(Xây dựng) - Sáng 20/9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh vị thế, vai trò của các khu công nghiệp trên địa bàn đã đóng góp nhiều mặt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Thu ngân sách, tạo việc làm, xuất khẩu và hình thành ngành công nghiệp phụ trợ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 29 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 17 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích là 3.146ha; 493 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu công nghiệp, trong đó có 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải quyết việc làm cho trên 140 nghìn lao động.
Tuy nhiên thời gian qua, việc triển khai các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như tính pháp lý về quy định khung đối với khu công nghiệp chưa cao; công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng; nguồn đất san nền cho các dự án khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn; giá đất thuê cao..., khiến lợi thế cạnh tranh, tính hấp dẫn có xu hướng giảm sút.
Tham luận tại Hội nghị, chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp thứ cấp trong các khu công nghiệp đánh giá cao môi trường đầu tư, sự đồng hành cùng các chính sách đột phá phát triển công nghiệp của tỉnh. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ triển khai các dự án...
Trong đó, ông Kenta Kawanabe, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho rằng: Để phát triển khu công nghiệp bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc cần làm tốt công tác đào tạo nguồn lao động; hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động chất lượng cao thông qua các hội chợ giới thiệu việc làm hoặc làm đầu mối kết nối với các trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Tiếp tục có các cơ chế, chính sách thông thoáng hỗ trợ các nhà đầu tư về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc phát triển Dự án Khu công nghiệp Bá Thiện 2, Công ty Cổ phần Vina - CPK cho rằng: Để Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tỉnh cần sớm triển khai, hoàn thiện các quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch phát triển khu công nghiệp và cụ thể hóa quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để các nhà đầu tư rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai việc nghiên cứu, lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án các khu công nghiệp mới.
Cùng với đó, giải quyết tốt các vấn đề về định giá đất, khung giá đất, giao đất cũng như phê duyệt cấp vốn cho các dự án tái định cư phục vụ cho dự án hạ tầng khu công nghiệp, tạo hành lang thuận lợi cho việc đẩy nhanh công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt. Tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu công nghiệp, nhất là về điện, nước, nhà ở công nhân, giao thông công cộng…
Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại tỉnh. |
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh chủ trương "Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, động lực cho sự phát triển" là quan điểm xuyên suốt của Vĩnh Phúc qua các nhiệm kỳ. Các ý kiến góp ý tại Hội nghị là giải pháp quan trọng để Vĩnh Phúc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển bền vững các khu công nghiệp, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Chỉ rõ những điểm nghẽn, nút thắt cần tháo gỡ, trên cơ sở quán triệt quan điểm, mục tiêu phát triển khu công nghiệp bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với định hướng phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các Sở, ngành liên quan kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, khẩn trương lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 35 của Chính phủ; yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam; tập trung nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng bảo đảm đồng bộ, hiện đại chất lượng cao, bảo vệ môi trường.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; quan tâm chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm giá thuê đất khu công nghiệp, giá thuê nhà xưởng hợp lý. Hướng tới mục tiêu phát triển các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh. Với phương châm: “Các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc; Doanh nghiệp giàu, Vĩnh Phúc phát triển”, tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại tỉnh.
Bích Huệ
Theo