(Xây dựng) - Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc, hoạt động truy xuất nguồn gốc mới chỉ được một số doanh nghiệp quan tâm, nên sản lượng xuất khẩu của tỉnh còn khiêm tốn. Vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa việc truy xuất nguồn gốc để hội nhập quốc tế.
Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh, huyện Tam Dương dán tem truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản trước khi đưa vào thị trường. |
Trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì “truy xuất nguồn gốc” được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Điều này giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam nói chung và sản phẩm chủ lực, đặc hữu của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Để truy xuất nguồn gốc hàng hóa thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng hỗ trợ, phổ biến nhận thức chung cho các Sở, ngành, UBND các huyện, doanh nghiệp về chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
Việc phổ biến nội dung tập trung chủ yếu vào tổng quan các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc; cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai truy xuất nguồn gốc; hiện trạng truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam; thực trạng ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam; hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia; hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc địa phương; các yêu cầu về dữ liệu truy xuất nguồn gốc; tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc nông sản sản phẩm hàng hóa;
TCVN 12827:2019 yêu cầu đối với chuỗi cung ứng nông sản; TCVN 13166 truy xuất nguồn gốc - yêu cầu đối với chuỗi cung ứng thịt; nhóm TCVN về truy xuất nguồn gốc thủy sản; tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi sản phẩm tiêu dùng; tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc đối với cơ sở đóng gói.
Đồng thời tìm ra giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại doanh nghiệp; thực trạng truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam; những định nghĩa cơ bản về hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo sử dụng mã số, mã vạch nhằm đảm bảo công khai, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. |
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, thông qua nội dung phổ biến trên góp phần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
Thực tế hiện nay, nhiều thị trường trên thế giới yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam, trong đó truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc với các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật…và cả thị trường Trung Quốc. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng đưa ra những quy tắc trong đó vấn đề về nguồn gốc xuất xứ được đề cao. Theo đó, hàng hoá Việt muốn xuất khẩu sang EU phải tuân thủ nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, đặc biệt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc - thị trường lớn của Việt Nam những năm gần đây, cũng ban hành nhiều chính sách kiểm soát thương mại biên mậu và kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Mặc dù Vĩnh Phúc có nhiều sản phẩm, hàng hóa đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường như mật ong, thanh long ruột đỏ, dưa lưới..., song phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, thiết bị, trình độ công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu, hoạt động truy xuất nguồn gốc mới chỉ được một số đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, do đó, số lượng, sản lượng xuất khẩu của tỉnh còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế.
Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thông qua mã hóa thông tin không chỉ giúp doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin sản phẩm, người tiêu dùng yên tâm lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng mà còn là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hướng tới xuất khẩu và cụ thể hóa Quyết định số 100 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa” (Đề án 100), từ năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 293 thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sản xuất áp dụng, sử dụng hệ thống QR code trong truy xuất nguồn gốc nông sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ở góc độ người tiêu dùng, việc áp dụng QR code trên sản phẩm sẽ tránh được tình trạng mua phải hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sẽ thuận tiện hơn trong việc quản lý quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm và chiếm được lòng tin của người mua do sự minh bạch về thông tin. Đặc biệt, trong nền kinh tế 4.0 như hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc nhất là nông sản thông qua mã hóa thông tin sản phẩm là việc làm rất cần thiết cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Theo đó, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có tối thiểu 20% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế... và đến năm 2030 đảm bảo kết nối các sản phẩm, hàng hóa chủ lực và đặc sản của tỉnh với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; xây dựng hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hoá trong tỉnh.
Bích Huệ
Theo