(Xây dựng) – Những năm qua, Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách tập trung phát triển ngành công nghiệp chiều sâu, có lợi thế, gia tăng giá trị, thân thiện với môi trường. Qua đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện tốt an sinh xã hội, thúc đẩy thúc đẩy phát triển kinh tế hiệu quả, môi trường sinh thái được đảm bảo.
Sản xuất công nghiệp ngày càng thay đổi cả về chất và lượng. |
Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm, nhờ biết khai thác những lợi thế về vị trí địa lý, đất đai và các chính sách thu hút đầu tư, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN).
Đến nay, tỉnh được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển KCN đến năm 2030 với 28 KCN được quy hoạch, tổng diện tích là 4.815ha, hiện tại 17 KCN đã được thành lập, trong đó 9 KCN đã đi vào hoạt động hiệu quả. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê là gần 900ha, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt hơn 60% với hơn 1.250 dự án FDI và DDI đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giai đoạn 2021 - 2024, sản xuất công nghiệp chiếm hơn 70% tổng giá trị sản xuất của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 - 2024 của tỉnh đạt hơn 7%/năm (Vĩnh Phúc là 1 trong nhóm 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước); năm 2024, dự kiến tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt trên 7,5%.
Năm 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp khó khăn, nhất là ngành sản xuất ô tô, xe máy giảm sâu. Để duy trì tăng trưởng, tỉnh đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ duy trì phát triển: Tích cực cải cách hành chính, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Rút ngắn thủ tục đầu tư, hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, bình ổn giá, đảm bảo các chuỗi cung ứng; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan…
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh thông qua phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Trung ương và của tỉnh. Tổ chức chương trình không gian triển lãm, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ - Kết nối cùng phát triển - “Link to Grow” tại Vĩnh Phúc.
Tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Quỹ đầu tư META, Công ty Grandway Singapore... Nhờ đó, thu hút đầu tư của tỉnh tăng cao. 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,11% so với cùng kỳ; chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,3% so với cùng kỳ...
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực, lợi thế của tỉnh đều tăng. Cụ thể, ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của tỉnh tăng 17,92% so với cùng kỳ; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng sản phi kim loại tăng 5,98% so với cùng kỳ; ngành sản xuất kim loại tăng 19,61% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành sản xuất ô tô giảm 14,4% và xe máy giảm 0,68% so với cùng kỳ…
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu
Với mục tiêu “lấy phát triển công nghiệp làm trụ cột nền kinh tế”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030... làm cơ sở để cụ thể hóa triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Trong đó xác định 40 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể giao cho các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu sở, ngành, địa phương thực hiện triển khai xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm nay đề ra mục tiêu: Phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển - một trong những trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước gắn với phát triển bền vững; khai thác hiệu quả vị trí, tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 13,5 - 14%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 8,3%/năm; tỷ trọng kinh tế công nghiệp tiếp tục được nâng cao. Phấn đấu đến năm 2030, GRDP ngành công nghiệp đạt 120 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% GRDP toàn tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, Vĩnh Phúc tập trung thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực lợi thế như công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí (sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy...), vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy, điện tử; công nghệ cao…
Phấn đấu thu hút mỗi năm thêm 20 - 25 dự án FDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 300 - 400 triệu USD; 10 - 12 dự án DDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 500 - 700 tỷ đồng/năm.
Theo đó, năm 2025, có thêm 3 KCN đi vào hoạt động gồm KCN Tam Dương I - khu vực 2 quy mô 156,76ha, KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II - giai đoạn 1) quy mô 145,27ha, KCN Sông Lô II quy mô 165,65ha… là cơ hội tốt để tỉnh thu hút các nhà đầu tư xúc tiến đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp chiều sâu, có lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) được xây dựng đồng bộ, thân thiện với môi trường. |
Hướng tới phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, bền vững
Hiện thực hóa chủ trương "Lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước và cho sự phát triển chung của tỉnh", Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh phát triển các KCN theo hướng xanh, bền vững; đưa tỉnh tiếp tục là “bến đỗ” của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên.
Để có các KCN kiểu mẫu, xứng tầm, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược và phát triển theo hướng xanh, bền vững, tại Hội thảo phát triển bền vững các KCN do Ban Quản lý các KCN tỉnh tổ chức vừa qua, bà Đàm Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Amane - chủ đầu tư KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Lập Thạch) cho biết: Vừa là nhà đầu tư hạ tầng KCN, đồng thời là nhà đầu tư thứ cấp của hàng chục dự án khác nhau tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, hợp tác kinh doanh tại hơn 100 quốc gia, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc việc phát triển KCN theo hướng xanh, bền vững vừa là một yêu cầu nhiệm vụ, vừa là chiến lược phát triển dài hạn, đảm bảo sự cân bằng và tính hiệu quả.
Theo bà Ngọc, để thu hút và phát triển công nghiệp đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh cần thu hút những doanh nghiệp, dự án có hàm lượng khoa học công nghệ, có giá trị gia tăng cao, tỷ suất đầu tư lớn, sử dụng ít năng lượng hóa thạch, giảm thiểu phát thải, quy trình kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh... Nhà đầu tư hạ tầng muốn cạnh tranh thu hút được các dự án có công nghệ cao, xanh và sạch, có hàm lượng giá trị gia tăng lớn thì việc chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng theo hướng hiện đại là yếu tố then chốt.
Cùng với đó là phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ; có quy hoạch và kế hoạch cho hoạt động đào tạo nhân lực và chuyển đổi ngành nghề đảm bảo nguồn nhân lực cho nhà đầu tư.
Với mục tiêu cung cấp hạ tầng, dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao, môi trường xanh - sạch - đẹp, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư thứ cấp, ông Nguyễn Anh Đệ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID) cho biết: VPID luôn chú trọng đến việc phát triển bền vững các KCN từ các hoạt động chăm sóc nhà đầu tư, nhất là bảo vệ môi trường.
Tỉnh cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, áp dụng các quy trình sản xuất xanh, hướng tới các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường…
Văn Nhất
Theo