(Xây dựng) – Trong năm 2025, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) sẽ đẩy mạnh triển khai công tác tập huấn, phổ biến Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, lấy ý kiến Nghị định hướng dẫn thi hành luật, các quyết định, thông tư…
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh minh họa) |
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn được phê duyệt
Trong năm 2024, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị Việt Nam đạt 100%. Quy hoạch phân khu tại đô thị đặc biệt và đô thị loại I ước tính đạt khoảng 80%, tại đô thị còn lại ước tính khoảng 55% so với đất xây dựng đô thị. Quy hoạch chi tiết tại đô thị đặc biệt và đô thị loại I ước tính khoảng 40%, các đô thị còn lại ước tính khoảng 25% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) trên cả nước đạt khoảng 94,4%.
Bộ Xây dựng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/08/2024. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Kế hoạch thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.
Về công tác lập, thẩm định các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng theo phân cấp, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 nhiệm vụ và 16 đồ án; ban hành theo thẩm quyền 13 quyết định đối với các nhiệm vụ và đồ án; góp ý đối với 6 quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có ý kiến đối với 120 nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh.
Mặt khác, Bộ đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng được phân công tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Bộ Xây dựng cũng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, ban hành quy định kiểm soát quy hoạch xây dựng đối với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trong các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Về quy hoạch xây dựng nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Bộ đã chỉ đạo rà soát nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng NTM; tiếp tục nhiệm vụ được phân công theo dõi, đôn đốc công tác xây dựng NTM tại 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh; góp ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hợp nhất hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu NTM/NTM nâng cao cấp xã, huyện giai đoạn 2021 - 2025 và hướng dẫn xem xét, đánh giá công nhận Tiêu chí 1 về quy hoạch xã NTM nâng cao; thực hiện các nhiệm vụ khác của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về quản lý kiến trúc, Bộ tiếp tục đôn đốc triển khai Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoach kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống; công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc khi có đề nghị; thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiến trúc sư ASEAN của 2 kiến trúc sư đề nghị được công nhận Kiến trúc sư ASEAN. Hiện tại, ngành Xây dựng Việt Nam đang có 362 kỹ sư và 42 kiến trúc sư đạt tiêu chuẩn ASEAN.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn thành lập Đoàn công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc tại tỉnh Long An và tỉnh Bình Thuận; tiếp tục thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua xây dựng hệ thống thông tin quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam (UPIS).
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có 6 nội dung trọng tâm
Cũng trong năm 2024, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với 6 nội dung trọng tâm.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng. |
Thứ nhất, từ hai Luật là Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014, Bộ Xây dựng đã xây dựng lại, hệ thống hóa một cách rõ nét quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản và tích hợp, lồng ghép một số quy hoạch như quy hoạch phân khu tại các đô thị loại III, IV, V vào quy hoạch chung; đơn giản hóa cấp độ quy hoạch, nội dung quy hoạch, đảm bảo trình tự trong quá trình thực hiện; tạo hướng mở để Chính phủ quy định loại hình quy hoạch, đối tượng lập quy hoạch, quy mô cần thiết lập quy hoạch.
Thứ hai, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã bổ sung các yêu cầu, nguyên tắc mang tính thống nhất, phù hợp của cấp độ quy hoạch nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại địa phương thời gian qua.
Thứ ba, Luật đơn giản hóa về trình tự, thủ tục, thời gian lập quy hoạch để công cụ quy hoạch sẽ là những bước quan trọng dẫn dắt, thu hút đầu tư và định hình không gian, kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị, nông thôn.
Thứ tư, Luật đã tăng cường phân cấp, ủy quyền cho địa phương lập quy hoạch từ công tác tổ chức lập, phê duyệt.
Thứ năm, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn bổ sung các yêu cầu chặt chẽ trong công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Thứ sáu, Luật làm rõ hơn nguồn lực cho công tác lập quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch.
Đẩy mạnh phổ biến, tập huấn Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng cho biết, trong thời gian tới, Vụ sẽ đẩy mạnh triển khai tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; lấy ý kiến Nghị định hướng dẫn thi hành luật, các quyết định, thông tư…
Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị Việt Nam trong năm 2024 đạt 100%. (Ảnh: Internet) |
Do đó, Vụ đề nghị các Sở Xây dựng và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng Nghị định hướng dẫn, Quyết định, Thông tư mang tính hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Vụ sẽ phối hợp, tăng cường công tác hướng dẫn kiểm tra tại các địa phương để giảm bớt các vi phạm quy định pháp luật về quy hoạch.
Công tác rà soát, điều chỉnh của các đô thị cần phải được triển khai kịp thời. Vụ Quy hoạch – Kiến trúc đề nghị các địa phương khi rà soát cần phải lập và điều chỉnh quy hoạch với tinh thần mới của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thành các quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ Đức, Long Thành, Cần Thơ, Nhơn Trạch… và các khu chức năng mang tầm quốc gia; tăng cường công tác xây dựng công cụ hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý nhằm rút ngắn thời gian quản lý, đánh giá sự phù hợp của các cấp độ quy hoạch.
Mặt khác, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc sẽ tổ chức thẩm định các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền; tổ chức thẩm định để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khi có yêu cầu; cho ý kiến đối với các đồ án quy hoạch chung đô thị từ loại IV trở lên và các quy hoạch xây dựng các khu chức năng khác.
Vụ cũng có trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Kiến trúc và Định hướng kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục triển khai thực hiện dự án UPIS; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dụng được Bộ Xây dựng phân công theo Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Kế hoạch tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; chỉ đạo đôn đốc việc thực hiện các đồ án quy hoạch theo phân cấp đảm bảo tiến độ được phê duyệt; đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch chung xây dựng đô thị, các quy hoạch xây dựng các khu chức năng và công khai quy hoạch trên trang thông tin điện tử…
Dịch Phong
Theo