(Xây dựng) - Với quy hoạch vừa được phê duyệt, Hà Nội sẽ có cơ hội vươn mình phát triển vượt bậc, trở thành một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và đáng sống.
Phát triển và xây dựng một Thủ đô đáng sống
Ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Một trong những điểm nổi bật trong quy hoạch xác định Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch này không chỉ dựa vào thế mạnh hiện tại của Hà Nội mà còn khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô theo hướng “Văn hiến - văn minh - hiện đại”, trở thành một thành phố xanh, thông minh và có chất lượng sống cao, ngang tầm với các Thủ đô phát triển trong khu vực và thế giới.
Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình kết cấu không gian hợp lý, với các hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, các trục phát triển kết hợp với hệ thống giao thông hiện đại và đồng bộ. Quy hoạch đề xuất phát triển các mô hình đô thị mới như đô thị thông minh, đô thị khoa học công nghệ, đô thị sân bay, đô thị du lịch... nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
Phát triển, khai thác có hiệu quả 5 không gian phát triển, bao gồm: Không gian công cộng, không gian trên cao, không gian ngầm, không gian văn hóa sáng tạo và không gian số. Các không gian này sẽ được phát triển hài hòa để đáp ứng nhu cầu sống, làm việc và sáng tạo của cộng đồng. Sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối Vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình: 5 không gian phát triển - 5 hành lang và vành đai kinh tế - 5 trục động lực phát triển - 5 vùng kinh tế, xã hội - 5 vùng đô thị. Trong đó, các hành lang, vành đai kinh tế Thủ đô được hình thành trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia. 5 trục động lực gồm: Trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Cổ Loa; Nhật Tân - Nội Bài; Hồ Tây - Ba Vì và trục phía Nam. 5 vùng kinh tế xã hội gồm: Vùng trung tâm (gồm khu vực nội đô lịch sử; khu vực đô thị trung tâm và đô thị trung tâm mở rộng tại phía Nam sông Hồng); vùng phía Đông; vùng phía Nam, vùng phía Tây và vùng phía Bắc. 5 vùng đô thị được phát triển gồm: Vùng đô thị trung tâm, vùng thành phố phía Tây, vùng thành phố phía Bắc, vùng đô thị phía Nam và vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì.
Phát triển không gian đô thị kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn và hiệu quả không gian ngầm, bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng. Bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang khu vực nội đô lịch sử, khu vực thành cổ Sơn Tây, các khu phố cổ, phố cũ gắn với các công trình kiến trúc có giá trị nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch bền vững. Hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô để tạo các cực tăng trưởng, động lực phát triển mới, thúc đẩy sự phát triển lan tỏa và hài hòa giữa đô thị và nông thôn, tạo lập thể chế đặc thù để khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có tại mỗi khu vực.
Hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô. Khu vực nông thôn được tổ chức theo 3 mô hình tiêu biểu gồm: Mô hình truyền thống, không nằm trong vùng đô thị hóa; mô hình nông thôn nằm trong vùng đô thị hóa và mô hình nông thôn làng cổ, làng nghề.
Cơ sở tạo sự thống nhất, chặt chẽ về quy hoạch đô thị
Đánh giá về Quy hoạch Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội 2021 - 2030 là một bước đi quan trọng, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của thành phố. Với tầm nhìn và các giải pháp sáng tạo, Quy hoạch Thủ đô sẽ là nền tảng vững chắc để Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong tương lai, trở thành một thành phố hiện đại, xanh và bền vững, xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, và văn hóa của cả nước. Quy hoạch không chỉ đưa ra các giải pháp về hạ tầng, giao thông, môi trường mà còn giúp định hình một xã hội hiện đại, thông minh và sáng tạo.
Đây là cơ hội để Hà Nội phát triển, là cơ sở quan trọng để triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là quán triệt các quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm để Thủ đô vững bước cùng đất nước phát triển nhanh, bền vững, trong “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Còn theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô đã đưa ra mục tiêu giao thông đô thị tổng quát, phát triển hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đồng bộ, hiện đại, liên thông các cơ sở dữ liệu lớn… tạo nền tảng phát triển chính quyền số, xã hội số, công dân số và kinh tế số. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nội dung quy hoạch minh bạch, hiệu quả, khả thi là điều kiện để cộng đồng xã hội chung tay, chủ động tham gia và giám sát tiến trình thực hiện.
Theo các chuyên gia, Quy hoạch Thủ đô sẽ là công cụ quan trọng để quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, triển khai lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo đúng định hướng lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; được xem là “kim chỉ nam” để xây dựng hạ tầng đô thị… Đây cũng là quy hoạch quan trọng của Thủ đô, kết hợp với Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đang chờ phê duyệt sẽ tạo sự thống nhất, kết nối chặt chẽ với nhau về quy hoạch, giúp cho Hà Nội phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, để công tác thực hiện và triển khai quy hoạch đi vào thực tiễn, Hà Nội cần chú trọng phối hợp đa ngành với sự vào cuộc không chỉ của chính quyền Thủ đô mà còn của cả xã hội; sớm có cơ chế quản lý tốt hơn, có những giải pháp về quy hoạch hợp lý để thúc đẩy thực hiện theo đúng kế hoạch đặt ra. Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội cần một chương trình phát triển đô thị với lộ trình phát triển từng bước theo không gian, trình độ, lựa chọn các bước đi phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn; có cơ chế chính sách huy động nguồn lực và định hướng đầu tư, quản lý hiệu quả...
Yến Mai
Theo