(Xây dựng) - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo 2 Công ty TNHH MTV Đình Lập và Lộc Bình vượt khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giảm thiểu những tác động xấu do biến đổi khí hậu và đóng góp vào ổn định an ninh trên tỉnh Lạng Sơn.
Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy cùng Đoàn công tác của Ủy ban thăm khu vực trồng cây macca tại lâm trường của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình. |
Cùng tham gia Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ông Hồ Công Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp. Về phía Vinafor, có ông Phí Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Khương Lâm – Phó Tổng Giám đốc cùng đại diện các đơn vị thành viên của Tổng Công ty trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Đại diện Vinafor cho biết: Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Vinafor có 4 công ty, gồm 3 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Đình Lập, Lộc Bình, Đông Bắc (Tổng Công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ) và 1 Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc (Tổng Công ty nắm giữ 67,7%). Trong đó, 2 Công ty TNHH MTV Đình Lập và Lộc Bình sau một thời gian được Vinafor tiếp nhận từ tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu mang lại hiệu quả, có lợi nhuận. Các công ty này có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của Công ty mẹ, đang quản lý và sử dụng diện dích đất lâm nghiệp lớn tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Sau khi Đề án cơ cấu lại Vinafor giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua, 2 Công ty TNHH MTV Đình Lập và Lộc Bình đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại từ đó làm cơ sở định hướng phát triển đến năm 2025. Cùng với các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp khác, 2 công ty này có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển của Tổng Công ty trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Các đơn vị đều hướng tới mục tiêu tăng sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng, góp phần phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến gỗ, lâm sản khu vực Bắc bộ; mang lại hiệu quả đóng góp về xã hội, môi trường.
Việc đầu tư trồng rừng tại các công ty này tạo việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Cụ thể, số cán bộ nhân viên tại từng công ty duy trì trong khoảng 40-50 người, thu nhập trung bình trên 8,5 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm cho các lao động địa phương và các khu vực lân cận; góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giảm thiểu những tác động xấu do biến đổi khí hậu và đặc biệt góp phần vào ổn định an ninh trên địa bàn biên giới; phù hợp với chiến lược phát triển Vinafor đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư, phát triển 5 năm đến năm 2025; Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty giai đoạn 2021-2025 đã được thông qua.
Trên cơ sở báo cáo của Vinafor, ý kiến đóng góp của Vụ Nông nghiệp, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Vinafor trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo 2 Công ty TNHH MTV Đình Lập và Lộc Bình vượt khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giảm thiểu những tác động xấu do biến đổi khí hậu và đóng góp vào ổn định an ninh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy đề nghị lãnh đạo Vinafor và 2 Công ty TNHH MTV Đình Lập và Lộc Bình tiếp tục nâng quy mô các đơn vị sản xuất lâm nghiệp; đầu tư trồng rừng thâm canh cao, chuyển hóa kinh doanh rừng gỗ lớn, phát triển giống cây chất lượng cao; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ đất; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, đặc biệt là công tác giống tạo sự đột phá trong quản lý và sản xuất lâm nghiệp (nghiên cứu đẩy mạnh liên doanh trong nước và ngoài nước về giống cây lâm nghiệp, xây dựng thương hiệu giống cây lâm nghiệp của Tổng Công ty); cải tạo đất bằng phương pháp cơ giới; đồng thời, đẩy mạnh thu hồi đất lấn chiếm.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy cũng gợi mở Vinafor và 2 Công ty TNHH MTV Đình Lập và Lộc Bình trong thời gian tới, cần đẩy nhanh việc nghiên cứu các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp như macca, quế và hồi; đồng thời, áp dụng mô hình sản xuất lâm nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, triển khai quy hoạch, xây dựng cây trồng để đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, các phương án cần tính toán hiệu quả kinh tế cụ thể, gắn với chế biến, xuất khẩu, tận thu tối đa các sản phẩm, kể cả phụ phẩm; ngoài ra, bao bì đóng gói sản phẩm cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng thông qua công tác thăm dò thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng kết hợp với tiếp thị và truyền thông.
Liên quan tới nội dung bổ sung vốn điều lệ cho 2 Công ty TNHH MTV Đình Lập và Lộc Bình, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy đề nghị Vinafor và 2 công ty nghiên cứu, xây dựng phương án và lộ trình bổ sung vốn cần đảm bảo tính thực tiễn và có hiệu quả, thu hồi vốn hợp lý; gắn với cơ cấu lại tài chính Tổng Công ty và các đơn vị thành viên.
Đồng thời, theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, quá trình này cần nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật liên quan, đúng thẩm quyền từng cấp. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang lấy ý kiến các đơn vị trong đó có Vinafor để thành lập Tổ rà soát bổ sung vốn điều lệ cho các đơn vị thành viên của Tổng Công ty trong năm 2024.
Kim Oanh
Theo