(Xây dựng) - Ngành Tư vấn xây dựng những năm qua đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành Xây dựng nói riêng. Hàng loạt các công trình xây dựng trên khắp đất nước đều có sự đóng góp của ngành Tư vấn thiết kế xây dựng, trong đó không thể không nói đến vị thế dẫn đầu của Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC).
Đồng chí Trường Chinh nghe báo cáo dự án Bảo tàng Hồ Chí Minh (Trong ảnh: KTS Trần Thanh đang trình bày phương án). |
VNCC đã trở thành nhà tư vấn xây dựng dẫn đầu của Việt Nam với đội ngũ cán bộ hùng hậu, tham gia tư vấn, thiết kế, giám sát nhiều công trình cao tầng, công nghệ hiện đại và đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chính trị, góp phần làm thay đổi diện mạo của kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Các thành tựu đáng tự hào của VNCC có được ngày nay là kết quả từ sự nỗ lực vươn lên của tập thể các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Tổng Công ty trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống 65 năm phát triển liên tục trên một nền móng và hành trình vững chắc tự hào.
Truyền thống VNCC tự hào 65 năm phát triển
Ngày 06/04/1955, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Quyết định số 506/TTg, thành lập Nha Kiến trúc, là tiền thân của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP (VNCC) ngày nay. Đây cũng là cơ quan thiết kế kiến trúc đầu tiên của Nhà nước và là tiền thân của lĩnh vực thiết kế kiến trúc xây dựng Việt Nam.
Ngay những ngày đầu thành lập, “Thế hệ thứ nhất” của VNCC đã bắt tay thiết kế các công trình đặc biệt của Đảng và Chính phủ như: Lễ đài Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ để đón Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô. Tiếp theo là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Nhà sàn Bác Hồ, Trụ sở Ủy ban Khoa học Xã hội, Bộ Lâm nghiệp, Ban trị thủy Sông Hồng và Khu nhà ở của cán bộ công nhân viên chức 2 tầng kết tại Hàm Tử Quan cùng một số công trình quốc kế dân sinh đáp ứng nhu cầu làm việc của các bộ, ngành và chữa bệnh cho nhân dân.
Năm 1958, Nha Kiến trúc được sáp nhập và đổi tên thành Cục Thiết kế dân dụng. Lực lượng của Cục còn mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn, tập thể cán bộ công nhân viên của Cục đã vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao phó. Hàng loạt các công trình trường học, bệnh viện tuyến tỉnh - huyện được các cán bộ của Cục thiết kế phục vụ cho việc học hành và khám chữa bệnh của nhân dân. Những công trình tiêu biểu mà Cục thiết kế trong giai đoạn này có thể nói đến Tổng cục Thống kê (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng), Khu nhà ở Kim Liên, Đại học Thủy lợi, Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Phụ vận Trung ương, Bệnh viện Mắt Trung ương... Bằng trí tuệ và công sức của mình, các kiến trúc sư, kỹ sư và cán bộ của Cục vừa lao động, vừa sáng tạo để thiết kế lên những công trình, góp phần quan trọng trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế, văn hóa chủ nghĩa xã hội của đất nước…
Thời kỳ những năm 1961 - 1969, Cục Thiết kế dân dụng đổi tên thành Viện Thiết kế kiến trúc. Trong giai đoạn này, ở các tỉnh chưa có tổ chức thiết kế, Viện Thiết kế kiến trúc đã đảm nhiệm thiết kế hầu hết các công trình công cộng lớn như: Trụ sở các cơ quan, các trường học, bệnh viện, cửa hàng, khu nhà ở thuộc cấp tỉnh tại các địa phương trên miền Bắc. Năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân phá hoại miền Bắc, Viện phải thực hiện hai nhiệm vụ: Vừa thiết kế các công trình xây dựng phục vụ sản xuất và chiến đấu, vừa triển khai nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ để chuẩn bị cho ngày thắng lợi và xây dựng cho tương lai. Được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ, Viện bí mật thiết kế các mẫu hầm trú ẩn, thiết kế các công trình phòng không, tường che chắn, bảo vệ các công trình trọng yếu để bảo đảm an toàn tính mạng của quân, dân và an toàn cho các công trình. Viện cũng đã thiết kế nhiều công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử đặc biệt đó là công trình cột cờ Hiền Lương giữa hai bờ chiến tuyến, Hội trường Ba Đình và nhiều công trình trụ sở cơ quan và trường học như: Tổng cục Lâm nghiệp, trụ sở UBND tỉnh Nghĩa Lộ, Viện Nghiên cứu Đông Y, Đại học Nông nghiệp…
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn công tác của Chính phủ và Trung ương Đoàn nghe Viện Thiết kế dân dụng báo cáo giới thiệu “Dự án Trại hè Thiếu nhi Sầm Sơn” (07/5/1973, tại Triển lãm Vân Hồ). |
Thời kỳ 1969 - 1975, Viện Thiết kế kiến trúc đổi tên là Viện Thiết kế dân dụng. Đây là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Viện chuyển đại bộ phận cán bộ đi sơ tán về các vùng quê làm công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn chính quyền, nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới và bảo vệ lực lượng. Một số cán bộ thiết kế được điều động, biệt phái tăng cường cho các tỉnh miền Bắc, hình thành các tổ chức thiết kế làm nòng cốt giúp các tỉnh về nghiệp vụ và thiết kế xây dựng công trình tại địa phương. Mặt khác, một bộ phận cán bộ ưu tú, trung kiên được giao thực hiện nhiệm vụ chính trị chuẩn bị cho cách mạng giải phóng miền Nam. Bộ Xây dựng cử đoàn cán bộ trong đó có nhiều cán bộ ưu tú của Viện tham gia thiết kế một số công trình ở tuyến trong vùng giải phóng và khu làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1970 - 1973, thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao phó, Viện đã phối hợp cùng với các chuyên gia Liên Xô chủ trì công tác thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời kỳ 1975 - 1978, Bộ Xây dựng chủ trương sáp nhập ba viện thiết kế: Viện Quy hoạch đô thị - nnông thôn, Viện Thiết kế công trình kỹ thuật đô thị và Viện Thiết kế dân dụng thành Viện Xây dựng đô thị - nông thôn. Để đáp ứng nhu cầu tiếp quản ngành Xây dựng ở miền Nam, Viện đã tăng cường cho miền Nam một đội ngũ gồm 147 cán bộ quản lý và chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm.
