Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã thông báo cho tổng thầu và tư vấn giám sẽ thu hồi thanh toán đối với các mốc đã thanh toán trong thời gian trước có liên quan đến sự cố rớt gối dầm cầu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Sự cố rớt gối dầm cầu metro thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) tuyến metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: Minh Quân |
Ngày 18.12, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết đã thông báo cho Liên danh NJPT (tư vấn chung) và Liên danh SCC (tổng thầu gói CP2) về việc thu hồi thanh toán đối với các mốc đã thanh toán trong thời gian trước có liên quan đến sự việc rớt gối cao su dầm cầu cạn thuộc gói thầu CP2 tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
MAUR cho biết, sau khi xảy ra sự cố hồi cuối tháng 10, Ban đã báo cáo các cơ quan thẩm quyền, đồng thời, liên tục có nhiều công văn đề nghị, tổ chức họp với tư vấn chung NJPT và Liên danh SCC để giải quyết sự việc.
Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau sự cố, Liên danh SCC vẫn không có báo cáo nguyên nhân, chậm trễ trì hoãn trình nộp các hồ sơ. Đồng thời, Liên danh SCC chỉ đưa ra các giải thích, nhận định ban đầu rất sơ sài và không thuyết phục nhằm mục đích chuyển hướng sự việc, kéo sài thời gian, chối bỏ trách nhiệm với vai trò tổng thầu.
Do đó, ngày 8.12, MAUR đã tiếp tục yêu cầu tư vấn chung NJPT khẩn trương kiểm tra hồ sơ đã trình nộp của Liên danh SCC giữa các bước/giai đoạn thiết kế được phê duyệt, năng lực nhà sản xuất đã phê duyệt; sự phù hợp vật tư vật liệu đầu vào, việc chế tạo, thí nghiệm so với yêu cầu của chủ đầu tư theo hợp đồng đã ký; việc thi công lắp đặt gối cầu so với biện pháp thi công được duyệt.
Ngoài ra, MAUR đã đề nghị Viện khoa học và Công nghệ, Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở Xây dựng, Sở GTVT, Hội cầu đường cảng Thành phố, Trường Đại học (Đại học GTVT TPHCM và Bách Khoa TPHCM) quan tâm, tham gia tổ công tác rà soát nguyên nhân về sự cố dầm cầu metro số 1.
Sự cố rớt gồi dầm cầu khiến đoạn đường ray đã lắp phía trên hư hỏng, bêtông đệm đường ray cùng vị trí bị nứt vỡ. Ảnh: Minh Quân |
Trước đó, kết quả kiểm tra hiện trường sự cố rơi gối dầm metro số 1 của Sở GTVT TPHCM cho thấy đầu dầm chữ U gác lên trụ P14-10 (phía gối cầu) bị rơi lệch khoảng 8,5 cm. Các thanh ray (gác qua 2 dầm chữ U) bị bong bật khỏi bệ đỡ, xuất hiện vết nứt cục bộ tại một số vị trí của bê tông bệ đỡ đường ray.
Nhà thầu đã lắp đặt gối tạm thay thế gối cao su bị rơi trong thời gian chờ xem xét.
Tuyến metro số 1 dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm với tổng mức đầu tư hơn 43.757 tỉ đồng. Tuyến có tổng cộng 14 nhà ga (11 ga trên cao và 3 ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình và kết thúc ở Bến Thành.
Hiện tuyến metro số đã hoàn thành gần 81% khối lượng công việc, phấn đấu đưa vào khai thác cuối năm 2021.
Theo Minh Quân/Laodong.vn