 7 loại hình cấu trúc đô thị đặc trưng nhằm đảo bảo sự liên tục của các chức năng sinh thái trong không gian đô thị, đồng thời tạo ra những trải nghiệm đô thị mới, độc đáo.

Trong đó bao gồm: Đô thị lịch sử là khu vực trung tâm kinh tế, văn hóa và lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh; Đô thị tự phát là các khu vực đô thị hóa tự phát ở các quận nội thành Thành phố từ các làng nông thôn ven đô thị lịch sử; Đô thị ven sông là các khu vực phát triển và tái phát triển dọc các tuyến sông và kênh rạch chính của Thành phố; Đô thị kênh rạch là các khu vực dọc theo hệ thống thủy lợi nhân tạo, chủ yếu nằm ở phía Tây và phía Bắc; Đô thị vùng ngập nước là các khu vực nằm gần hoặc bao quanh bởi vùng đất trũng ngập nước, kênh rạch tự nhiên dày đặc và cảnh quan rừng dừa nước ở phía Nam và Đông; Đô thị nông nghiệp; Đô thị biển là các khu đô thị ven biển và khu vực lấn biển ở Cần Giờ.

Phải có một quy hoạch xứng tầm cho Thành phố

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản nhất trí với nội dung của Đồ án, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến để giúp địa phương và đơn vị tư vấn hoàn thiện nội dung. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, đô thị đặc biệt, cần phải có một quy hoạch xứng tầm; phải đánh giá trực diện vào các đô thị khu vực xung quanh Thành phố; làm rõ hơn các khu vực chức năng hiện đang hình thành khu công nghiệp, đô thị, khu hỗn hợp, phải có chỉ tiêu để kiểm soát chặt chẽ; làm rõ về liên kết vùng, mối quan hệ với sân bay Long Thành, cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, Long An và các địa phương khác cùng sự kết nối với các cảng quan trọng như cảng Cái Mép – Thị Vải.

Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố toàn cầu, giàu bản sắc và đáng sống
Đại diện các Bộ, ngành tham gia đóng góp ý kiến.

Đồng thời, cần lựa chọn các dự án, đánh giá các dự án phù hợp với quy hoạch; cần có những công trình dịch vụ, văn hóa, thể thao xứng tầm với đô thị; làm rõ tư duy kiến trúc cảnh quan sông Sài Gòn; định hướng hạ tầng kỹ thuật cần thống nhất theo cách giai đoạn quy hoạch; có giải pháp cao độ nền kết hợp với thoát nước phù hợp; điều chỉnh số liệu đất an ninh, làm cơ sở để thực hiện các quy hoạch cấp dưới.

Thành phố cần cụ thể quy mô, hướng tuyến cho các dự án, sau đó có thể làm quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; rà soát về đồ án đường sắt đô thị; bổ sung các nội dung về phát triển khoa học công nghệ; lưu ý về mô hình đô thị thông minh và mô hình sáng tạo; rà soát, cập nhật các chỉ tiêu, chỉ số để đảm bảo chất lượng quy hoạch; làm rõ về phân kỳ đầu tư, nguồn lực đầu tư đảm bảo tính khả thi của quy hoạch; cần có công trình biểu tượng của Thành phố; xác định rõ không gian ngầm để phát triển…

Thay mặt chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định, phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện nội dung Đồ án.

Trong đó, Thành phố sẽ thực hiện cập nhật các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật, rà soát các quy hoạch phân khu, sau đó là các quy hoạch chi tiết, quy hoạch không gian ngầm; có phân công công việc cụ thể để triển khai hiệu quả; ưu tiên triển khai các dự án hợp lý, xác định rõ các nguồn lực để thực hiện quy hoạch...

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung. Đây là Đồ án quan trọng, bám sát các nội dung Nhiệm vụ quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị Thành phố cần rà soát lại hồ sơ, căn cứ lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo sự thống nhất giữa các quy hoạch; cần cụ thể những bất cập khi thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; làm rõ đánh giá hiện trạng tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất, hạ tầng, dân cư… gắn với chỉ tiêu phát triển; phải đánh giá thực trạng các dự án đang triển khai, có tiêu chí phân loại các dự án.

