Chủ nhật 08/12/2024 23:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

“Vượt cạn” ở Nghi Sơn

09:38 | 26/02/2009


Cầu cảng Nghi Sơn.

Bây giờ thì tôi đang ở giữa cái gọi là thị xã Nghi Sơn. Cái rẻo đất nghèo khó nghe nói một dạo "Khu bốn đẩy ra khu ba đẩy vào" ấy, là vùng Tĩnh Gia giáp với Quỳnh Lưu xứ Nghệ này đây.

Vùng đất sơn thủy hữu tình bên bờ biển này đã ngủ yên bao nhiêu vạn năm như một hoang phí bây giờ đùng đùng được đánh thức. Một vùng trời mây non nước tuyệt đẹp, đến nỗi bao nhiêu tao nhân mặc khách đến đây đều thầm tiếc. Ông vua kiêm thi sĩ Lê Thánh Tông từng qua đây và đã thốt lên: Đồn rằng huyện Ngọc có Kênh Trầm/ Bãi Chìa, lưỡi Bạng sóng lăn tăn/ Chang chang thuyền khách sào chưa nhổ/ Sin sít chài ai lái vẫn cầm... Hẳn đất này hữu tình lắm mới sinh ra một người nghệ sĩ lớn, một danh nhân - ông tổ nghệ thuật tuồng đó là Đào Duy Từ.

Thế rồi một ngày kia người ta phát hiện ra sự uổng phí nơi hòn ngọc bỏ quên bên bờ đại dương. Chuyện kể rằng hồi mới giải phóng miền Nam, có chuyên gia Nhật Bản đã tiên đoán rằng Nghi Sơn rồi ra sẽ là một trọng điểm kinh tế của phía Bắc sau Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Chả thế mà Nhật Bản đã đầu tư nhà máy xi măng gần triệu rưởi tấn một năm tại đây, vào loại lớn nhất thời điểm ấy. Không ngờ điều tiên đoán của người Nhật đang thành hiện thực bởi vài năm sau đó, một khu kinh tế Nghi Sơn được manh nha, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ đặt bút phê duyệt quy hoạch tổng thể, khu kinh tế Nghi Sơn bỗng nhiên thành một trọng điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. 


Dự kiến năm 2013, khu liên hợp lọc dầu Nghi Sơn sẽ hoạt động
(ảnh có tính chất minh họa).

Bây giờ tôi lại được hậu duệ nhà Lê, là ông Lê Đình Thọ - Trưởng BQL khu kinh tế Nghi Sơn, cho đi một vòng cái TP công nghiệp tương lai ấy. Trong quy hoạch, Nghi Sơn rộng đến 186 nghìn héc-ta trên lãnh thổ của 12 xã phía nam huyện Tĩnh Gia. Ông Thọ bảo, Nghi Sơn đang vật vã để chuyển mình đấy. Dù còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề phải giải quyết nhưng tỉnh quyết tâm cao, lòng dân cơ bản đồng thuận. Ba dự án lớn mà chúng tôi đang tập trung làm để 4 - 5 năm nữa đi vào hoạt động đó là cảng biển Nghi Sơn, nhà máy lọc hóa dầu và tổ hợp nhiệt điện. Tiến độ của các dự án xi măng, sắt thép, lắp ráp ô tô... đương khẩn trương triển khai. Có tận mắt đến Nghi Sơn những ngày này mới thấy hết tầm vóc của một đại công trường đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng và xây dựng. Nghi Sơn đang trở mình, hứa hẹn vóc dáng mới nay mai. Người Nghi Sơn còn nhắc sự kiện khởi công dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn vào dịp tháng 5/2008. Cái dự án ấy mang tầm quốc gia, có số vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD, có sự tham gia những quốc gia hóa dầu lớn như Cô-oét, Nhật Bản. Đây là dự án trọng điểm quốc gia trong quá trình đi lên CNH, HĐH đất nước, là động lực tăng trưởng kinh tế cho Thanh Hóa và vùng Bắc Trung bộ cũng như cả nước.

