(Xây dựng) - Sau 10 năm tập trung triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện, phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Để hiểu thêm về quá trình thực hiện cũng như những định hướng tiếp theo trong lộ trình cán đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2019 của huyện, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Thịnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện về vấn đề này.
Đồng chí Lê Minh Thịnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Tường.
PV: Thưa đồng chí, trước hết xin đồng chí cho biết những chuyển biến cơ bản của huyện Vĩnh Tường sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM?
Ông Lê Minh Thịnh: Sau gần 10 năm xây dựng NTM, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và nhân dân, diện mạo nông thôn huyện Vĩnh Tường ngày càng được khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 18,75 triệu đồng, năm 2018 đạt 41,5 triệu đồng (tăng 22,75 triệu đồng). 100% các tuyến đường trục huyện, trục xã đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện. Các công trình thủy lợi được cứng hóa đảm bảo tưới, tiêu nước hợp lý trong toàn hệ thống. 100% số xã có hệ thống điện được đầu tư theo đúng quy hoạch, đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 100% trường học đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 22 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2). 100% trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Trung tâm văn hóa – thể thao huyện và các xã có đầy đủ cơ sở vật chất để tổ chức các sự kiện, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao hiệu quả.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có điểm nóng, không có vụ việc đột xuất, bất ngờ; nông nghiệp của huyện chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực.
Cùng với đó là nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã hình thành như: vùng bưởi tại xã Vĩnh Ninh, Phú Đa; bí đỏ tại xã Yên Lập, Vũ Di; rau ở Tân Tiến, Đại Đồng, Thổ Tang; lúa chất lượng cao ở Vũ Di, Ngũ Kiên… với tổng diện tích gần 3.500ha… các vùng sản xuất đã đem lại giá trị kinh tế cao cho các hộ gia đình và địa phương.
Tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất được đẩy mạnh; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, đặc biệt phát triển đàn bò sữa (hiện toàn huyện có gần 11.000 con bò sữa) gắn với tiêu thụ sữa theo hợp đồng với các doanh nghiệp lớn. Các loại hình kinh tế tập thể và hình thức liên kết sản xuất được mở rộng như: Nông dân chăn nuôi bò sữa liên kết cung ứng sữa cho Cty sữa Cô gái Hà Lan, Cty sữa Vinamik...; sản xuất rau an toàn cung cấp cho các hợp tác xã để đưa vào hệ thống siêu thị…
PV: Thưa đồng chí, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã có những định hướng như thế nào để đạt được những kết quả như đã nêu trên?
Ông Lê Minh Thịnh: Thời điểm triển khai xây dựng NTM (30/6/2011), Vĩnh Tường là huyện có số xã nằm trong kế hoạch xây dựng NTM nhiều nhất tỉnh (26/112 xã toàn tỉnh) với xuất phát điểm thấp: 22/26 xã đạt 5-8 tiêu chí; 4/26 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Xác định xây dựng NTM là chương trình tổng hợp, là cuộc vận động toàn dân, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quan điểm xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy tối đa và hiệu quả nội lực của toàn dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Căn cứ tình hình thực tế, Ban Chỉ đạo huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Ưu tiên triển khai lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình NTM để phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình xây dựng NTM thì ưu tiên đầu tư tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn; lựa chọn các nội dung tiêu chí thực hiện cần ít vốn làm trước.
Song song với đó tập trung huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân, ngân sách huyện, bố trí lồng ghép, huy động mọi nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung xây dựng NTM (ngân sách huyện hỗ trợ 200.000đ/m3 bê tông để làm giao thông nông thôn; 200 triệu đồng/01 nhà văn hóa thôn; 200 triệu đồng/01 xã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng bãi rác thải tạm…).
Ưu tiên hỗ trợ thực hiện các tiêu chí có thể tạo nên sự phát triển đột phá, có tính chất lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như: Đường giao thông nông thôn (đã hoàn thành 100% cứng hóa từ năm 2015), giao thông nội đồng, trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế… Đặc biệt, đối với những xã thật sự khó khăn, nhiều năm liền không có nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, huyện đã có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho một số tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư lớn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tập trung làm tốt công tác vận động nhân dân, phát huy dân chủ rộng rãi, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những cách làm hay để nhân ra diện rộng, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân như: Vận động doanh nghiệp, người con quê hương thành đạt, nhân dân trong xã ủng hộ, đóng góp... nổi bật như: Vũ Di, Ngũ Kiên, Tam Phúc việc huy động lên đến hàng tỷ đồng…
Tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành cương quyết của chính quyền, nêu cao vai trò lãnh đạo của các chi bộ Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, công khai, dân chủ, tạo được phong trào thi đua trong quần chúng. Cán bộ Đảng viên phải gương mẫu, gắn bó với nhân dân để cùng chung sức xây dựng NTM.