Bên cạnh đó, Thành phố cần xác định tồn tại, bất cập trong việc thực hiện quy hoạch, vấn đề ngập úng, cây xanh, hạ tầng…; đánh giá mối quan hệ giữa hệ thống đô thị trong Thành phố với hệ thống đô thị xung quanh; bổ sung căn cứ dự báo, nhất là về dân số quy đổi, dự báo về chỉ tiêu áp dụng quy chuẩn; cần có phân tích, đánh giá về mô hình đô thị đa trung tâm, hệ thống đô thị; quan tâm thêm đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, mô hình phát triển, phân vùng đô thị.

Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố toàn cầu, giàu bản sắc và đáng sống
Toàn cảnh Hội nghị.

Đồ án cũng cần phải được rà soát, đảm bảo các tiêu chí của đô thị, có công trình mang tính chất quốc gia; xây dựng hành lang pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn về không gian ngầm. Về hạ tầng kỹ thuật, cần rà soát tính khả thi của các mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các chỉ tiêu về hạ tầng; cao độ nền và thoát nước mặt; các khu vực ưu tiên thoát nước; quy hoạch cấp thoát nước và xử lý chất thải rắn. Thành phố phải có chỉ đạo quyết liệt trong việc làm rõ về các chương trình, dự án đầu tư; rà soát các quy hoạch đô thị hình thành trong tương lai…

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh sớm hoàn thiện hồ sơ Đồ án để trình các cấp có thẩm quyền tiếp theo.

Yến Mai – Diệu Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát

    Sáng 11/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM) để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 20 NHTM và Ngân hàng Chính sách xã hội.

    11:09 | 11/02/2025
  • Bế mạc Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tuy yêu cầu gấp về tiến độ, áp lực về thời gian, song chất lượng các nội dung trình tại phiên họp đều cơ bản đạt yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

    08:30 | 11/02/2025
  • Cho ý kiến về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

    Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý bảo đảm việc kết nối của Dự án với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, các loại hình vận tải khác, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư và quỹ đất rừng.

    18:09 | 10/02/2025
  • Văn phòng Chủ tịch nước chủ động, tích cực triển khai công tác tư pháp

    Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao nỗ lực của Văn phòng Chủ tịch nước đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thành các nội dung nhiệm vụ công tác được giao.

    14:35 | 10/02/2025
  • Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại Lữ đoàn tên lửa 490-Binh chủng Pháo binh

    Theo Tổng Bí thư, phải tận dụng thời cơ không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu của Binh chủng Pháo binh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

    14:27 | 10/02/2025
  • Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không để gián đoạn trong công việc

    Sáng nay 10/2, chủ trì và phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025 phải bảo đảm tổ chức, hoạt động của Đảng bộ tuân thủ đúng quy định của Đảng, phù hợp với thực tiễn và những đặc thù của Quốc hội, qua đó để xử lý các công việc nhanh chóng, đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Quốc hội.

    11:27 | 10/02/2025
  • Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ các doanh nghiệp

    (Xây dựng) - Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

    10:29 | 10/02/2025
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tháo gỡ nhiều vướng mắc, kiến nghị trong buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng

    (Xây dựng) – Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ chủ trương xây dựng, bổ sung thêm một số chính sách vượt trội để thu hút nhà đầu tư vào khu thương mại tự do, phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, đề xuất chính sách phù hợp hoàn cảnh cụ thể của đất nước để phát huy điều kiện rất thuận lợi của Đà Nẵng.

    08:15 | 10/02/2025
  • Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

    Chiều 9/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

    19:32 | 09/02/2025
  • Thủ tướng kiểm tra việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Quảng Ngãi

    Sáng 9/2, trong chương trình công tác tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã thăm hộ gia đình ông Trần Trung Kiên tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, kiểm tra việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Quảng Ngãi.

    14:28 | 09/02/2025
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load