(Xây dựng) - Sáng 28/12, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đô Lương (Nghệ An) long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cùng Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu trao Bằng công nhận huyện Đô Lương đạt chuẩn huyện nông thôn mới. |
Đô Lương là huyện đồng bằng bán sơn địa, có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đa dạng; là vùng đất văn hiến, có vị trí chiến lược quan trọng, có bề dày lịch sử vẻ vang. Người dân Đô Lương thông minh, hiếu học, giàu truyền thống yêu nước, sáng tạo và chịu khó trong lao động sản xuất. Trên địa bàn huyện có hơn 191 di tích và danh thắng, 38 di tích được xếp hạng trong đó có 10 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 28 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Di tích lịch sử quốc gia đền Quả Sơn, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Truông bồn và điểm du lịch “Do Luong Legend Camping & Resort” được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch. Toàn huyện có 7 lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội đền Quả Sơn và lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đô Lương đã đoàn kết, cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Giai đoạn 2011-2022, huyện Đô Lương huy động nguồn lực đầu tư vào xây dựng nông thôn mới hơn 5.513 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 36,88 %; vốn vay tín dụng gần 2.000 tỷ đồng chiếm 35,8%; vốn doanh nghiệp hỗ trợ hơn 252 tỷ đồng, chiếm 4,57; vốn người dân đóng góp hơn 1.253 tỷ đồng, chiếm 22,74%.
Các đại biểu tham dự lễ. |
Đến nay, huyện Đô Lương đã có một diện mạo mới khang trang, hiện đại với tốc độ đô thị hóa nhanh; kinh tế tăng trưởng ổn định, các loại hình dịch vụ, thương mại, phát triển đa dạng, thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 10 năm luôn duy trì ở mức khá cao, giai đoạn 2010 – 2015, tăng trưởng bình quân đạt 10,16%; giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân đạt 12,53%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách hàng năm đạt trên 300 tỷ đồng, năm 2022 đạt gần 490 tỷ đồng, đến năm 2024 đạt hơn 1.000 tỷ đồng...
Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai được chú trọng, từng bước đi vào nề nếp. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết được quan tâm, chăm lo đúng mức; các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa được bảo tồn, giữ gìn; chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; đặc biệt người dân ngày càng được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện đến nay đạt 81,54 triệu đồng/người/năm (tăng 58,34 triệu đồng/người/năm so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 1,21%. 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ và Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào xây dựng huyện nông thôn mới. |
Với những kết quả thực hiện được, huyện Đô Lương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 tại Quyết định số 1370/QĐ-TTg, ngày 15/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Bí thư Huyện ủy Bùi Duy Đông cho biết: Đô Lương sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, chủ động nắm bắt các cơ hội phát triển, phấn đấu xây dựng huyện Đô Lương ngày càng phát triển hơn nữa, trở thành huyện mạnh về kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, nông thôn đổi mới, đô thị văn minh và trở thành đô thị động lực kết nối giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, Khu kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển của tỉnh Nghệ An.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ phát biểu. |
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ khẳng định, đón nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ là vinh dự, niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đô Lương.
Để giữ vững những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đô Lương tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 19/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Huyện cần phải hết sức nỗ lực, có quyết tâm chính trị cao nhất, để xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.
Huy động lồng ghép các nguồn lực nhằm tạo nguồn lực đủ mạnh, đồng bộ để xây dựng, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, trong đó nguồn lực của nhân dân đóng vai trò quyết định, phát huy thế mạnh của địa phương và tiếp tục tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Đô Lương ngày càng giàu, đẹp, văn minh.
Diện mạo mới khang trang, hiện đại với tốc độ đô thị hóa nhanh. |
Cùng với đó, Đô Lương tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; đưa các sản phẩm chủ lực của địa phương vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung phát triển các ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, cần bảo tồn gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, của dân tộc. Xây dựng, vun đắp tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó, keo sơn, bền chặt, có nếp sống văn minh, cuộc sống ở thôn, xóm luôn đầm ấm yên vui, tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm.
Huyện phải chú ý đến việc nâng cao chất lượng môi trường sống; xây dựng cảnh quan nông thôn trong toàn huyện luôn sáng – xanh – sạch – đẹp, an toàn; tập trung giữ vững và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam.
Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới thông minh; đảm bảo và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.
Quang Hợp
Theo