Mới ba năm triển khai, đã có 22 dự án với số vốn 8,5 tỷ USD. Đó là một nỗ lực đáng mừng. Một nhà máy gang thép công suất dự định 2,2 triệu tấn phôi một năm, một nhà máy lắp ráp ôtô, nhà máy phân đạm. Một cảng xi măng, một cảng nước sâu bên cạnh cảng Nghi Sơn, cảng thép...

Không chỉ có công nghiệp, Nghi Sơn còn là một xã hội thu nhỏ nên phải có trường học, bệnh viện. Trường Cao đẳng Licogi 16 đang hình thành, rồi Bệnh viện Đa khoa Nghi Sơn vừa khởi công... Chưa hết, một khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn có quy mô lớn hàng trăm héc-ta đã được phê duyệt quy hoạch. Tại đây có khu vui chơi nghỉ dưỡng, khu làng văn hóa các dân tộc, khu làng nghề truyền thống, khu lâm viên và thể thao leo núi, khu bãi tắm...

Nguyên chuyện đầu tư hạ tầng ban đầu đã ngốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Đâu đường sá, đâu sân bay dân dụng, đâu khu thể thao sân gôn... Tất cả đang hiện diện trên bản đồ quy hoạch. Chỉ vài năm nữa, tất cả sẽ hiện đủ hình hài một thành phố công nghiệp dịch vụ lớn bên bờ biển.

Mừng là thế, nhưng người xứ Thanh đương lắm trăn trở, làm sao để có mặt bằng cho các dự án triển khai, khi đây đó vẫn còn những người dân chưa đồng tình di dời, chưa nhận đền bù để tái định cư. Nội dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng mới chỉ có được 399ha trên tổng số hơn 900ha thuộc 5 xã Mai Lâm, Hải Thượng, Tĩnh Gia, Hải Yến và Hải Hòa. Không ai coi tái định cư là việc đơn giản, bởi đó là đời sống, dân sinh, đó còn là văn hóa. Vùng biển nào cho dân chài Nghi Sơn? Bao đời nay họ gắn cuộc đời với biển cả. Bây giờ rời lên đất liền, sinh nhai, tập quán sống rồi bao chuyện nữa thay đổi theo đâu chỉ một sớm một chiều mà có được... Đó cũng là một cuộc vượt cạn nữa, đúng nghĩa của ngư dân Nghi Sơn.

Những ngày này, người xứ Thanh dồn sức cho công việc gian nan nhất, phức tạp nhất là giải phóng mặt bằng. Đâu đâu cũng câu chuyện GPMB Nghi Sơn. Đến ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Văn Thương cũng đã gửi bức thư ngỏ đến nhân dân và cán bộ khu kinh tế Nghi Sơn, kêu gọi nhân dân vì lợi ích lâu dài vì đại cục mà tự nguyện di dời lấy đất cho dự án. Bức thư đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư và chính quyền hãy thông cảm hơn nữa với nhân dân khu kinh tế Nghi Sơn, quan tâm đến quyền lợi và giúp đỡ  nhân dân ổn định đời sống, sản xuất.

Tôi tin là vì tương lai quê hương đất nước, dân Nghi Sơn rồi sẽ thuận theo chủ trương tái định cư nhường đất cho công nghiệp. Điều quan trọng là thái độ ứng xử với dân, có chính sách thỏa đáng với dân, mọi chuyện rồi sẽ xong khi dân cùng lo liệu.

Nghi Sơn đang "vượt cạn". Cuộc vượt cạn nào cũng vật vã nhưng phía trước là một TP công nghiệp, niềm hy vọng ấy sẽ là niềm an ủi, động viên người xứ Thanh bền chí đi lên cùng đất nước...

Tân Linh

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load