(Xây dựng) – Theo Bộ tiêu chí quốc gia mới về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao thì tỷ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống nước tập trung đạt từ 65% trở lên. Tiêu chí này đang gây không ít khó khăn, lúng túng cho các địa phương khi xây dựng xã nông thôn mới nâng cao ở Vĩnh Phúc.
Chỉ tiêu nước sạch tập trung là một tiêu chí khó thực hiện ở các xã đăng ký xã nông thôn mới nâng cao ở Vĩnh Phúc. |
Theo thông tin từ Văn phòng điều phối nông thôn mới Vĩnh Phúc: Tiêu chí về nước sạch tập trung là một tiêu chí khó thực hiện ở hầu hết các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh cùng các huyện, thành phố từng bước đưa các giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn về chỉ tiêu, tiêu chí nước sinh hoạt cho người dân nông thôn.
Xã Duy Phiên, huyện Tam Dương đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2014, với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, năm 2023 xã Duy Phiên tiếp tục đăng ký về đích xã nông thôn mới nâng cao. Sau khi rà soát các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đến nay xã Duy Phiên đã đạt 15/19 tiêu chí. Hiện còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất và chất lượng môi trường sống, trong đó chỉ tiêu về nước sạch tập trung trong tiêu chí môi trường sống là tiêu chí khó khăn nhất của địa phương.
Theo thống kê, năm 2022, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung theo quy chuẩn trên địa bàn xã mới chỉ đạt 19,55%, chủ yếu là người dân thôn Thượng, thôn Hạ do đấu nối được với nhà máy nước của Công ty Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc trên địa bàn xã Đạo Tú. Còn lại hầu hết người dân địa phương chỉ sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi chất lượng nước chưa được đảm bảo, để sử dụng nước giếng cho việc nấu ăn, người dân lắp các thiết bị lọc nước trên thị trường cung cấp. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay lượng mưa ít, người dân trong xã Duy Phiên đang phải vật lộn với việc thiếu nước trong sinh hoạt do các giếng khoan, giếng khơi đều cạn nước.
Bà Đinh Thị Hòa, thôn Chùa, xã Duy Phiên chia sẻ: “Chưa bao giờ giếng nước của gia đình tôi cạn nước, mà từ cuối năm ngoái tôi phải đi xin nước sạch đóng bình nhà họ hàng để sử dụng cho ăn uống (vì điều kiện gia đình khó khăn nên chưa thể mua được máy lọc nước để dùng), còn nước sinh hoạt tôi phải xin nước giếng khoan của nhà hàng xóm cách nhà 500m để phục vụ sinh hoạt. Vì thế, gia đình tôi phải tằn tiện từng chút nước”.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Duy Phiên cho biết: Để đạt tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch tập trung theo quy chuẩn, xã đã triển khai đến 8 thộn lập danh sách các hộ đăng ký sử dụng nước sạch tập trung (số hộ đăng ký sử dụng nước sạch tập trung đạt 93%). UBND xã đã tổng hợp và báo cáo UBND huyện, tỉnh và Công ty Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc đề xuất sớm lắp đặt hệ thống cấp nước sạch tập trung trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho người dân lắp đặt, đấu nối và sử dụng nước sạch từ nhà máy nước đi qua địa bàn xã. Qua đó, hạn chế các nguồn nước không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời, đảm bảo chỉ tiêu về nước sạch, góp phần hoàn thành bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Phấn đấu về đích xã nông thôn mới năm 2023, đến nay, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch đang tập trung hoàn thành các tiêu chí. Chỉ tiêu nước sạch theo tiêu chí mới cũng đang là tiêu chí rất khó đối với địa phương.
Cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và doanh nghiệp cung cấp nước sạch để tháo gỡ khó khăn cho các xã. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phan Thế Đường - Chủ tịch UBND xã Bắc Bình cho biết: Hiện toàn xã có 1.926 hộ dân, đến nay trên địa bàn xã chưa có hộ nào sử dụng nước sạch tập trung vì trên địa bàn xã chưa được đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung. Đa số người dân địa phương đang sử dụng nguồn nước ngầm được khai thác từ giếng khơi, giếng khoan, chất lượng nước đảm bảo hợp vệ sinh. Để đảm bảo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt quy chuẩn, các hộ dân đã tự đầu tư xây bể lọc và mua các thiết bị máy lọc nước để phục vụ sinh hoạt gia đình.
Qua khảo sát các hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch tập trung theo tiêu chí, các hộ trên địa bàn xã đăng ký sử dụng rất ít. Theo kế hoạch của huyện Lập Thạch, huyện sẽ có đề xuất Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc mở rộng cấp nước đầu nối cho các hộ dân trên địa bàn xã để đảm bảo chỉ tiêu nước sạch tập trung cho xã. Tuy nhiên qua khảo sát, số hộ dân trong xã đăng ký sử dụng nước sạch tập trung rất ít, do chất lượng nguồn nước giếng khoan, giếng khơi củ các hộ trong xã vẫn đảm bảo chất lượng.
Hơn nữa, từ năm trước, xã đã triển khai vận động tuyên truyền người dân mỗi hộ gia đình mua một máy lọc nước để đảm bảo chất lượng nước dung cho ăn uống. Đối với những hộ thuộc diện khó khăn xã đã thống kê và mỗi hộ được trợ cấp một máy lọc nước theo chương trình của tỉnh. Do vậy, để vận động tuyên truyền các hộ duy trì sử dụng nước sạch tập trung theo quy định cũng gặp nhiều khó khăn.
Có thể thấy rằng, chỉ tiêu nước sạch tập trung thuộc tiêu chí chất lượng môi trường sống là tiêu chí rất khó thực hiện ở hầu hết các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao, cần có sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh cùng các huyện, thành phố đưa các giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn về chỉ tiêu, tiêu chí nước sinh hoạt cho người dân nông thôn.
Bích Huệ
Theo