(Xây dựng) – Đảm bảo hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 theo đúng nguyên tắc của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và bảo đảm nguồn vốn được phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đối với các dự án quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án cầu vượt đường sắt Nguyễn Tất Thành hoàn thiện và đưa vào sử dụng góp phần tạo điểm nhấn, giảm tải ùn tắc giao thông của thành phố Vĩnh Yên. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, dự kiến năm 2025, tổng vốn đầu tư công của Vĩnh Phúc là 6.898,370 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.150 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 5.748,370 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến năm 2025, từ 5.748,370 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, UBND tỉnh sẽ giao về cấp huyện quản lý hơn 2.650 tỷ đồng; số tiền gần 3.100 tỷ đồng do cấp tỉnh quản lý sẽ được phân bổ chi tiết cho hơn 60 dự án và các lĩnh vực an ninh trật tự; hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các dự án do cấp huyện, xã quản lý.
Việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công năm 2025 tuân thủ đúng nguyên tắc, tiêu chí theo quy định tại Điều 51 của Luật Đầu tư công. Đặc biệt, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước cho các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch trung hạn. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân trong năm 2025 và bảo đảm có thể phân bổ, giao chi tiết tiết cho dự án trước ngày 31/12/2024. Đối với các dự án khởi công mới, chỉ thực hiện bố trí vốn khi đã hoàn thành thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định. Tỉnh Vĩnh Phúc cương quyết không bố trí vốn cho các dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025.
Dự kiến sau khi Kế hoạch đầu tư công năm 2025 được Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVII thông qua, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định giao kế hoạch đầu tư công năm 2025 ngay cho các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư để triển khai thực hiện. Riêng đối với nguồn phân cấp về cấp huyện, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện giao vốn chi tiết cho các dự án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh có nghị quyết phân bổ ngân sách chi tiết nguồn vốn cho cấp huyện.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các nghị định hướng dẫn thi hành. Tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm. Tăng cường đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công.
10 tháng năm 2024, Vĩnh Phúc giải ngân được khoảng 4.683,3 tỷ đồng vốn đầu tư công bằng 60,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 51,4% tổng số vốn kế hoạch. Trong đó, vốn do cấp tỉnh quản lý 2.183,738 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch giao; vốn do cấp huyện, xã quản lý 2.499,562 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch giao.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh 10 tháng năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 gần 30% nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước gần 10%, xếp thứ 21/63 địa phương và đứng thứ 2/11 các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Văn Nhất
Theo