Hết năm 2018, huyện vẫn còn 05 xã chưa hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM - đây là những xã có nhiều khó khăn về nguồn lực trong khi tiêu chí để được công nhận đòi hỏi cao hơn trước đây. Do đó, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn toàn huyện, huyện ủy đã bàn, thống nhất ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí để giúp các xã hoàn thành những tiêu chí có nguồn vốn đầu tư lớn; đồng thời phân công 05 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy mỗi đồng chí trực tiếp phụ trách 01 xã để lãnh đạo, chỉ đạo; yêu cầu lãnh đạo UBND huyện, các đồng chí huyện ủy viên phụ trách xã, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tích cực vào cuộc chỉ đạo, đôn đốc.
Trong quá trình chỉ đạo, nhiều lần đồng chí Bí thư huyện ủy, đồng chí Chủ tịch UBND huyện trực tiếp đi làm việc với từng xã, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã ký cam kết về tiến độ, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các sở, ngành của tỉnh giải quyết nhanh những thủ tục hành chính còn vướng mắc…
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính đến hết tháng 9/2019, cả 05 xã còn lại của huyện đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Vĩnh Tường hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn NTM theo quy định.
PV: Để đạt chuẩn NTM chỉ là bước khởi đầu, việc xây dựng NTM đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục và khó khăn bởi chất lượng các tiêu chí NTM ngày càng nâng cao. Vậy những giải pháp nào để huyện Vĩnh Tường tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí NTM trong giai đoạn tiếp theo thưa đồng chí?
Ông Lê Minh Thịnh: Huyện Vĩnh Tường xác định, Chương trình xây dựng NTM có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, trong thời gian tới, Vĩnh Tường tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được một cách thực chất, bền vững; đồng thời tập trung chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, cụ thể như sau:
Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy hiệu quả từ chủ trương dồn thửa đổi ruộng; triển khai quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, phát triển mạnh các gia trại, trang trại, hạn chế tối đa chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp về nông thôn, gắn hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp với khuyến khích mở rộng liên doanh, liên kết tiêu thụ nông sản, phục vụ sản xuất; triển khai quyết liệt chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (COCOP).
Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên nguồn lực, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm của huyện và đầu tư xây dựng hạ tầng huyện NTM.
Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn chất lượng mũi nhọn, chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc của quê hương trong trường học; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế ở cơ sở gắn với nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng và các chỉ tiêu, nhiệm vụ về dân số, gia đình và trẻ em; tổ chức tốt phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trên địa bàn; có giải pháp phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến thôn; tập trung công tác truyền thông, tuyên tuyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn; phát động phong trào xây dựng tuyến đường, cơ quan, công sở, trường học xanh-sạch-đẹp.
Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; tiếp tục tập trung huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu; tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu.
PV: Thưa đồng chí, công tác tuyên truyền, vận động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Vậy huyện ta cần làm như thế nào để công tác tuyên truyền vận động được thực hiện có hiệu quả để người dân hiểu và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM?
Ông Lê Minh Thịnh: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện luôn xác định người dân chính là chủ thể tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện việc xây dựng NTM ở địa phương mình. Vai trò của Nhà nước, chính quyền chỉ là hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt. Quan điểm của huyện là phải phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM vì nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, trong khi đó nguồn lực từ trong nhân dân rất dồi dào, phải huy động tối đa các nguồn lực mới có thể đem lại thành công của chương trình. Nguồn lực của nhân dân cần huy động ở đây không chỉ là tiền của, công sức mà còn cả trí tuệ. Để thực hiện tốt việc này, huyện đã thực hiện một số giải pháp sau:
Chính quyền và các tổ chức đoàn thể phải thực hiện tốt công tác dân vận. Tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chương trình xây dựng NTM nhằm mục đích phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của chính dân cư nông thôn. Trong xây dựng NTM, người dân vừa là người làm vừa là người thụ hưởng.
Đồng thời, chính quyền cũng tuyên truyền cho người dân hiểu trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật… còn vai trò chính vẫn là mỗi người dân để tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp tiền của, ngày công để nhân dân nhìn vào đó thực hiện.
Phải phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Việc huy động sức dân vào xây dựng NTM không được làm quá sức dân, không tạo cho người dân cảm giác chương trình nông thôn mới là một gánh nặng. Quan điểm chỉ đạo là khi huy động sức dân phải vừa sức, từng bước, tránh nóng vội.
Bên cạnh đó, việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện tuyên truyền về điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM luôn được quan tâm thực hiện. Hằng năm thực hiện việc sơ kết để đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, tìm nguyên nhân và đề ra nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện cho năm sau gắn với biểu dương các điển hình tiên tiến. Việc sơ kết được thực hiện từ cơ sở đến huyện đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả. Qua những tấm gương tiêu biểu của tập thể, cá nhân đã khẳng định những cách làm hay, việc làm tốt của mỗi tập thể, cá nhân là những kinh nghiệm quý để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, từ đó nhân rộng gương người tốt, việc tốt, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM trên địa bàn.
Trang Lê
Theo