(Xây dựng) - Những năm qua, Viện Kinh tế xây dựng đã đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích xuất sắc. Công tác khen thưởng đã được Viện Kinh tế xây dựng đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy trình, khách quan, chính xác, công bằng, đúng người, đúng việc.
Phong trào thi đua của Viện Kinh tế xây dựng luôn gắn với việc hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ việc quản lý nhà nước của ngành Xây dựng. |
Tập trung nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách
Viện Kinh tế xây dựng là đơn vị sự nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, với chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu chiến lược, cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư xây dựng. Trong chặng đường gần 50 năm qua, Viện Kinh tế xây dựng tự hào đã có những đóng góp nhất định trong việc hình thành và hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của nước ta.
Viện Kinh tế xây dựng là đơn vị chủ trì soạn thảo và trình ban hành những văn bản quản lý đầu tư xây dựng đầu tiên ở nước ta (Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản số 232-CP năm 1981) đến các văn bản quy định pháp luật làm nền tảng cho sự ra đời của Luật Xây dựng (Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng số 52/1999/NĐ-CP, Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng số 12/2000/NĐ-CP, Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng số 07/2003/NĐ-CP). Viện Kinh tế xây dựng cũng là thành viên chủ chốt tham gia soạn thảo Luật Xây dựng 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng. Đồng thời, Viện Kinh tế xây dựng cũng là đơn vị chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách quản lý lĩnh vực kinh tế trong hoạt động xây dựng và xây dựng hệ thống công cụ phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, Viện Kinh tế xây dựng đã hoàn thành việc soạn thảo 2 nghị định (Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS) và 15 thông tư hướng dẫn quản lý chi phí trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhà ở và thị trường BĐS.
Ngoài ra, Viện Kinh tế xây dựng cũng đã soạn thảo trình Bộ ban hành 15 quyết định công bố hệ thống chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật, với 2.900 chỉ tiêu suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình; 2.500 chỉ tiêu chỉ số giá xây dựng quốc gia, 144 chỉ tiêu chỉ số giá BĐS quốc gia. Đặc biệt, với việc tham gia Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng chủ trì rà soát khoảng 16.000 định mức trong đó đã loại bỏ hơn 2.200 định mức lạc hậu góp phần tiết kiệm được chi phí đầu vào của chi phí đầu tư xây dựng, tiết kiệm vốn đầu tư các dự án sử dụng vốn của Nhà nước.
Trong 5 năm qua, Viện Kinh tế xây dựng đã chủ trì đề án áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Đề án là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy việc sử dụng công nghệ quản lý mới vào lĩnh vực đầu tư xây dựng, góp phần tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số trong xây dựng.
Ghi nhận và đánh giá các kết quả đã đạt được, nhất là đối với nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, Viện Kinh tế xây dựng đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, Bằng Khen và danh hiệu thi đua các cấp.
Kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua
Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng Lê Văn Cư chia sẻ:Để đạt được các kết quả trên, Viện Kinh tế xây dựng luôn xác định nhiệm vụ phục vụ quản lý của Bộ Xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm và đã thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ này. Đây có thể được coi như những bài học kinh nghiệm trong tổ chức phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị.
Từ thực tế tổ chức phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Viện Kinh tế xây dựng rút ra được một số bài học sau: Một là: Phát động phong trào phát huy sáng kiến trong việc đề xuất ý tưởng hoàn thiện cơ chế, chính sách ngay từ khâu lập kế hoạch hàng năm.
