(Xây dựng) – Nhằm thu hút dòng vốn đầu tư vào tỉnh, Vĩnh Phúc đã nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, đổi mới, sáng tạo công tác xúc tiến đầu tư; khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vĩnh Phúc tập trung thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, kiên quyết không thu hút những dự án sử dụng quá nhiều năng lượng, nguy cơ ô nhiễm môi trường. |
Theo đó, Vĩnh Phúc đã thay đổi cách thức, giải pháp thu hút đầu tư và phương thức tiếp cận đối tác đầu tư thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai các đề án cụ thể như: Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Đề án hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các bộ phận xúc tiến đầu tư đã chủ động tiếp cận và xây dựng báo cáo cụ thể về các doanh nghiệp, tập đoàn lớn với các dự án phù hợp với quy hoạch, tính chất ngành nghề thu hút đầu tư của tỉnh như: Tập đoàn Compal, Tập đoàn LG Việt Nam, Google, Apple, Dell, IKEA, YCH Group...
Từ năm 2014, Vĩnh Phúc đã xây dựng chương trình và ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư từng năm; xây dựng danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo từng thời kỳ, giai đoạn. Các chương trình xúc tiến đầu tư không chỉ tập trung vào thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc mà chuyển hướng sang một số thị trường tiềm năng như: Châu Âu, Mỹ, Úc hay xu hướng đón đầu sự dịch chuyển của nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thuộc các chuỗi cung ứng, các nước đối tác là thành viên của Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Hình thức xúc tiến đầu tư tại nước ngoài không tổ chức quy mô lớn, đối tượng chung chung mà tổ chức xúc tiến theo ngành, lĩnh vực, dự án cần kêu gọi và tùy thuộc vào thế mạnh của mỗi nước. Với quan điểm: Không thu hút dàn trải mà tập trung thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc nhằm hạn chế những dự án sử dụng nhiều đất, giá trị gia tăng thấp; kiên quyết không thu hút những dự án sử dụng quá nhiều năng lượng, nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng việc chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; thực hiện chăm sóc tốt các nhà đầu tư đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư, đồng thời chính các nhà đầu tư, doanh nghiệp giúp tỉnh thu hút đầu tư.
Nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai như đẩy mạnh cải cách hành chính; định kỳ hằng quý tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình và khó khăn của doanh nghiệp theo kênh độc lập; tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước các cấp trong tỉnh; tập trung hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng sạch, kết nối giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng kêu gọi đầu tư.
Phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, trong đó trọng tâm là địa bàn các huyện: Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Sông Lô, Lập Thạch và thành phố Phúc Yên… xây dựng chương trình, kêu gọi thu hút đầu tư theo định hướng chung của tỉnh.
Nhờ thay đổi trong cách thức, giải pháp thu hút đầu tư và phương thức tiếp cận đối tác đầu tư, Vĩnh Phúc đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư của cả nhiệm kỳ 5 năm giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn FDI 2,5 tỷ USD.
Tập đoàn CNCTech và Công ty Cổ phần Signetics (Hàn Quốc) ký kết thoả thuận triển khai dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn tại Vĩnh Phúc. |
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như: Ôtô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước đã tìm hiểu môi trường đầu tư, bất động sản công nghiệp và có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết Net zero, đầu tư xanh với Vĩnh Phúc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết tháng 10/2024, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút 30 dự án mới và 39 dự án điều chỉnh vốn, với tổng số vốn đăng ký đạt 581,4 triệu USD, vượt 45,35% kế hoạch giao đầu năm.
Đặc biệt, tháng 9/2024, Công ty Cổ phần Signetics đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CNCTech về việc triển khai dự án Nhà máy bán dẫn tại tỉnh với quy mô 50.000m2 và tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD. Đây là một bước đột phá trong việc phát triển ngành Công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh.
Để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, tỉnh đang hoàn thiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp; xây dựng chính sách cụ thể về ưu đãi cho các dự án FDI theo hướng vận dụng tối đa chính sách ưu đãi của Nhà nước; tăng cường liên kết với Bộ, ngành, Đại sứ quán... quảng bá, kêu gọi đầu tư.
Thường xuyên tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội trợ triển lãm, bởi đây là cơ hội tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, đặc biệt là các đối tác đã và đang đầu tư kinh doanh tại tỉnh nhằm tạo sự uy tín của tỉnh đối với doanh nghiệp trong việc mở rộng, tái đầu tư.
Tuệ An
Theo