Thứ ba 05/11/2024 09:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Vĩnh Phúc: Khó khăn trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao ở các xã miền núi

21:07 | 02/11/2021

(Xây dựng) - Để thực hiện mục tiêu hết năm 2021 toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 11 xã Nông thôn mới nâng cao, 36 thôn dân cư kiểu mẫu. Tuy nhiên, với một số xã miền núi, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp không ít khó khăn dẫn đến khó đạt mục tiêu đề ra.

vinh phuc kho khan trong xay dung nong thon moi nang cao o cac xa mien nui
Đến nay, xã Hồ Sơn mới đạt 86% đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm được cứng hóa.

Là địa phương về đích Nông thôn mới sớm, năm 2021, Hồ Sơn được huyện Tam Đảo lựa chọn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu. Qua rà soát, đến nay, xã đã đạt 3 tiêu chí, còn 2 tiêu chí chưa đạt gồm: Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân và hạ tầng kinh tế - xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lưu Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn cho biết: Trong 2 tiêu chí chưa đạt, còn 4 nội dung gặp khó khăn với địa phương. Trong đó, tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người phải đạt 66 triệu đồng/người/năm, không dễ để địa phương bảo đảm tiêu chí này. Bởi năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 43 triệu đồng/người/năm; năm nay, do dịch bệnh Covid-19 dẫn đến lao động thất nghiệp, các mặt hàng trọng điểm co lại, là những yếu tố khách quan nằm ngoài kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sản xuất nông nghiệp chiếm 53% cơ cấu kinh tế; hiện trong xã có 2 hợp tác xã rau, 90ha chuyên trồng rau, trong đó có 40ha trồng su su tập trung nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, các sản phẩm nông nghiệp rớt giá, có thời điểm khâu vận chuyển khó khăn khiến thu nhập của người dân giảm sâu.

Về giao thông, toàn xã có 86% đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm đã được cứng hóa, hiện địa phương đang tập trung hoàn thiện 1,4km còn lại. 29km đường trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm chưa có hệ thống điện chiếu sáng, đang đợi nguồn hỗ trợ của tỉnh để cân đối kinh phí thực hiện. Vừa qua, HĐND xã đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho các thôn xây dựng hệ thống cây xanh, đường hoa ở các ngõ xóm; với những ngõ không có chỗ trồng hoa, xã sẽ vận động người dân trồng hoa trên chậu tại các gia đình và trồng thêm cây xanh trong vườn do diện tích trồng cây xanh 2 bên đường hầu như không có.

Cũng như nhiều xã miền núi khác, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch đang gặp khó khăn để xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu. Hiện, toàn xã còn 6 hạng mục tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, môi trường, phát triển sản xuất, đào tạo việc làm, thu nhập và văn hóa. Do địa hình phức tạp, đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm của xã mới đạt 95%; tỷ lệ đường trục xã, trục thôn có hệ thống đèn điện chiếu sáng đạt trên 50%; 60% số hộ dân sử dụng nước sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường dưới 90%; tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo dưới 65%.

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 52 triệu đồng/người/năm, rất khó để xã đạt trên 60 triệu đồng/người vào cuối năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Riêng tiêu chí văn hóa, toàn xã hiện có 8 nhà văn hóa thôn cần mở rộng thêm từ 300-400m2 mới đạt tiêu chuẩn quy định.

vinh phuc kho khan trong xay dung nong thon moi nang cao o cac xa mien nui
Một số xã miền núi gặp khó khăn để thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Anh Chiến - Chủ tịch UBND xã Thái Hòa chia sẻ: Xã thuộc khu vực miền núi nên nguồn lực để đầu tư xây dựng Nông thôn mới của địa phương rất lớn. Việc huy động nguồn xã hội hóa rất khó khăn do người dân Thái Hòa chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, thu nhập bình quân đầu người không cao, trong khi trên địa bàn có rất ít doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh có mô hình sản xuất lớn. Hai tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa và môi trường cũng đang là khó khăn lớn đối với địa phương. Để cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà văn hóa tại các thôn dân cư cần nguồn kinh phí lớn, xã đang cân đối nguồn thu từ đấu giá đất và vận động xã hội hóa, tuy nhiên, khó để bảo đảm hoàn thành tiêu chí trong năm nay. Trước đây, xã đã được hỗ trợ xây dựng bể thu gom, xử lý nước thải nhưng do nhu cầu phát triển sản xuất ngày càng nhiều, hệ thống này đến nay đã quá tải, hoạt động không hiệu quả. Hiện, toàn bộ nước thải chăn nuôi của xã xả thẳng ra kênh mương, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Qua tìm hiểu thực tế tại các xã miền núi trên địa bàn tỉnh, quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu đều đang gặp khó khăn do thiếu nguồn kinh phí thực hiện. Trong khi đó, hầu hết các xã có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khó thu hút đầu tư phát triển sản xuất dẫn đến thu nhập bình quân đầu người, đời sống của người dân không cao nên khó huy động được nguồn lực xã hội hóa. Để về đích xã nông thôn mới theo kế hoạch, các địa phương cũng kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc có thêm cơ chế đặc thù hỗ trợ các xã miền núi trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Bích Huệ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load