Nhận thấy vai trò quan trọng của nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, ngay từ cuối năm trước và đầu năm kế hoạch, trong các cuộc họp toàn thể cán bộ, viên chức của Viện cũng như các cuộc họp giao ban trong Viện, lãnh đạo Viện luôn dành thời gian đáng kể để phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến pháp luật, đây được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của Viện bên cạnh các sáng kiến khác về giải pháp kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Sau khi các ý tưởng sáng kiến được đề xuất, được đem ra thảo luận kỹ càng trong hội đồng khoa học của Viện và đăng ký thực hiện với Bộ thông qua đề xuất văn bản quy phạm pháp luật hoặc nhiệm vụ khoa học, Viện xây dựng quy trình tổ chức soạn thảo, bảo đảm cơ sở thực tiễn và khoa học, phù hợp thể loại, hình thức, yêu cầu, nội dung của từng loại văn bản quy phạm pháp luật; Theo đó, thực hiện theo nguyên tắc thống nhất từ xây dựng đề cương sơ bộ, bảo vệ đề cương sơ bộ, xây dựng đề cương chi tiết, bảo vệ đề cương chi tiết, tổng hợp và đánh giá các vấn đề còn bất cập từ thực tiễn, dự thảo nội dung, tổ chức các buổi hội thảo, lấy ý kiến trong đơn vị để góp ý hoàn thiện nội dung, báo cáo lãnh đạo Bộ để có ý kiến chỉ đạo, chỉnh sửa và lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan bằng văn bản và trên website của Bộ và Viện, báo cáo hoàn thiện dự thảo văn bản với lãnh đạo Bộ chỉ đạo trực tiếp, lấy ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý và trình ban hành.
Để đảm bảo chất lượng soạn thảo, ngay sau khi nhận nhiệm vụ soạn thảo văn bản từ các cấp có thẩm quyền, Viện trưởng có văn bản quyết định phân công lãnh đạo Viện trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc có chức năng chuyên môn, theo từng bộ môn nghiên cứu chuyên sâu, phù hợp lĩnh vực nghiên cứu với nội dung văn bản quy phạm pháp luật được giao nhiệm vụ thực hiện. Công tác phản biện được tổ chức thường xuyên trong Viện thông qua các cuộc hội thảo cấp phòng, cấp Viện, Hội đồng chuyên môn và Hội đồng khoa học nhằm tìm ra những sai sót, mâu thuẫn, tránh chồng chéo và đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và khả thi trên thực tế.
Hai là: Xây dựng các tiêu chí, đánh giá thi đua gắn với hoạt động nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách.
Viện Kinh tế xây dựng xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho các danh hiệu thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng kiến ở cơ sở trong đó tiêu chí về đề xuất cơ chế, chính sách là tiêu chí quan trọng không thể thiếu với các danh hiệu như Chiến sỹ thi đua cơ sở, Tập thể lao động xuất sắc, Tập thể lao động tiêu biểu Viện Kinh tế xây dựng,... Các tiêu chí thi đua của Viện được cụ thể cho từng danh hiệu đối với tập thể và cá nhân. Đối với những danh hiệu càng cao thì càng có nhiều tiêu chí, yêu cầu cao nhưng đi đôi với nó là mức tiền thưởng càng lớn.
Ba là: Tổ chức đánh giá thi đua theo các tiêu chí đã đề ra. Theo các tiêu chí đã đề ra trong quy chế thi đua - khen thưởng, các phong trào thi đua được phát động ngay từ đầu năm. Tới khi tổng kết năm kế hoạch hoặc dịp kỷ niệm thành lập Viện sẽ được Hội đồng thi đua khen thưởng đồng thời là Hội đồng sáng kiến của Viện xem xét các báo cáo thành tích, các báo cáo đề xuất sáng kiến của tập thể, cá nhân một cách chi tiết, cụ thể, theo đúng quy trình, biểu mẫu đã được hướng dẫn chi tiết trong quy chế thi đua của Viện.
Việc tổ chức, thực hiện phong trào thi đua của Viện Kinh tế xây dựng đã tạo sự minh bạch, rõ ràng trong đánh giá, khích lệ, động viên tinh thần đổi mới, sáng tạo cho cán bộ, người lao động, người xây dựng cơ chế chính sách hay nghiên cứu khoa học hay làm dịch vụ tư vấn đều được đánh giá một cách toàn diện để mỗi người phát huy thế mạnh của mình một cách tốt nhất.
Thành Luân
Theo