Hầu hết cán bộ của Viện vào trong Nam đều gánh vác trọng trách như Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở Xây dựng, Viện trưởng, Viện phó các Viện thiết kế, Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường đại học, trung học xây dựng. Số còn lại đều là nòng cốt của lực lượng thiết kế ở các tỉnh phía Nam. Số cán bộ còn lại trên miền Bắc của Viện được bổ sung thêm các lớp kiến trúc sư, kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước và nước ngoài những năm tiếp theo. Ngoài ra, các cán bộ được đào tạo sau đại học ở nước ngoài cũng tề tựu trở về khá nhiều, cùng với số anh chị em được rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn trong nước. Thế hệ kiến trúc sư, kỹ sư thứ hai đã trở thành những cán bộ chủ chốt gánh vác vai trò cán bộ đầu đàn của Viện đầu ngành trong cả nước. Giai đoạn này, Viện được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1975).
Thời kỳ 1978 - 1993, Viện Xây dựng đô thị và nông thôn lại được tách ra và lúc này Viện đổi tên thành Viện Thiết kế nhà ở và công trình công cộng. Mười năm Viện mang tên Viện Thiết kế nhà ở và công trình công cộng, cũng là thời gian Viện đã đóng góp rất nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học và góp phần biên soạn, xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quy phạm của ngành. Đó là những năm tháng các cán bộ của Viện miệt mài nghiên cứu, tổ chức các hội thảo khoa học để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, tìm tòi sáng tạo những mẫu thiết kế áp dụng cho thực tiễn. Các mẫu nhà ở của Viện đã được triển khai thiết kế thi công và áp dụng xây dựng tại nhiều địa phương trong cả nước, đáp ứng nhu cầu ở của cán bộ nhân dân. Công trình tiêu biểu giai đoạn này gồm Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu nhà ở Ngoại giao đoàn Vạn Phúc Hà Nội, các khu nhà ở cho chuyên gia nước ngoài trên công trình thuỷ điện sông Đà, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Uông Bí, Phả Lại. Xây dựng mới Bưu điện Bờ Hồ, công trình Phương Đông 2, Đài vệ tinh Hoa Sen, Đài truyền hình Giảng Võ, các tháp truyền hình Tam Đảo, các khách sạn ở bãi Cháy, Đồ Sơn, Sầm Sơn và hàng loạt công trình bệnh viện cho các tỉnh. Những đóng góp của Viện được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (1980), Huân chương Lao động hạng Nhất lần 1 (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất lần 2 (1990).
Tổng Bí thư Đỗ Mười - nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng (1973 - 1977) tới thăm và làm việc với VNCC (1995). |
Thương hiệu tư vấn thiết kế của những công trình mang dấu ấn thế kỷ
Thời kỳ 1993 - 2006, Viện đổi tên thành Công ty Tư vấn Xây dựng dân dụng Việt Nam (VNCC) và từ đó tên gọi VNCC đã quen thuộc trong ngành Xây dựng và trên thị trường. Không chỉ là sự chuyển đổi tên gọi mà đây còn là sự chuyển đổi về mô hình tổ chức, phương thức quản lý để thích ứng với thị trường.
VNCC đã triển khai dự án ODA “Tăng cường tổ chức và phát triển nhân lực cho VNCC” do Vương quốc Anh tài trợ, thực hiện dự án đầu tư chiều sâu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO)... nhằm chuyển biến phương thức hoạt động theo xu thế quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để chuẩn bị bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng của thế kỷ XXI.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Võ Văn Kiệt duyệt phương án thiết kế công trình Trung tâm Hội nghị Quốc tế (1997). |
Với sự đầu tư bài bản, năng lực thiết kế được nâng cao, giai đoạn này Công ty thực hiện nhiều công trình của Đảng, Nhà nước như Nhà A1, A2 trụ sở ban Đảng, Văn phòng Chính phủ, Trung tâm Hội nghị quốc tế phục vụ Hội nghị AEMS - 5, Nhà ga Hành khách Quốc tế T1 - Sân bay Nội Bài; các công trình văn hóa - giáo dục như Bảo tàng Dân tộc học, Nhà văn hóa Thanh thiếu niên quận Hai Bà Trưng, Đại học Quốc gia Hà Nội; các trụ sở Ngân hàng Công thương, trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trụ sở Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội; Trung tâm thương mại Vincom, Bà Triệu, Hà Nội; các Bệnh viện Quốc tế, Bệnh viện 19-8. Công ty hợp tác với Heerim, Hàn Quốc thiết kế trụ sở Tổng Công ty Điện lực EVN...
Ninh Nhi
Theo