(Xây dựng) - Các đô thị đang ở tuyến đầu trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Thế nhưng, chính các đô thị cũng lại là khu vực chịu ảnh hưởng lớn do tác động của môi trường, tiêu thụ phần lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm ở mức độ cao, và tập trung khí thải độc hại tại chính nơi mà dân số phân bố đông nhất.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Cuộc sống đô thị bền vững là một trong 17 mục tiêu toàn cầu trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đánh giá của Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) cho thấy, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi đáng kể cách xây dựng và quản lý không gian đô thị. Trong đó, cách tiếp cận lồng ghép đóng vai trò quan trọng cho quá trình hoàn thành nhiều mục tiêu này.
Xây dựng đô thị an toàn và bền vững đồng nghĩa với việc đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận nhà ở an toàn với giá cả phải chăng và nâng cấp các khu ổ chuột. Vấn đề này cũng bao gồm đầu tư vào giao thông công cộng, tạo không gian công cộng xanh, cải thiện quy hoạch và quản lý đô thị với sự tham gia của người dân và tạo hòa nhập xã hội.
Theo các chuyên gia, một thành phố phát triển bền vững là nơi có thể hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ bền vững bằng cách tối đa hóa nguồn thu hiện có và xác định những tiềm năng mới, bằng cách tận dụng các nguồn lực khác từ khu vực tư nhân, và bằng cách mời tài trợ để hỗ trợ sự phát triển của các sáng kiến phát triển bền vững.
Để duy trì và củng cố động lực mà đô thị hóa đã tạo ra, việc xây dựng chính sách và đầu tư hợp lý có vai trò rất quan trọng. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị là một cơ chế cơ bản để tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, tạo ra các cơ hội kinh doanh và việc làm mới, nâng cao hiệu quả tổng thể của hệ thống đô thị. Nó cũng đem lại cơ hội tiếp cận công nghệ mới cho các đô thị, kích thích sự đổi mới đô thị và góp phần giúp các đô thị bỏ qua công nghệ lạc hậu và chuyển sang một môi trường hiệu quả hơn về nguồn lực.
Như thế, bức tranh về hạ tầng đô thị ở Việt Nam, dù chưa thật sáng sủa như kỳ vọng, nhưng cũng đã hé mở những hướng đi để có thể đạt được. Tuy nhiên, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Chẳng hạn, để đô thị văn minh hơn, ít tai nạn hơn, cần xây dựng lại đội ngũ lái xe chuyên nghiệp và đạo đức. Nhưng, bên cạnh đó, cũng cần phải xây dựng đội ngũ cảnh sát giao thông đạo đức và trách nhiệm. Bởi lẽ, mọi cố gắng của các cơ quan hữu trách và nhân dân có thể sẽ bị bỏ sông bỏ biển một khi những người thực thi pháp luật hư hỏng.
Do hầu hết các thách thức về phát triển và môi trường đều nằm trong các lĩnh vực phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau, các vấn đề thường bức xúc, cấp bách và phức tạp nhất ở các đô thị. Hơn một nửa lượng khí thải nhà kính trên thế giới là từ các khu vực đô thị. Một số đô thị trên thế giới đã thể hiện sự lãnh đạo có tầm nhìn xa khi thiết lập các mục tiêu cũng như xây dựng và triển khai kế hoạch giảm lượng phát thải khí nhà kính. Các đô thị có thể giảm lượng phát thải khí nhà kính đồng thời giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách của địa phương như ô nhiễm không khí, chất thải, giao thông vận tải, chưa kể đến những thách thức khác như phát triển kinh tế địa phương.
Ngọc Lý
Theo